Lễ khởi công có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; ông Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực của TP Đà Nẵng trong việc đưa dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung TP Đà Nẵng - vào khởi công.
"Đây là bước đi cụ thể, thiết thực, từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Tiến đến năm 2045, trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực của TP Đà Nẵng trong việc đưa dự án cảng Liên Chiểu vào khởi công |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Với vai trò quan trọng về địa chính trị cũng như vai trò liên kết vùng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại khu vực của dự án, chính quyền Đà Nẵng, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ, không được thất thoát, không tham nhũng; đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới.
Bên cạnh đó, các bên liên quan cần đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics, nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng. Trong đó, đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan.
Đặc biệt, cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cảng biển và logistics một cách tương xứng với quy mô và yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực phải chuẩn bị trước một bước so với việc đầu tư hạ tầng cảng biển...
"Đây là dự án lớn, cả quy mô và tổng mức đầu tư, liên quan đến 4.324 hộ dân, chúng ta cần chú ý làm nhanh, làm sớm, làm chất lượng để dân sớm ổn định cuộc sống, khâu kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc là rất quan trọng. Cần sớm nghiên cứu triển khai để đầu tư các hạng mục còn lại của bến cảng, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, góp phần đưa Đà Nẵng phát triển lên tầm cao mới" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng, cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương thị sát hiện trường dự án |
Bến cảng Liên Chiểu là công trình giao thông thuộc dự án nhóm A, được quy hoạch trên tổng diện tích 450 ha, gồm 2 hợp phần: Hợp phần A - Cơ sở hạ tầng dùng chung, gồm: Đê chắn sóng có tổng chiều dài 2.090m; Luồng tàu vào cảng dài 7,3km, bề rộng 160m, cao trình đáy -14,0m (hệ hải đồ); và hợp phần B - Các khu bến chính.
Hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung gồm các hạng mục: Xây dựng đê chắn sóng, kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chứa 6.000 – 8.000 Teus; giao thông đường bộ kết nối đến cảng; hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng cảng.
Cụ thể, hạng mục kè chắn sóng và đê chắn sóng có chiều dài khoảng 1.170m (kè chắn sóng dài 573m, đê chắn sóng dài 597m); luồng tàu và khu nước dài khoảng 7,3km, chiều rộng luồng tàu 160m, cao độ đáy nạo vét -14,0m (hệ hải đồ), bố trí khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải;
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng, cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương nghe báo cáo về dự án |
Hạng mục đường giao thông kết nối đến cổng cảng gồm 2 đoạn: Đoạn 1 từ cổng cảng đến chân cầu vượt đường sắt có chiều dài 1,2km, quy mô 6 làn xe, bề rộng 30m; đoạn 2 bao gồm các nhánh thuộc phạm vi nút giao, nối tiếp với đoạn 1 và đường Nguyễn Văn Cừ (QL1), mỗi nhánh gồm 2 làn xe, bề rộng 8m; Hạng mục hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng khởi động.
Hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.426,3 tỉ đồng (trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỉ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách TP Đà Nẵng). Tiến độ thực hiện là 1.380 ngày, đến tháng 12/2025 sẽ đưa vào vận hành, đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho 2 bến khởi động ban đầu, đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5,0 triệu tấn/năm.
Hợp phần B -các khu bến chính gồm: khu bến container diện tích 114ha, gồm 8 bến, với tổng chiều dài 2.750m. Trong đó, có 6 khu bến tổng hợp diện tích 58ha, với tổng chiều dài 1.550m tiếp nhận tàu container, tổng hợp có trọng tải 100.000 DWT (sức chở từ 6.000 - 8.000Teus) lên đến 200.000DWT (sức chở 18.000 Teus); khu bến thủy nội địa diện tích 38ha với tổng chiều dài tuyến bến 1.200m tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000DWT; và khu bến dầu gồm 6 bến hàng lỏng/khí bố trí tại khu vực đê chắn sóng, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000DWT) với tổng chiều dài 2.750m cho tàu từ 30.000-200.000DWT.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng, cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương bấm nút khởi công dự án cảng biển Liên Chiểu |
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và một trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam.
Khi hoàn thành, cảng biển Liên Chiểu sẽ có khu bến container tiếp nhận được tàu đến 8.000 Teus (giai đoạn 1). Định hướng trong dài hạn sẽ tiếp nhận các tàu đến 18.000 Teus (tương đương 200.000 DWT).
Bên cạnh đó, quy hoạch cảng biển Liên Chiểu còn có khu kho bãi đường sắt; bãi tập kết, bốc xếp hàng hóa phục vụ đường sắt nhằm kết nối trực tiếp khu bến Liên Chiểu với mạng đường sắt quốc gia; Và khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối; Khu hành chính dịch vụ; vành đai cây xanh cách ly.
Dự án cảng biển Liên Chiểu được đầu tư nhằm đáp ứng sản lượng hàng hóa đạt 50 triệu tấn đến năm 2050, đồng thời giảm tải cho khu bến Tiên Sa, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô TP Đà Nẵng, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của TP và trong khu vực.
Một góc cảng Tiên Sa (Đà Nẵng |
Sau khi chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được UBND TP Đà Nẵng giao làm chủ đầu tư, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị dự án, công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, đủ điều kiện để khởi công dự án sau 527 ngày chuẩn bị.