Chuyên gia nói gì về đề xuất giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp các ngân hàng có thêm thanh khoản, tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.

Trao đổi với VietTimes, TS. Võ Trí Thành cho biết, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp các ngân hàng có thêm thanh khoản về hoạt động cho vay và giảm chi phí vốn. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, lãi suất thấp.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng thanh khoản của các ngân hàng hiện nay vẫn rất dồi dào, do đó, việc có thêm nguồn tiền cho vay không có nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã có nhiều nỗ lực về việc giảm lãi suất, giảm thiểu quy trình vay vốn của các doanh nghiệp.

Trước đó, nhóm nhà khoa học Đại học Kinh tế Quốc dân (trong đó có Hiệu trưởng GS.TS Phạm Hồng Chương, PGS.TS Tô Trung Thành và các chuyên gia) đã kiến nghị NHNN cần nghiên cứu để giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong 2 tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý 1/2022.

Các chuyên gia nhận định, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Bởi vì chỉ cần giảm 0,5% tỉ lệ này sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất NHNN bỏ hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng đáp ứng được các tiêu chí của Basel II và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhằm giải phóng năng lực và tăng tính chủ động trong việc cấp tín dụng, giảm thiểu can thiệp hành chính cũng như tình trạng xin, cho việc “nới room” tín dụng.

Ngoài ra, các nhà khoa học khuyến nghị NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm là 12%, hoặc ít nhất cũng phải đạt trên 10%.

Đồng thời, NHNN cũng cần chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh; các tổ chức tín dụng thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Thông tư 01, 03, 14 của NHNN./.