Ngày 27/4, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Securities - CTS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
Đại hội đã thông qua loạt tờ trình liên quan đến tình hình hoạt động năm 2020, kế hoạch kinh doanh năm 2021, Phương án thay đổi thành viên HĐQT cũng như chuyển giao dịch cố phiếu tạm thời sang HNX… Những nội dung được thông qua sẽ là tiền đề để VietinBank Securities tiếp tục thực hiện định hướng phát triển trở thành một định chế tài chính.
Đứng trước một năm 2021 nhiều cơ hội và thách thức, cổ đông VietinBank Securities tỏ ra đặc biệt quan tâm tới năng lực của ban lãnh đạo. Tại đại hội, cổ đông đã chất vấn ông Trần Phúc Vinh – Thành viên HĐQT, Quyền Tổng Giám đốc VietinBank Securities, về việc vị này chưa có chứng chỉ hành nghề.
Trả lời cổ đông, ông Trần Phúc Vinh cho biết bản thân đã tham gia các lớp học và đang chờ lịch thi từ Uỷ ban chứng khoán.
“Việc chưa có chứng chỉ hành nghề không chỉ riêng tôi mà còn có một số CEO của các CTCK khác trên thị trường, chủ yếu nguyên nhân đến từ ảnh hưởng của dịch Covid-19", ông Vinh cho biết.
Theo tìm hiểu, ông Trần Phúc Vinh đã được bổ nhiệm làm Quyền Tổng Giám đốc VietinBank Securities từ ngày 15/4/2020, thay thế cho cựu Tổng Giám đốc Khổng Phan Đức. Đến ngày 27/4/2020, ông Vinh tiếp tục được bầu làm Thành viên HĐQT VietinBank Securities.
Ông Trần Phúc Vinh gia nhập Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – công ty mẹ của VietinBank Securities, từ tháng 7/2012. Sau gần 5 năm làm chuyên viên phòng Định chế tài chính, tháng 1/2017, ông Vinh được bổ nhiệm làm Phó phòng Thị trường vốn của VietinBank. Đến tháng 1/2019, ông Vinh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc VIetinBank – Chi nhánh Bắc Hà Nội, trước khi ‘rẽ ngang’ sang lĩnh vực chứng khoán, làm Quyền Tổng Giám đốc VietinBank Securities.
Dù là Quyền Tổng Giám đốc, song về bản chất, ông Trần Phúc Vinh vẫn là người tham gia vào hoạt động quản trị, điều hành chung hoạt động của VietinBank Securities như một CEO thực sự.
Mà theo quy định của Luật chứng khoán và Điều lệ VietinBank Securities, Tổng Giám đốc công ty chứng khoán phải có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính hoặc chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ. Hơn nữa, VietinBank Securities là công ty do cổ đông Nhà nước nắm quyền chi phối, nên việc sắp xếp, bổ nhiệm nhân sự cần chú trọng đến việc tuân thủ các quy định của pháp luật, hoàn thiện các tiêu chuẩn bổ nhiệm.
Việc ông Trần Phúc Vinh vẫn chưa có chứng chỉ hành nghề, ít có kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán, khiến một số cổ đông băn khoăn về hoạt động kinh doanh của VietinBank Securities, đặc biệt là khi công ty này đã thoái vốn khỏi nhiều khoản đầu tư tiềm năng vào năm ngoái.
Tại đại hội, các cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo về việc VietinBank Securities bán cổ phiếu CVT của CTCP CMC ngay “chân sóng”.
Cụ thể, ngày 17/11/2020, VietinBank Securities đã thực hiện thoái toàn bộ gần 4 triệu cổ phiếu CVT, tương đương 10,9% vốn điều lệ của CTCP CMC. Cùng ngày, CVT ghi nhận giao dịch thoả thuận với khối lượng đúng bằng của VietinBank Securities bán ra, giá trị giao dịch đạt 113,2 tỷ đồng, tương ứng với mức giá 28.300 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, điều đáng nói tại thời điểm thực hiện giao dịch thoả thuận kể trên cổ phiếu CVT đã tăng kịch trần quanh mức giá 30.050 đồng/cổ phiếu với khối lượng dư mua rất lớn.
Những phiên giao dịch sau đó, giá cổ phiếu CVT liên tục tăng trần với khối lượng dư mua lớn và đạt đỉnh 58.900 đồng/cổ phiếu, gấp đôi mức giá mà VietinBank Securities giao dịch thoả thuận tại ngày 17/11/2020.
Đáng chú ý, chỉ ít ngày sau khi VietinBank Securities bán ra, nhiều cổ đông nội bộ của CVT (các thành viên HĐQT, BKS, Ban điều hành của CVT) mới thực hiện bán và khớp lệnh với mức giá cao hơn đáng kể mức giá thỏa thuận mà VietinBank Securities thực hiện trước đó.
Đối với mục tiêu trở thành định chế tài chính, việc VietinBank Securities ‘bán non’ cổ phiếu CVT qua phương thức thoả thuận khiến một số cổ đông của công ty nghi ngờ về quyết định và năng lực điều hành của dàn lãnh đạo mới./.