Chuyên gia: Khai thác than, chưa tính đủ những mất mát!

Chi phí vốn cho mỗi kg than bán ra thường chỉ được tính toán gồm các chi phí khai thác, lương công nhân, vốn đầu tư mỏ. Những tác động đến ô nhiễm môi trường, nguồn nước, sức khỏe thợ mỏ, những tác động đến biến đổi khí hậu, du lịch dường như chưa được các công ty khai thác than tính đến.
Khai thác than tại mỏ Vàng Danh, tỉnh Quảng Ninh
Khai thác than tại mỏ Vàng Danh, tỉnh Quảng Ninh

Theo các nhà khoa học, Việt Nam không phải là quốc gia có tiềm năng lớn về khoáng sản năng lượng, trong đó có than đá mặc dù có trữ lượng nhiều tỉ tấn nhưng ngày càng phải khai thác sâu hơn. Hoặc tại bể than sông Hồng tuy được dự báo vài trăm tỉ tấn nhưng cũng nằm ở độ sâu hàng ngàn mét dưới lòng đất, điều kiện khai thác cực kỳ khó khăn, phức tạp cả về công nghệ, an sinh xã hội lẫn môi trường.

Để dễ hình dung, hiện nay đơn vị được giao làm nhiệm vụ khai thác than đá chủ yếu tại Việt Nam là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) mỗi năm khai thác khoảng 40 – 50 triệu tấn đáp ứng nhu cầu than cho các ngành kinh tế khác như điện, xi măng, sắt thép … và giữ ổn định việc làm cho 150.000 lao động ngành than hiện nay.

Qua khảo sát củaTBKTSG Onlinetại một số mỏ than lớn tại Quảng Ninh mới đây, các tác động đến môi trường, sức khỏe công nhân ngành than, than xuất khẩu hàng chục triệu tấn mỗi năm cho thấy sự cạn kiệt dần của nguồn tài nguyên than đá đang là một vấn đề rất đáng lưu tâm.

Chẳng hạn tại mỏ than Vàng Danh, một mỏ than lớn nhất của TKV nơi mỗi năm có lượng khai thác 3,5 triệu tấn có thời gian khai thác từ năm 1964 đến nay. Một đại diện Công ty Than Vàng Danh cho hay tầng khai thác ngày một xuống sâu dưới lòng đất hơn nên điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn. Hiện nay hơn 6.220 công nhân của mỏ than Vàng Danh đang khai thác ở tầng sâu 150 mét dưới lòng đất và TKV tiếp tục khoan thăm dò để dẫn độ sâu khai thác xuống mức 175 mét.

Các công nhân khai thác than tại mỏ Vàng Danh, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Văn Nam
Các công nhân khai thác than tại mỏ Vàng Danh, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Văn Nam

Trao đổi vớiTBKTSG Onlinecuối tuần qua, ông Phạm Văn Thế, 43 tuổi và có 22 năm làm công nhân khai thác tại mỏ than Vàng Danh cho hay thu nhập hiện nay của ông khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng, đây là mức thu nhập đủ sống cho gia đình gồm 4 người của ông Thế.

Tuy nhiên, ông Thế lo lắng do làm việc trong môi trường mỏ than tầng sâu nên có thể một vài năm tới sức khỏe không đảm bảo, không thể duy trì tiếp công việc nuôi sống gia đình.

“Những căn bệnh thường gặp của thợ mỏ là bụi phổi, trước đây chưa được trang bị khẩu trang chuyên dụng thì đôi khi về nhà cảm thấy khó thở. Hiện nay được trang bị khẩu trang chuyên dụng thấy đỡ hơn, công ty cũng cho khám sức khỏe mỗi năm hai lần nhưng đôi khi thấy mệt trong người cũng tự bỏ tiền khám thêm ngoài”, ông Thế nói.

Trao đổi vớiTBKTSG Online, ông Shin Furuno, Điều phối viên chiến dịch của Tổ chức 350 Nhật Bản (một tổ chức phi chính phủ về năng lượng và môi trường) nhận định rằng than đá được khai thác hiện nay và bán với giá khá rẻ bởi người ta vẫn chưa tính đúng, tính đủ toàn bộ các tác động từ quá trình khai thác, vận chuyển và việc tiêu thụ than gây tác động xấu đến sức khỏe con người, tàn phá môi trường và suy thoái tài nguyên trong tương lai.

“Hiện nay, giá trị than đá trên thị trường nói chung và giá các loại nhiên liệu địa khai chỉ được tính toán dựa trên chi phí sản xuất, lao động, vốn đầu tư bỏ ra và chẳng ai tính toán cả những tác động đến môi trường, chẳng hạn như tác động đến chất lượng nguồn nước từ hoạt động khai thác, sức khỏe của công nhân ngành than, tiềm năng du lịch địa phương bị đe dọa bởi ô nhiễm bụi từ hoạt động khai thác, tác động đến biến đổi khí hậu …”, ông Shin nói.

"Lợi nhuận bất chính từ than rất lớn"

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu Bộ Công Thương rà soát tăng cường kiểm tra các điểm khai thác, vận chuyển, chế biến, bãi tập kết nhằm phát hiện và xử lý việc khai thác, kinh doanh than trái phép.

Theo nội dungchỉ thịvừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26-8 vừa qua, do tài nguyên than phân bố trên diện rộng, địa hình phức tạp và lợi nhuận bất chính từ than rất lớn là một trong những nguyên nhân dẫn đến vận chuyển, kinh doanh than trái phép còn xảy ra và nguy cơ tái diễn.

Ngoài ra, tình trạng vi phạm về an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than còn khá phổ biến. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập đến thực tế có hành vi tiếp tay, bao che của cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than.

Theo Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Quảng Ninh là vùng đất có trữ lượng than lớn nhất nước với trên 3 tỉ tấn và bể than Quảng Ninh đã được khai thác trên 100 năm qua. Ngoài ra, Việt Nam còn có các bể than khác như Thái Nguyên, Sông Đà, Nông Sơn, Sông Hồng …

Theo TBKTSG