Theo truyền thông trong nước, Bộ Công an mới đây đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị giữ nguyên hiện trạng, thủ tục pháp lý và tạm dừng mọi biến động liên quan tới CTCP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai (Minh Thành Đồng Nai) và dự án Khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành để phục vụ điều tra.
Trước đó, nhà chức trách đã nhận được đơn tố cáo của Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai (Kim Oanh Đồng Nai), tố cáo các ông, bà Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và Trần Quí Thanh có hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án và "trốn thuế", xảy ra tại Minh Thành Đồng Nai và CTCP Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành (Xây dựng Nhơn Thành).
Theo chia sẻ của vị CEO này, sự việc xuất phát từ khoản vay 350 tỉ đồng, lãi suất 3%/tháng của Kim Oanh Đồng Nai với gia đình bà Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương nhằm thâu tóm cổ phần tại Minh Thành Đồng Nai.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, tại ngày 23/12/2019, bà Trần Ngọc Bích (SN 1984) đã thay thế ông Phạm Hoàng Minh (SN 1946) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Minh Thành Đồng Nai. Bà Trần Uyên Phương (SN 1981) cũng là Thành viên HĐQT của doanh nghiệp này.
Tới tháng 10/2020, bà Bích đã nhường lại vị trí đứng đầu tại Minh Thành Đồng Nai cho ông Nguyễn Quốc Việt (SN 1987). Ông Việt hiện còn đứng tên tại một số pháp nhân khác có liên quan như: CTCP Đầu tư và Phát triển Oky Saigon và CTCP Bất động sản Vạn Vạn An.
Các bà Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương là con gái của ông Trần Quí Thanh (SN 1953) – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Năm ngoái, gia đình ông Trần Quí Thanh đã thành lập tới cả chục công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản, với tổng vốn điều lệ đăng ký lên tới gần 19.000 tỉ đồng. Bà Trần Ngọc Bích cũng đã chi cả trăm tỉ đồng để tham gia đấu giá các khu đất lớn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trước đó nữa, ông Trần Quí Thanh và các thành viên trong gia đình cũng được phát lộ có những khoản tiền gửi tiết kiệm lên đến gần 6.000 tỉ đồng trong vụ án liên quan đến Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng.
Sự "sẵn tiền" của giới chủ Tân Hiệp Phát phần nào đến từ “điểm tựa” vững chắc ở lĩnh vực cốt lõi – kinh doanh nước giải khát.
"Núi tiền" của nhà Tân Hiệp Phát
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Tân Hiệp Phát về cơ bản vẫn là doanh nghiệp gia đình, khi nhà ông Trần Quí Thanh chia nhau sở hữu cổ phần ở các doanh nghiệp thành viên.
Trong 4 năm gần nhất, một số doanh nghiệp lớn của nhóm Tân Hiệp Phát đều có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tích cực như: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tân Hiệp Phát), Công ty TNHH Number One Hà Nam (Number One Hà Nam) và Công ty TNHH Number One Chu Lai (Number One Chu Lai).
Tân Hiệp Phát tỏ ra vượt trội về kết quả kinh doanh khi đều đặn ghi nhận doanh thu thuần trong 3 năm gần nhất đều đạt trên 5.000 tỉ đồng. Năm ngoái, doanh nghiệp báo lãi thuần lên tới 1.554,38 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận lên tới 26,5%, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Tương tự, Number One Hà Nam trong năm 2019 cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 1.998,5 tỉ đồng, báo lãi thuần 784,4 tỉ đồng, tương ứng với biên lợ nhuận đạt mức 39,2%.
Number One Chu Lai dù mới đi vào hoạt động nhưng cũng nhanh chóng có lãi. Năm 2019, nhà máy này ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 1.392,9 tỉ đồng, báo lãi thuần 488,9 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận ở mức 35%.
Trong 4 năm gần nhất, chỉ tính riêng 3 doanh nghiệp này đã đem về tổng cộng 7.161,6 tỉ đồng lãi thuần.
Tuy nhiên, như VietTimes từng phân tích, phần lớn khoản lợi nhuận khổng lồ này đã được phân phối lại cho gia đình ông Trần Quí Thanh.
Đồng nghĩa, nhà ông chủ Tân Hiệp Phát đang sở hữu một "núi" tiền mặt khổng lồ, và hẳn không quá lời nếu đánh giá rằng, các thành viên của gia đình này đang là những người sẵn tiền bậc nhất Việt Nam.
Họ sẽ làm gì với "núi tiền" trong tay để tiền đẻ ra tiền? Liệu có ai đem tiền đi "cho vay nặng lãi" như câu chuyện đang được tố cáo ở đầu bài?... Tài liệu của VietTimes cho thấy, các thành viên nhà chủ Tân Hiệp Phát, như chị em bà Trần Uyên Phương, Phần Ngọc Bích, từng sở hữu rất nhiều sổ tiết kiệm/chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại, với giá trị phổ biến lên đến nhiều chục tỉ đồng mỗi sổ./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu