URC vẫn kiếm bộn tiền từ Việt Nam hậu “scandal” C2, Rồng đỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Scandal” nhiễm chì của 2 sản phẩm chủ lực C2 và Rồng Đỏ từng tạo ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cho URC. Làn sóng tẩy chay tưởng chừng sẽ nhấn chìm đại gia đồ uống Philippines ở thị trường Việt Nam nhưng thực tế thì...
Ảnh minh họa (Nguồn: URC)
Ảnh minh họa (Nguồn: URC)

Theo báo cáo tình hình thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) Việt Nam của Kantar – có trụ sở tại Vương Quốc Anh, 6 tháng đầu năm 2020, chi tiêu FMCG cho tiêu dùng tại nhà ghi nhận tăng trưởng đột biến, đặc biệt trong tháng 3 và 4 do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội. Thị trường FMCG được dự đoán sẽ trở lại bình thường với mức “tăng trưởng 1 chữ số” khi tình hình dịch bệnh lắng xuống.

Nhắc đến ngành FMCG, cụ thể với đồ uống đóng chai, có thể kể đến hàng loạt “đại gia” tại thị trường Việt Nam như Cocacola, Pepsi, Red Bull, Masan và Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, một đối thủ cũng được coi là xứng tầm nhưng ít người quan tâm hơn là Universal Robina Corporation (URC) – một trong những công ty thực phẩm lớn nhất tại Philippines.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2003, hệ thống của URC nằm ở 2 công ty chính là Công ty TNHH URC Việt Nam (URC Việt Nam) và Công ty TNHH URC Hà Nội (URC Hà Nội).

Hiện nay, URC đang sở hữu 5 nhà máy sản xuất trải dài ở các tỉnh Bình Dương, Quảng Ngãi và Hà Nội, với 2 sản phẩm đồ uống đóng chai chủ lực là trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu và lợi nhuận của URC Việt Nam và URC Hà Nội cùng tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp ngoại cùng ngành như Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (Suntory PepsiCo) hay Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola) thì doanh thu của URC vẫn chỉ ở mức khiêm tốn.

Mức doanh thu hàng năm của URC ngang ngửa Tân Hiệp Phát nhưng chỉ là khiêm tốn nếu so với Suntory PepsiCo hay Coca-Cola
Doanh thu hàng năm của URC ngang ngửa một nhà máy sản xuất đồ uống tại Bình Dương của Tân Hiệp Phát, nhưng lại rất khiêm tốn khi so với Suntory PepsiCo hay Coca-Cola

Cụ thể, đối với URC Việt Nam, năm 2019, doanh thu thuần của công ty này đạt 6.333 tỷ đồng, cao gấp 6 lần so với năm 2016 (1.050 tỷ đồng); lãi thuần cũng tăng phi mã (hơn 32 lần) từ 20,3 tỷ đồng năm 2016 lên mức 659,3 tỷ đồng năm 2019.

Trong khi đó, năm 2019, doanh thu thuần của URC Hà Nội đạt 745 tỷ đồng, cao gấp hơn 8 lần so với năm 2016; lãi thuần ở mức 111,6 tỷ đồng, trong khi năm 2016 lỗ gần 25 tỷ đồng.

Hồi sinh hậu "scandal"

Nên nhớ rằng, năm 2016, URC từng phải đối diện với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, xuất phát từ một bê bối (“scandal”) liên quan đến 2 nhãn sản phẩm nước đóng chai chủ chốt của họ, là trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ.

Theo đó, tháng 5/2016, Thanh tra Bộ Y tế đã yêu cầu thu hồi 3 lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. Song song với đó, cơ quan này cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 6 tỷ đồng đối với URC do kinh doanh hai mặt hàng nhiễm chì kể trên cùng một số vi phạm khác.

“Scandal” khiến “đại gia” đồ uống Philippines đối diện với làn sóng phẫn nộ và tẩy chay từ phía người tiêu dùng Việt Nam. Doanh số của hãng được cho là bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó thị nhãn hàng chủ chốt của họ - là C2 (trước khủng hoảng đang dẫn đầu thị phần sản phẩm cùng phân khúc) – tuột dốc thảm hại. Chưa kể, một khủng hoảng liên đới từ khủng hoảng lõi thời điểm ấy còn khiến agency xử lý truyền thông của URC ở Việt Nam, là Golden Communication Group, lao đao và làm xôn xao báo giới.

Nhưng như các dữ liệu của VietTimes đã đề cập, thực tế sau “scandal”, doanh số của URC (cả URC Việt Nam và URC Hà Nội) vẫn liên tục tăng trưởng ấn tượng suốt từ năm 2016 cho đến nay, với tốc độ thậm chí được tính bằng lần. Qua đó thu hẹp đáng kể khoảng cách với các đối thủ.

Nếu như năm cao trào khủng hoảng 2016, doanh thu thuần của URC Việt Nam đạt chưa nổi 1/5 lần so với đại đối thủ Tân Hiệp Phát, thì sang ngay năm 2017, doanh thu thuần của URC (tính cả URC Hà Nội và URC Việt Nam) đã xấp xỉ tập đoàn của nhà ông Trần Quý Thanh. Các năm tiếp theo, doanh thu của URC tiếp tục được cải thiện, dĩ nhiên, các đối thủ của họ cũng tăng trưởng, thậm chí còn nhanh hơn. Dù vậy, vẫn phải thừa nhận sức hồi sinh của đại gia đồ uống Philippines ở Việt Nam là rất đáng nể.

Nên biết, URC không chỉ đánh riêng vào lĩnh vực nước giải khát hay đồ uống đóng chai. Công ty này còn đang cung cấp một số mặt hàng khác như bánh Cream-O, bánh Magic, kẹo Dynamite, snack Jack & Jill Puff Corn và Chikki.

Trong khi đó, Suntory PepsiCo và Coca-Cola chiếm lĩnh thị phần khi cung cấp hàng chục loại sản phẩm đồ uống từ trà, nước tăng lực, nước khoáng đến cả đồ uống có gas.

Còn Tân Hiệp Phát - đại đối thủ của URC, ngoài kinh doanh nước giải khát, tập đoàn này còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên doanh thu chủ yếu vẫn đến từ một nhà máy sản xuất đồ uống tại Bình Dương.

Một số chỉ tiêu tài chính của URC Việt Nam và URC Hà Nội
Một số chỉ tiêu tài chính của URC Việt Nam và URC Hà Nội

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của URC Việt Nam đạt 4.447 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 3.492 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8,7% và 23% so với thời điểm đầu năm; tổng tài sản của URC Hà Nội đạt 1.105 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.028 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8,2% và 12%.

Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay tại URC Việt Nam và URC Hà Nội là ông Laurent Levan (SN 1967, quốc tịch Pháp).

Vào tháng 3/2016, C2 chiếm gần 38% thị phần, vượt mặt cả những đối thủ sừng sỏ như Trà Xanh 0 độ, Trà thảo mộc Dr.Thanh (Tân Hiệp Phát) và Trà ô-long TEA+ (Pepsi). Nhưng thị phần C2 đã sụt giảm lần lượt xuống mức 23% và 17% trong các quý II và III/2016.

Đến cuối năm cuối năm 2016, thị phần ngành trà uống liền đã được phân chia lại rõ nét, khi Trà xanh 0 độ vươn lên vị trí số một tuyệt đối với gần 41%, C2 xếp thứ hai với hơn 16% và không còn khoảng cách lớn với trà ô-long TEA+ (gần 14%) và Dr.Thanh (gần 13%).