Có một giám đốc tin học đam mê sưu tập báo giấy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Không chỉ là một doanh nhân thành đạt ở Nam Định, ông Nguyễn Phi Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Tin học Phi Dũng còn có niền đam mêm sưu tập báo giấy. Kho lưu trữ của ông có đến 20 tấn báo qua nhiều thời kỳ.

Ông Nguyễn Phi Dũng (bên phải) giới thiệu kho báo của mình.
Ông Nguyễn Phi Dũng (bên phải) giới thiệu kho báo của mình.

Trân trọng quá khứ của mỗi tờ báo

Doanh nhân Nguyễn Phi Dũng, người nổi tiếng với việc lưu trữ và bảo tồn báo giấy, được giới hâm mộ, sưu tầm sách báo, tạp chí đánh giá cao bởi số lượng “khủng” cả về chất và lượng.

Đam mê từ nhỏ, trải qua hai thế hệ, ông Nguyễn Phi Dũng được thừa hưởng nguồn đam mê từ người cha, đến nay kho lưu trữ của ông đã lấp đầy một căn phòng rộng ở toà nhà tọa lạc giữa thành phố Nam Định.

Khỏi nói về bề dày mà cha con ông cất công tìm tòi, đầu tư về thời gian và công sức sưu tầm để có được những kết quả như ngày hôm nay, ai nấy đều sửng sốt khi mục sở thị kho sách báo xưa, sách báo cổ có một không hai ngay tại tư gia này.

Theo ông Dũng, sự phát triển của công nghệ số, mạng xã hội, độc giả quen dần với báo điện tử qua các thiết bị nhỏ gọn như điện thoại thông minh và máy tính bảng thì báo giấy bị quên lãng và không được ưa chuộng. Tuy nhiên, báo giấy vẫn được coi là khởi nguồn của mọi tòa soạn. Sự thành công của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay có sự góp phần không nhỏ của những tờ báo in, những ấn phẩm mang đậm nét cổ truyền từ xa xưa, có niên đại cách đây hàng trăm năm.

Đam mê thôi là chưa đủ, ông Dũng còn luôn tìm hiểu và đầu tư thời gian, tham gia vào các diễn đàn nhằm học hỏi, chia sẻ và sưu tầm thêm các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Không ngừng gia tăng khối lượng các sản phẩm ngày càng phong phú, cũng như trau dồi thêm kiến thức trong việc bảo quản các báu vật đó sao cho được lâu dài và chất lượng. Điều mà ông lo lắng là làm sao để chống lại vấn nạn “chảy máu báo giấy”, hoặc chống lại nguy cơ “mai một” của báo giấy, khi mà cuộc sống hiện đại đã dần mất đi hình ảnh quen thuộc của các sạp bán báo ven đường.

Những tư liệu quý giá

Trong số kho tàng đã sưu tầm của mình hiện có 5 tờ báo quý, ông Dũng gọi đó là những tờ báo cấp đặc biệt hay cấp 1. Những tờ báo này được bảo quản và cất giữ cẩn thận, tất cả đều được cho vào túi nilon loại mềm, mỗi tờ cho vào 1 túi và bảo vệ bằng ống chống ẩm. Khi nào có khách đến tham quan ông mới đem ra cho mọi người chiêm ngưỡng.

dung1.jpg
Ông Nguyễn Phi Dũng trong một buổi giao lưu về lịch sử báo chí với Trường Quốc học Huế. Ảnh: NVCC.

Những tờ báo quý đó lần lượt là: Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ) do Trương Vĩnh Ký làm Chánh tổng tài (chức danh tương đương Tổng Biên tập ngày nay). Tờ báo này mà ông đang sở hữu xuất bản từ năm 1896.

Thứ hai là tờ báo Cờ Giải Phóng - Cơ quan tuyên truyền cổ động của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 1 ra ngày 10/10/1942. Đây là tờ báo do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách đồng thời là cây bút chính luận chủ yếu của báo.

Tờ Cờ Giải Phóng ra tới số 33 là dừng lại. Hiện nay, ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chỉ có 32 số báo Cờ Giải Phóng, còn thiếu số báo phát hành đầu tiên. Và để mua được tờ báo này, ông Dũng phải bỏ ra tới 50 triệu đồng và mua kèm 4 tờ báo khác.

Thứ ba là tờ báo Xung Phong - Cơ quan cổ động của Việt Minh tỉnh Bắc Giang, số 9, ra ngày 15 tháng 9 ta (chưa rõ năm) với những tiêu đề chính như: Khổ! Khổ!; Xích xiềng cả; Công tác vận động…

Cuối cùng là 2 tờ báo Cứu Quốc - Cơ quan ngôn luận của Việt Minh toàn quốc. Gồm: Tờ số 5, ra ngày 23/9/1942 với những tiêu đề chính như Bắc Sơn khởi nghĩa, Nhật bị ném bom dữ, Hãy nói lên, Mật thám Pháp bị Nhật bắt… Tờ đặc biệt (số Xuân) ra ngày 5/1/1943, trang bìa được in chữ màu đỏ.

"Những tờ báo này có tính Cách Mạng trong thời kỳ mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang hoạt động bí mật. Trải qua hàng chục năm, những tờ báo này vẫn còn tồn tại; thực sự là những tài liệu cực kỳ quý hiếm", ông Dũng chia sẻ.

Ngoài sưu tầm báo xưa, ông Dũng còn sưu tầm cả tập san, tạp chí, công báo, sách Nam Phong, Truyện Kiều…

"Nhiều người ngỏ ý muốn mua lại những tờ báo quý này mà tôi sở hữu nhưng tôi nhất quyết không bán. Tôi vẫn sẽ tiếp tục sưu tầm. Sau này, nếu con tôi thích thì tôi sẽ để lại toàn bộ cho chúng quản lý. Còn nếu không thích, tôi sẽ tặng cho bảo tàng" - ông Dũng tâm sự.

Tích tiểu thành đại, năng nhặt chặt bị, túc tắc từ ngày này sang tháng nọ, ông Dũng đã và sẽ có được một bộ sưu tập báo, tạp chí lớn hơn hiện tại và để làm di sản cho những thế hệ mai sau. Bản thân ông Nguyễn Phi Dũng đang có kế hoạch sẽ chính thức thành lập bảo tàng của riêng mình về lịch sử báo chí nước nhà. Dự kiến bảo tàng này sẽ chính thức đi vào hoạt động vào dịp 21/6/2025 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.