Chuỗi cầm đồ Vietmoney làm ăn ra sao trước khi được Digiworld rót vốn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Năm 2017 và 2018, Vietmoney (công ty mẹ) ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 145 triệu đồng và 968 triệu đồng, báo lãi sau thuế vỏn vẹn 6 triệu đồng và 8 triệu đồng.
Năm 2020, khoản lỗ của Vietmoney ăn vào phần vốn đầu tư của Digiworld gần 213 triệu đồng (Nguồn: vietmoney.vn)
Năm 2020, khoản lỗ của Vietmoney ăn vào phần vốn đầu tư của Digiworld gần 213 triệu đồng (Nguồn: vietmoney.vn)

Năm 2020, CTCP Thế giới số (Digiworld - Mã CK: DGW) đã đầu tư 50,7 tỉ đồng để sở hữu 21,86% cổ phần tại CTCP Việt Money (Vietmoney) - một startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính, chuyên về dịch vụ cầm đồ trực tuyến.

Với khoản đầu tư này, mức định giá của chuỗi cầm đồ Vietmoney là gần 232 tỉ đồng - khoảng 10 triệu USD.

Trước đó, cuối tháng 10/2018, Vietmoney cho biết đã nhận được đầu tư từ quỹ tài chính Indochine Investment (trụ sở chính tại TP.HCM) để mở rộng mô hình kinh doanh.

Đến tháng 9/2020, chuỗi cầm đồ này tiếp tục hoàn thành vòng gọi vốn Series A từ quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures (DV). Theo đó, Probus và DV sẽ đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và cùng tham gia vào hội đồng quản trị.

Thành lập từ năm 2016, startup chuỗi cầm đồ Vietmoney hoạt động theo mô hình O2O (Online to Offline) hiện đang có 22 chi nhánh hoạt động tại TP. HCM và Cần Thơ (3 chi nhánh). Ban lãnh đạo Công ty từng chia sẻ về kế hoạch mở rộng mạng lưới lên 100 chi nhánh, phủ sóng tại 28 tỉnh thành trên cả nước.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, năm 2017 và 2018, Vietmoney ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 145 triệu đồng và 968 triệu đồng, báo lãi sau thuế vỏn vẹn 6 triệu đồng và 8 triệu đồng.

Năm 2020, Vietmoney báo lỗ song con số cụ thể không được tiết lộ. Chỉ biết khoản lỗ này ăn vào phần vốn đầu tư của Digiworld gần 213 triệu đồng.

Vietmoney của ai?

Theo giới thiệu, Vietmoney được sáng lập bởi đội ngũ doanh nhân thế hệ 8x xuất thân từ ngành ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, VNG.

Khi mới thành lập vào tháng 9/2016, Vietmoney có vốn điều lệ 9 tỉ đồng, được góp vốn bởi 3 cá nhân là ông Trịnh Văn Phương (nắm giữ 55% VĐL), ông Lý Hoàng Tuấn (nắm giữ 40% VĐL) và ông Lê Quang Vũ (nắm giữ 5% VĐL).

Khoảng 6 tháng sau, ngày 24/2/2017, cả 2 cổ đông là ông Lý Hoàng Tuấn và ông Lê Quang Vũ cùng thoái triệt vốn khỏi Vietmoney, danh tính cổ đông nhận chuyển nhượng không được công bố.

Tính đến tháng 12/2020, quy mô vốn điều lệ của Vietmoney đạt 92,33 tỉ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Trịnh Văn Phương (SN 1988).

Ngoài Vietmoney, ông Trịnh Văn Phương còn đứng tên tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vũ Phương (đã ngừng hoạt động), Công ty TNHH Đầu tư Vũ Linh và CTCP Việt Money Holding (Vietmoney Holding).

Vietmoney Holding mới chỉ ra đời vào tháng 6/2020, trụ sở chính đặt tại số 234B Khánh Hội, quận 4, TP. HCM, đăng ký ngành nghề chính là hoạt động tư vấn quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật).

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu hơn 22,6 tỉ đồng, trong đó ông Trịnh Văn Phương nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu vốn là 61,03%. 8 cổ đông sáng lập còn lại gồm: ông Nguyễn Đức Huỳnh (7,84%), ông Hồ Quốc Đạt (3,86%), bà Nguyễn Thị Thanh Nhã (2,01%), ông Phạm Quang Khánh (4,02%), bà Lê Khánh Linh (7,95%), ông Trịnh Văn Hùng (4,289%), bà Lê Thu Hằng (3,86%) và bà Nguyễn Ngọc Hân (5,15%).

Tháng 8/2020, Vietmoney Holding nâng vốn điều lệ lên 29,1 tỉ đồng, danh sách cổ đông lúc này có sự xuất hiện của quỹ đầu tư Probus Opportunities với tỷ lệ sở hữu 11,11% vốn điều lệ.

Đến tháng 11/2020, quy mô vốn của Vietmoney Holding đạt 32,3 tỉ đồng, tỷ lệ sở hữu của Probus Opportunities nâng lên mức 15% vốn điều lệ.

Hiện Chủ tịch HĐQT Vietmoney Holding là ông Trịnh Văn Phương. Danh sách thành viên HĐQT còn có sự góp mặt của ông Đoàn Hồng Việt (SN 1970) - Tổng giám đốc Digiworld./.