Chuyên gia hiến kế để Đà Nẵng giải "bài toán" chống ngập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Với tình hình biến đổi khí hậu, việc các trận mưa cực đoan xảy ra thường xuyên hơn khiến hệ thống thoát nước quá tải, vì vậy TP Đà Nẵng nên triển khai các phương án ứng phó trước mắt cũng như lâu dài”, TS. Lê Hùng nói.

Đường phố Đà Nẵng ngập sâu trong cơn mưa lớn
Đường phố Đà Nẵng ngập sâu trong cơn mưa lớn

Sau loạt bài của VietTimes liên quan đến vấn đề thoát nước cho đô thị Đà Nẵng được đăng tải, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chia sẻ kiến giải nhằm giải quyết các vần đề ngập lụt mà Đà Nẵng đang đối mặt.

VietTimes đã có cuộc trò chuyện với TS. Lê Hùng, Giảng viên Khoa Xây dựng Công trình thủy, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

Giải pháp cụ thể cho ngắn hạn và lâu dài

Với những gì đang diễn ra cho thấy đô thị Đà Nẵng đang đối mặt với tình trạng ngập lụt ngày càng lớn, trong khi đó, để hoàn thiện hạ tầng thoát nước phải cần thời gian. Vậy theo ông, Đà Nẵng cần làm gì?

Theo tôi, Đà Nẵng cần có các giải pháp mang tính trước mắt và lâu dài. Trong đó, trước mắt có thể áp dụng một số giải pháp như: Sớm gỡ các nút thắt cổ chai tại Cầu Thanh Nghị và Cầu Đa Cô qua sông Phú Lộc để giảm mực nước trên sông và tăng năng lực thoát nước cho khu vực Mẹ Suốt hạ lưu hồ Phước Lý...

Tiếp đó, mở rộng cầu đường sắt cắt ngang hai hồ Trung Nghĩa để giảm ngập khu vực Yên Thế - Bắc Sơn và khu vực lận cận Bến xe Trung tâm; xử lý tổn thất tại CSO (cơ cấu tách dòng) cuối tuyến cống đường Ông Ích Khiêm nối vào trạm bơm để giảm ngập cho khu vực thượng lưu tuyến cống này như tuyến Hàm Nghi, Hải Phòng, Quang Trung… Khu vực Thanh Vinh thì nối tuyến cống 2 khoang (3x2)m song song đường số 4 vào hồ bên cạnh để giảm mực nước cho cống dọc đường số 4 (cống 2 khoang) đồng thời giảm ngập khu lân cận.

Bên cạnh đó, cần mở rộng cầu qua đường Cách Mạng tháng 8 giao với kênh Nguyễn Nhàn, và mở rộng Cầu Nguyễn Nhàn để giảm ngập cho các khu vực xung quanh hồ Bàu Gia Hạ.

vt_anh_ts_le_hung7802120_752019.jpg
TS Lê Hùng tại hội thảo phản biện dự án tác động đến dòng chảy sông Hàn, TP Đà Nẵng

Đối với các trạm bơm cưỡng bức, cần đầu tư đầy đủ số lượng các trạm bơm Trần Thị Lý, trạm bơm Ông Ích Khiêm… theo hồ sơ thiết kế nhằm hạ mực nước tại bể hút (cuối cống thoát), để phát huy đúng năng lực của các cống thoát.

Đồng thời sửa chữa một số bất cập của các trạm bơm để nâng cao hiệu quả của các trạm bơm ví dụ như không để mực nước max (tối đa) tại bể hút bơm Ông ích Khiêm là 1,3m quá cao hoặc đối với trạm bơm Thanh Huy do ống xả đặt thấp hơn mực nước ngoài sông khi có mưa lớn, làm tăng cột nước máy bơm,…

Về hồ điều hòa, Đà Nẵng cần xây dựng quy trình vận hành gắn với đầu tư thêm cửa van, trạm bơm để có thể vận hành điều tiết theo thời gian thực nhằm tạo không gian chứa nước khi mưa lớn. Có thể đưa phương án bơm hạ mực nước các hồ trước khi mưa khoảng 6-12 giờ.

Vậy về lâu dài, Đà Nẵng cần làm gì để hạn chế tình trạng ngập lụt, thưa ông?

Về lâu dài, Đà Nẵng cần giải quyết chống ngập cho các khu vực thường xuyên ngập sâu, cùng với đó đầu tư đồng bộ hệ thống trạm bơm, cống dẫn…

Cụ thể, đối với khu vực phía Đông sân bay - Điểm “nóng” đường Trưng Nữ Vương, cần làm tuyến kênh nối từ hồ Ba Sen Vàng dẫn qua tuyến cống đường Phan Đăng Lưu, dẫn về hồ Khuê Trung ra sông Cẩm Lệ. Đồng thời, đầu tư trạm bơm hồ Ba Sen Vàng để bơm hạ mực nước trước khi mưa.

Đối với khu vực phía Bắc sân Bay, cần sớm đầu tư tuyến cống Hà Huy Tập. Đây là tuyến cống bản lề quan trọng để giảm ngập khu vực này và lân cận. Cùng với đó nối tuyến cống tại nút giao đường Trần Can và Trần Xuân Lê về hồ Xuân Hà A đổ ra cống Hà Huy Tập, cống này có chức năng tách một phần lưu lượng, giảm ngập cho tuyến Trần Xuân Lê, hồ Phần Lăng và Bàu Trảng...

vt_da nang ngap 8.png
Lực lượng chức năng khơi thông miệng cống thoát trong trận ngập ở Đà Nẵng

Đặc biệt đối với “rốn ngập”- khu vực đường Mẹ Suốt. Đà Nẵng cần sớm làm tuyến cống Hoàng Văn Thái để giảm gần 1/3 lưu lượng về khu vực Mẹ Suốt, đồng thời mở rộng cầu Thanh Nghị, cầu Đa Cô và kênh hạ lưu hồ Phước Lý.

Riêng đối với lưu vực 2 hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung ở khu vực trung tâm thành phố và hệ thống thoát nước tuyến Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng thì cần đầu tư đủ số lượng trạm bơm. Ngoài ra, cần phải đầu tư trạm bơm để hạ mực nước hồ Thạc Gián – Vĩnh Trung và hồ Công viên để hạ thấp mực nước các hồ nhằm nâng cao khả năng trữ và cắt đỉnh lũ, đây cũng là cơ sở để giảm ngập khu vực ngã tư Lê Đình Lý – Nguyễn Văn Linh.

Chặt chẽ hơn trong thẩm tra, thẩm định dự án

Giải pháp là vậy, song tính thích ứng của các công trình thoát nước là yếu tố then chốt để giải quyết bài toán ngập lụt đô thị. Theo ông, Đà Nẵng cần làm gì trong công tác thẩm tra, thẩm định các dự án?

Đây là nội dung mang tính căn cơ, bởi có đầy đủ các dữ liệu mới có thể đưa ra các thiết kế phù hợp, giải được bài toán ngập lụt cho Đà Nẵng.

Theo tôi, đối với công tác thiết kế các dự án, cần tính toán thủy lực hợp lý theo thực tế (mạng lưới) và đưa các thông số đầu vào sát với thực tế. Công tác thẩm tra, thẩm định cần quản lý chặt chẽ hơn, hoặc lấy ý kiến của các chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực liên quan để tăng cường hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần lựa chọn các loại cửa thu nước ứng với các tuyến đường cụ thể để đảm bảo mỹ quan, đồng bộ vừa đảm bảo thu nước hiệu quả như chọn các loại cửa thu nằm ngang, đứng và cửa thu kết hợp ngang và đứng hợp lý.

vt_ngap lut lich su da nang thong tin ban dau thiet hai ve nguoi 2.jpg
Một công trình thoát nước ở Đà Nẵng bị xé toạc trong cơn mưa lớn năm 2022

Hơn nữa, cần tính toán đường ống nối từ cửa thu nước đến hố ga với cao trình và kích thước phù hợp, để đảm bảo chuyển được nước được thuận dòng, tránh tình trạng sốc ngược nước như tại một số điểm thoát.

Vậy đối với công tác ứng phó, Đà Nẵng cần làm gì để đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập lụt gây ra, thưa ông?

Bên cạnh việc thẩm tra thẩm định, thiết kế hệ thống, quy hoạch, phân kỳ đầu tư…thì rất cần kịch bản ứng phó với ngập lụt. Bởi vì, để triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ mất nhiều thời gian do đó cần sớm hoàn thiện xây dựng các phương án ứng phó với từng giai đoạn hiện tại (hệ thống thoát nước hiện tại) và trong tương lai.

Trường hợp mưa lớn vượt thiết kế để triển khai ứng phó cần có các bản đồ ngập úng/ngập lụt với các kịch bản tổ hợp mưa - triều - mực nước sông, xây dựng các kịch bản di dời dân tương ứng. Thậm chí cần xây dựng hệ thống cảnh báo ngập lụt đô thị theo thời gian thực khi có mưa lớn.

Nếu thực hiện đầy đủ, toàn diện các biện pháp trên, tôi tin tình hình ngập lụt của Đà Nẵng sẽ cải thiện rất đáng kể.

Cảm ơn ông!

TS. Lê Hùng, Giảng viên Khoa Xây dựng Công trình thủy, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Là tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học về thuỷ lợi, thoát nước tại khu vực trong 5 năm gần đây.

Đặc biệt TS. Lê Hùng có nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực quy hoạch thủy lợi, vận hành hồ chứa, cấp thoát nước được sử dụng trong thực tế. Trong đó đáng chú ý là nghiên cứu xây dựng mô hình thủy văn thủy lực cho quá trình phát triển quy hoạch đô thị tại Thành phố Đà Nẵng; Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai do lũ lụt TP Đà Nẵng...

TS. Lê Hùng cũng đạt nhiều Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Đà Nẵng và Vifotec. Cụ thể, Giải Nhì và Giải Ba Sáng tạo kỹ thuật Đà Nẵng các năm 2024, 2012; Giải Ba Giải Sáng tạo Khoa học Công nghệ Vifotec các năm 2020, 2013.