CSGT nói gì về thông tin "thanh niên thu hơn 50 triệu đồng sau 1 ngày tố giác vi phạm giao thông"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc một cá nhân thu lợi lớn từ tố cáo vi phạm giao thông, đại tá Nguyễn Quang Nhật (Cục CSGT) đã bác bỏ.

CSGT nói gì về thông tin "thanh niên thu hơn 50 triệu đồng sau 1 ngày tố giác vi phạm giao thông"

Sớm có tiêu chí chi trả cho người cung cấp thông tin

Từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, lỗi "vượt đèn đỏ" trở thành tâm điểm chú ý của dư luận với mức phạt tăng cao.

Bên cạnh việc tăng mức phạt, tại Nghị định 176/2024/NĐ-CP còn có chính sách thưởng nóng lên đến 5 triệu đồng cho mỗi thông tin tố cáo vi phạm giao thông, khuyến khích người dân tham gia giám sát. Tuy nhiên, chính sách này cũng dẫn đến tình trạng một số người lợi dụng để chia sẻ thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Cụ thể, mới đây, trên các nền tảng mạng xã hội chia sẻ: “Hà Nội: Một thanh niên thu về hơn 50 triệu đồng chỉ sau một ngày tố giác vi phạm giao thông”.

Anh 1.jpg
Thông tin một thanh niên nhận 50 triệu đồng sau một ngày tố giác vi phạm giao thông là không chính xác.

Bài đăng này nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ và gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc một cá nhân thu lợi nhuận lớn từ việc tố cáo vi phạm giao thông, ngày 4/1, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông bác bỏ, khẳng định thông tin không chính xác.

Theo đại tá Nhật, Nghị định 176/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025, cho phép Bộ Công an được chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. Mức chi cho nội dung này không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, người dân có thể được thưởng tối đa 5 triệu đồng khi cung cấp thông tin về vi phạm giao thông.

Đại tá Nhật cho hay lực lượng CSGT đã và đang tích cực tiếp nhận thông tin từ người dân để xử lý vi phạm giao thông. Quy trình này đã được quy định rõ ràng trong Thông tư 73/2024, giúp người dân dễ dàng cung cấp thông tin thông qua nhiều kênh khác nhau.

Ngoài ra, người dân cũng có thể cung cấp thông tin, hình ảnh về vi phạm thông cài đặt, sử dụng VneTraffic do Bộ Công an phát triển.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố cáo vi phạm giao thông, cảnh sát giao thông đã công khai đa dạng các kênh tiếp nhận thông tin như địa chỉ, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng. Các đơn vị cảnh sát giao thông từ cấp huyện đến cấp Cục đều có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin 24/7.

Trong Thông tư 73/2024 cũng nêu quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) do cá nhân, tổ chức cung cấp, được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2021.

Theo đó, dữ liệu thu được cần đảm bảo: Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm.

Đối với cơ chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung, đại tá Nhật cho biết điều này sẽ được các cơ quan liên quan sớm quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực thi.

Cách gửi hình ảnh, clip vi phạm giao thông

Người dân có thể gửi thông tin hình ảnh, clip vi phạm giao thông qua nhiều kênh khác nhau như ứng dụng VNeTraffic, iHanoi, đường dây nóng hoặc trang Zalo của các đơn vị cảnh sát giao thông.

Với ứng dụng VNeTraffic, người dân có thể tra cứu vi phạm giao thông; phản ánh (vi phạm giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông); thông tin đấu giá biển số xe.

Anh 1.jpg
Người dân vào mục tạo phản ảnh ở ứng dụng VNeTraffic để gửi phản ánh.

Để gửi phản ánh, người dân cần nhập đúng loại phản ánh, thông tin xảy ra sự việc, tỉnh/thành phố và địa điểm xảy ra sự việc.

Người dân cần nhập nội dung vụ việc kèm theo hình ảnh hoặc video. Cơ quan chức năng đề nghị người dân sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; cung cấp trung thực, khách quan các vụ việc phản ánh. Cơ quan công an sẽ đảm bảo bảo mật thông tin của người phản ánh.

Còn tại ứng dụng iHanoi, người dân có thể gửi phản ánh, kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đó có giao thông. Cơ quan chức năng cũng sẽ trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua ứng dụng.

Anh 1.jpg
Người dân có thể gửi phản ánh, kiến nghị liên quan đến giao thông qua ứng dụng iHanoi.

Cổng thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông cũng đăng tải công khai số điện thoại của Cục và Công an 63 tỉnh/thành phố, người dân có thể thông tin, phản ánh trực tiếp qua các số điện thoại này.

Ngoài ra, Cục Cảnh sát giao thông cũng có tổng đài 19008099 để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc. Người dân có thể phản ánh tình hình trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông hoặc cần hỗ trợ để xử lý các sự cố phát sinh khi lưu thông trên các tuyến cao tốc.

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội cũng triển khai tiếp nhận phản ánh vi phạm thông qua Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội".