Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Ô nhiễm nước ngầm đang là vấn đề báo động

VietTimes -- Thành phố Hà Nội đã mời nhiều nhà khoa học phân tích và thấy rằng các mẫu phân tích ở tầng nước ngầm rất đáng báo động. Kết quả xét nghiệm cho thấy có những nơi ô nhiễm lên đến gấp 30-40 lần, đặc biệt là nước ao, hồ.
Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet

Sáng 25/11, tại Hội thảo khoa học “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội trong tình hình mới, tầm nhìn 2025” Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ô nhiễm nước ngầm đang là vấn đề đáng báo động, hiện tỷ lệ người dân được dùng nước sạch sinh hoạt trong đô thị trên 90%, còn vùng nông thôn mới đưa ra tiêu chí nước hợp vệ sinh.

Thành phố Hà Nội đã mời nhiều nhà khoa học phân tích và thấy rằng các mẫu phân tích ở tầng nước ngầm rất đáng báo động. Kết quả xét nghiệm cho thấy có những nơi ô nhiễm lên đến gấp 30-40 lần, đặc biệt là nước ao, hồ. Vì vậy, Thành phố đã định hướng lại và đưa ra tiêu chí thống nhất về nước sạch chung là nước sạch theo tiêu chuẩn châu Âu, đi kèm với định hướng này là quy hoạch, xây dựng, tiêu chuẩn triển khai.

Mục tiêu của Thành phố là đến năm 2020 sẽ không sử dụng nước ngầm để làm nước sinh hoạt, tuy nhiên theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội mục tiêu này với điều kiện hiện nay thực hiện rất khó, rất nhiều khu vực chưa đủ điều kiện kinh tế, nguồn lực để sử dụng nguồn nước mặt từ các dòng sông.

Thành phố hiện có trên 7,5 triệu người, hàng ngày thải ra khoảng 8-10 nghìn tấn rác thải, trong đó chỉ có khoảng 5% là được chôn lấp; tỷ lệ rác chưa được thu gom vẫn rất lớn, khu vực nội thành không thu gom hết 100% còn khu vực ngoại thành chỉ thu gom được khoảng 80%; chưa tính đến rác thải công nghiệp, ô nhiễm các dòng sông.

Bên cạnh đó là ô nhiễm không khí từ xả thải của ô tô, xe máy quá đát, từ công trường xây dựng, đốt rơm rạ theo mùa. Thành phố Hà Nội đưa ra giải pháp vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài là chương trình phát triển trồng một triệu cây xanh, phấn đấu đạt 10m2/cây xanh thì nhiệt độ Hà Nội sẽ giảm khoảng 1,2 độC. Cho đến giờ này Thành phố đã trồng gần 150 nghìn cây xanh.

Giải pháp tiếp theo là sau khi có các chỉ số liên quan đến ô nhiễm không khí, Thành phố tiến tới khuyến cáo, thanh loại dần ô tô xe máy quá đát, quá hạn.

Đặc biệt, dự kiến, đầu tháng 12/2016, TP. Hà Nội lắp đặt xong 10 trạm quan trắc tự động về môi trường, như vậy hàng ngày người dân sẽ được thông báo cụ thể về chỉ số quan trắc môi trường xung quanh mình đang sống.

Ngoài ra, Hà Nội hiện đang tập trung cơ giới hoá toàn bộ thu gom xử lý rác thải, đưa cơ giới hoá thu gom rác bao gồm hút bụi sẽ giảm ô nhiễm không khí. Phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải nhà hàng, rác thải bệnh viện sẽ đốt 100%. Thành phố đang cố gắng đến đầu tháng 1/2017 khởi công nhà máy đốt rác điện đầu tiên công suất 2.000 tấn/ngày đêm và trong, và phấn đấu đến đầu 2020 có 3 nhà máy đốt rác.