Những người hạnh phúc nhất với công việc của họ - hay trở thành triệu phú trước khi nghỉ hưu – không phải lúc nào cũng tự tin, có tổ chức hoặc là những người giải quyết vấn đề xuất sắc.
Thay vào đó, có một kỹ năng khác biệt giúp cho những người thành công có được lợi thế cạnh tranh ở nơi làm việc, theo Juliette Han, chuyên gia thần kinh học tốt nghiệp ĐH Harvard, đó là: Sự tự nhận thức.
Tuy nhiên, Han – hiện đang là giảng viên trường Kinh doanh Columbia và cố vấn học thuật tại trường Y Harvard – nói rằng nhiều người sai lầm khi cho rằng sự tự nhận thức là “hiểu biết về cảm xúc và những khuyết điểm của bản thân”.
Tự nhận thức có nghĩa là phản ánh những điểm mạnh của bạn và định hướng chúng để đạt được các mục tiêu của bản thân, Han nói thêm. Các cuộc nghiên cứu cho thấy phát triển sự tự nhận thức giúp con người trở nên sáng tạo hơn, đưa ra những quyết định đúng đắn hơn, giao tiếp tốt hơn và xây dựng các mối quan hệ mật thiết hơn. Theo Han, đây là “kỹ năng bị đánh giá thấp nhất”, nhưng lại là kỹ năng mà những người thành công sử dụng để thăng tiến trong sự nghiệp.
Sau đây là 3 mẹo để xác định những điểm mạnh của bạn và trau dồi sự tự nhận thức bản thân.
Suy nghĩ về sở thích và kỹ năng của bản thân
Bạn giỏi trong lĩnh vực nào? Bạn thích làm điều gì? Đây là 2 trong số những câu hỏi quan trọng nhất mà bạn nên tự hỏi mình trong công việc, liệu bạn có nên bắt đầu một công việc mới hay sẽ rơi vào tình trạng kiệt sức? Han cho hay.
“Ví dụ: Bạn có thích dẫn dắt một đội ngũ, hoặc thích phân tích dữ liệu hay không?”, cô nói. “Câu trả lời có thể giúp bạn xác định những nhiệm vụ mà bạn không ngại làm đi làm lại”.
Một khi đã hiểu rõ về những điểm mạnh của bản thân và những nhiệm vụ mà bạn yêu thích trong công việc, bạn có thể đưa ra một kế hoạch để cải thiện kỹ năng và tập trung vào những nhiệm vụ hoặc dự án mà bạn có hứng thú làm.
Xin phản hồi từ quản lý và đồng nghiệp
Lần tiếp theo mà bạn họp hành với sếp, hoặc đi uống cà phê với một đồng nghiệp, hãy hỏi họ điều này: “Anh có thể kể với tôi về một lần mà tôi có ích cho công việc của anh hay không, có thể chỉ cụ thể không?”
Dù cho câu trả lời có ra sao, nó cũng sẽ “giúp bạn thu thập được điều gì đó về bản thân, tác động của bạn đối với những người bạn làm cùng và cách mà người khác nhìn nhận bạn”, Han giải thích.
Những cuộc hội thoại kiểu này cũng có thể giúp bạn nhận ra những kỹ năng mà bản thân cần phải cải thiện. Ví dụ, nếu một đồng nghiệp kể về lần bạn đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ cùng một lúc trong một dự án quan trọng, mà đó không phải là kỹ năng bạn sử dụng thường xuyên, thì bạn nên thực hành và nâng cao kỹ năng đó.
Han từng đề nghị những người bạn thân của mình mô tả về cô trong 3 từ, và từ “vui nhộn” xuất hiện trong gần như mọi câu trả lời. Cô nhận thấy rằng khướu hài hước của mình không chỉ giúp cô có được bạn tốt, mà còn giúp cô trở thành một người quản lý biết đồng cảm và thân thiện hơn.
“Đôi lúc bạn không nhận ra những điểm mạnh của mình cho đến khi bạn đặt mình vào người khác”, Han nói.
Đặt ra các mục tiêu và theo dõi sự tiến bộ
Một khi đã nắm được kỹ năng nào mà bạn muốn cải thiện hoặc áp dụng nhiều hơn trong công việc, bạn nên đặt ra các mục tiêu và theo dõi sự tiến bộ. Điều này giúp bạn luôn duy trì được động lực và làm việc hiệu quả hơn.
Han nói rằng phải mất một khoảng thời gian dài mới thấy được sự cải thiện rõ rệt về khả năng tự nhận thức, nhưng kết quả sẽ rất xứng đáng.
“Bạn có thể sở hữu tất cả các kỹ năng kỹ thuật và sức hút trên thế giới, nhưng nếu bạn không rõ về bản thân mình và cách mà bạn tương tác với thế giới, sẽ rất khó khăn để tạo dựng các mối quan hệ mật thiết, tương tác với sếp và đồng nghiệp hay làm sâu sắc hơn tình bạn mà bạn cần có để đạt được thành công thực sự”, Han nói./.
Tân Chủ tịch Alibaba Joseph Tsai: Từ mức lương khởi điểm 50 USD/tháng tới khối tài sản 7,7 tỉ USD
Hai triệu phú tự thân: Tiết kiệm không giúp bạn giàu có. Đây là mới là cách làm giàu!
Tỉ phú tự thân trẻ nhất thế giới nêu 2 phẩm chất cần "nâng cao cực độ" để đạt được thành công
Theo CNBC