Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố việc ban hành Thông tư số 30/2019/TT-NHNN quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nội dung chủ yếu quy định về cách xác định dự trữ bắt buộc, duy trì dự trữ bắt buộc, các loại tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc, kỳ xác định và duy trì dự trữ bắt buộc, việc triển khai của TCTD và các đơn vị trong NHNN.
Trong đó, có 3 nhóm TCTD không thực hiện dự trữ bắt buộc.
Cụ thể, đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, thời gian không thực hiện dự trữ bắt buộc từ tháng tiếp theo tháng tổ chức tín dụng được NHNN quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt đến hết tháng tổ chức tín dụng được NHNN quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt.
Đối với các TCTD chưa khai trương hoạt động, thời gian không thực hiện dự trữ bắt buộc đến hết tháng tổ chức tín dụng khai trương hoạt động; tổ chức tín dụng thông báo bằng văn bản cho NHNN (Sở Giao dịch) về ngày khai trương hoạt động trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày khai trương hoạt động.
Với các TCTD được chấp thuận giải thể hoặc có quyết định mở thủ tục phá sản hoặc có quyết định thu hồi giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, thời gian không thực hiện dự trữ bắt buộc từ tháng tiếp theo tháng tổ chức tín dụng được chấp thuận giải thể hoặc quyết định mở thủ tục phá sản, thu hồi Giấy phép có hiệu lực; tổ chức tín dụng có quyết định mở thủ tục phá sản gửi NHNN (Sở Giao dịch) quyết định mở thủ tục phá sản trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định này.
Trong khi đó, các TCTD hỗ trợ được quy định tại khoản 40 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các TCTD đó.
Theo tìm hiểu của VietTimes, các TCTD hỗ trợ là những TCTD được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Được biết, Thông tư số 30/2019/TT-NHNN sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2020./.