Chuyên gia quân sự nói gì về chiến dịch của Ukraine ở Kursk?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc

VietTimes – Quân đội Ukraine ngày 10/8 cho biết đã chiếm giữ trạm trung chuyển khí đốt tự nhiên quan trọng cung cấp cho châu Âu, Nga đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở hai tỉnh Kursk, Lipetsk và điều quân tiếp viện tới.

Ảnh do Ukraine công bố nói binh sĩ của họ đã chiếm văn phòng trạm trung chuyển khí đốt ở Sudzha (Ảnh: FT)
Ảnh do Ukraine công bố nói binh sĩ của họ đã chiếm văn phòng trạm trung chuyển khí đốt ở Sudzha (Ảnh: FT)

Cuộc tấn công của Ukraine đã diễn ra 4 ngày. Đây không chỉ là cuộc tấn công lớn nhất của Ukraine vào lãnh thổ Nga kể từ khi xung đột bùng nổ tháng 2/2022 mà còn là cuộc tấn công bạo lực nhất của họ kể từ khi Nga sát nhập Crimea10 năm trước.

Quân Ukraine tuyên bố chiếm trạm trung chuyển khí đốt

Cuối ngày 9/8, Ukraine lần đầu tiên công khai xác nhận quân đội của họ đã tiến vào Nga, một lữ đoàn quân đội công bố một đoạn video quay cảnh các binh sĩ của họ tại văn phòng của trạm vận hành khí đốt ở thị trấn Sudzha, một điểm trung chuyển quan trọng để cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Một người lính Ukraine nói trong video: “Thị trấn đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng vũ trang Ukraine, thị trấn rất yên tĩnh và tất cả các tòa nhà vẫn còn nguyên vẹn”. Ông ta nói thêm rằng cơ sở chiến lược của công ty khí đốt nhà nước Nga Gazprom đã do một tiểu đoàn Ukraine kiểm soát.

Lữ đoàn cơ giới hóa số 61 của Ukraine tuyên bố trên Telegram: "Sudzha đã hoàn toàn bị quân đội Ukraine kiểm soát". Tuy nhiên, không thể xác minh độc lập những tuyên bố của binh sĩ ở tiền tuyến. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cũng không lên tiếng bình luận.

Nga đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở hai tỉnh Kursk và Lipetsk, nơi quân đội Ukraine và Nga đang giao tranh ác liệt và tăng cường lực lượng tới các nơi này.

Xe cho luc luong Nga.png
Đoàn xe chở lực lượng tăng viện của Nga tới Kursk (Ảnh: Sputnik)

Cho đến nay, ít nhất 4 lữ đoàn cơ giới và không quân Ukraine đã tham gia chiến dịch này. Trong video được các nhà phân tích quân sự xác nhận, có thể thấy lính Ukraine sử dụng xe bọc thép Stryker của Mỹ và xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức. Những chiến xa này được cung cấp cho Ukraine dưới dạng viện trợ quân sự. Các quan chức Mỹ và Đức cho biết việc Ukraine triển khai các xe bọc thép này ở Nga không vi phạm điều kiện sử dụng của họ.

Quyền thống đốc tỉnh Kursk Alexei Smirnov cho biết các mảnh vỡ từ máy bay không người lái của Ukraine đã rơi xuống một nhà máy điện gần Kurchatov, một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Nga với 4 lò phản ứng khiến nguồn điện ở khu vực này bị cắt một thời gian.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi cả hai bên kiềm chế.

Nha may dien hat nhan Kursk.png
Nhà máy điện hạt nhân Kursk đang ở trong tình trạng nguy cơ cao (Ảnh: Sputnik).

Mục đích hành động của Ukraine là gì?

Theo Wall Street Journal của Mỹ ngày 7/8, Ukraine bất ngờ sử dụng tăng thiết giáp và bộ binh đột nhập khu vực Kursk được phòng thủ yếu kém của Nga đã gây hoảng loạn trong dân chúng và buộc Moscow phải khẩn trương điều động thêm quân tới.

Bài báo cho biết mục đích của cuộc xâm nhập là không rõ ràng. Số lượng quân tham gia là nhỏ so với hàng trăm nghìn binh sĩ được cả hai bên triển khai ở Ukraine.

Theo một quan chức Mỹ, đánh giá ban đầu của Mỹ là cuộc tấn công này nhằm đáp trả cuộc tấn công xuyên biên giới của Nga được hỗ trợ từ Kursk. Nick Reynolds, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu ba quân chủng Hoàng gia Anh ở London, cho biết: “Ukraine không thể mở mặt trận thứ hai, họ cần ổn định mặt trận Donbass”.

Bài báo chỉ ra rằng mặc dù vậy, tốc độ và hành động đột ngột của Ukraine dường như khiến quân đội Nga bất ngờ.

Diễn biến này có thể giúp lực lượng Ukraine làm gián đoạn đường tiếp tế của Nga cho quân đội của họ gần Kharkov. Reynolds cho biết điều đó cũng cho thấy "các cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine vẫn chưa kết thúc và người Nga không thấy yên ổn trên chính đất của mình". Ukraine có thể hy vọng Nga sẽ rút quân ra khỏi chiến tuyến phía đông Ukraine để giảm bớt áp lực lên quân đội Ukraine ở đó.

Nha o Kursk chay.jpg
Nhà ở một làng gần Sudzha bị cháy trong cuộc tấn công của Ukraine (Ảnh: AP).

Rob Lee, thành viên cấp cao tại Foreign Policy Research Institute (Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại) Mỹ, nói: “Hiện không rõ liệu hành động này có buộc Nga phải điều chuyển quân từ Donbass về biên giới Nga hay không”. Ông nói, Nga đã bố trí quân đội và vật tư ở khu vực biên giới gần Kharkov , họ có thể tái triển khai thay vì rút quân khỏi Donbass.

Khi Kiev mở cuộc tấn công xuyên biên giới vào khu vực Kursk của Nga, một số chuyên gia quân sự đã đặt câu hỏi: "Tại sao?". Một trong những vấn đề lớn nhất của Ukraine trên chiến trường là nhân lực. Vì vậy, hành động đưa quân Ukraine vào Nga là phản trực giác đối với một số người.

Nhưng không phải tất cả đều như vậy. Chuyên gia chiến tranh Konstantin Mashavec viết trong một bài đăng trên Facebook: “Đây không phải là ngẫu nhiên mà là một phần của một kế hoạch rõ ràng”. Nhà phân tích quân sự Mikhailo Zhirokhov cũng đồng ý. Ông cho biết Nga đã buộc phải tái bố trí một số quân ở mặt trận miền đông Ukraine.

Tổng thống Ukraine Zelensky không bình luận trực tiếp về hành động này mà chỉ đưa ra một số ám chỉ. Ông ca ngợi quân đội Ukraine có khả năng "làm được việc bất ngờ".

Trong bài phát biểu đêm 9/8, ông cảm ơn quân đội đã bắt giữ các tù binh Nga và nói rằng điều đó sẽ mang lại ưu thế trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

T-72 cua Nga.jpg
Xe tăng T-72 của Nga được đưa tới tăng viện cho Kursk (Ảnh: Getty).

Ukraine làm bộc lộ điểm yếu của Nga?

Ben Barry, nhà phân tích về chiến tranh trên bộ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng mặc dù các mục tiêu chiến lược rộng hơn vẫn chưa rõ ràng nhưng Ukraine đã làm bộc lộ những điểm yếu của Nga và đảo ngược quan điểm truyền thống về cuộc chiến là cả hai bên khi tấn công đều đối mặt với tổn thất nặng nề.

Ông nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Rõ ràng Ukraine đã đạt đến mức bất ngờ ra tay, điều đó cho thấy khả năng tình báo, giám sát và trinh sát của Nga không đủ”.

Một đoạn video được Reuters xác nhận cho thấy khoảng 15 xe tải quân sự Nga bị đốt cháy xếp hàng dài trên đường cao tốc ở khu vực Kursk. Trang Telegram của Ukraine đăng video cho biết các xe tải này đã bị trúng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp. Các bloger quân sự Nga cũng cáo buộc rằng đây là kết quả của cuộc tấn công bằng HIMARS.

Hôm 9/8, Mỹ đã tuyên bố viện trợ quân sự trị giá 125 triệu USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa phòng không Stinger, đạn pháo và hệ thống chống thiết giáp. Ông Zelensky cho biết khoản viện trợ này là "rất quan trọng để chống lại các cuộc tấn công của Nga".

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng công bố một đoạn video cho thấy một máy bay không người lái Nga phá hủy xe tăng và lựu pháo của Ukraine gần Sudzha. Reuters đã xác nhận được vị trí quay video.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong 24 giờ qua, Nga đã "ngăn chặn các nỗ lực tấn công của lực lượng địch vào sâu lãnh thổ Nga theo hướng Kursk" và tuyên bố Ukraine đã mất tổng cộng 945 binh sĩ và 102 xe bọc thép, nhưng không đề cập đến thiệt hại của Nga.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk nói với Financial Times rằng Kiev đã lên kế hoạch cho hoạt động này từ lâu. Ông Zagorodnyuk cho biết mục đích là nhằm kiềm chế quân đội Nga đang tác chiến ở những nơi khác tại Ukraine. Nó cũng làm bộc lộ những điểm yếu của Nga, bao gồm cả việc nước này không có khả năng bảo vệ biên giới của mình và tỏ ra Ukraine đã giành được thế chủ động.

Nga khẩn cấp đưa lực lượng tăng viện cho Kursk (Nguồn: Sputnik).

Ông Zagorodnyuk cho biết quân đội Ukraine đã chứng minh được khả năng thực hiện “các chiến thuật mới tác chiến kết hợp các binh chủng” được các giảng viên quân sự phương Tây truyền cho. Ông cho biết mục tiêu của Ukraine không phải là chiếm đóng lãnh thổ Nga “lâu dài”.

Ông Konrad Muzyka, giám đốc công ty tư vấn quân sự Ba Lan Rochan, nói với Financial Times rằng nếu hành động của Ukraine buộc Nga phải chuyển nguồn lực khỏi Đông Donetsk và giúp họ duy trì sự hiện diện ở khu vực Kursk của Nga thì hành động của Ukraine có thể giúp mang lại vị thế đàm phán tốt hơn trong tương lai.

Theo Sputnik, FT, Xinhua