Chủ thương hiệu mì Hảo Hảo vẫn thống trị ngành mì gói dù các đối thủ vươn lên mạnh mẽ, doanh thu gần nửa tỷ đô, lợi nhuận Top3 ngành F&B Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Doanh thu của Acecook Việt Nam vẫn đang bỏ xa Masan Consumer dù cho đối thủ đã làm rất tốt vào năm ngoái.

Năm ngoái, người Việt Nam tiêu thụ hơn 7 tỷ phần mì, vươn lên xếp thứ ba thế giới. Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc/Hong Kong và Indonesia, xếp trên Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Lượng tiêu thụ mì tăng 29,5% so với năm trước đó, nguyên nhân quan trọng đến từ ảnh hưởng của đại dịch khiến người dân ăn ở nhà nhiều hơn.

Thị trường mì gói Việt Nam được thống lĩnh bởi 5 ông lớn, trong đó dẫn đầu là Acecook (Hảo Hảo) với doanh thu năm ngoái hơn 11.500 tỷ đồng. Xếp thứ hai, Masan (Omachi, Kokomi) có màn bức tốc mạnh mẽ năm ngoái đạt mức doanh thu gần 6.900 tỷ đồng. Ba cái tên còn lại gồm nhóm Asia Food (Gấu đỏ) doanh thu hơn 5.700 tỷ đồng, Uniben (3 Miền) doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng và Vifon hơn 3.100 tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, Acecook Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định về doanh thu. Trong khi Masan có được động lực to lớn từ sự cộng hưởng cùng hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện ích VinMart. Cả hai doanh nghiệp đang dần bỏ xa các đối thủ còn lại trong cuộc chiến mì gói.

Trong 10 năm qua, vị thế của Acecook bị lung lay đáng kể với sự vươn lên của các nhà sản xuất khác. Trước năm 2010, công ty này nắm hơn 50% thị phần mì theo giá trị, hiện chỉ còn hơn 1/3 (theo Nielsen).

Tuy nhiên, Acecook vẫn tăng trưởng tốt về doanh thu và có được hiệu quả hoạt động cao. Acecook hiện đang xếp thứ 3 về lợi nhuận trong số các công ty thực phẩm của Việt Nam.

Năm ngoái, thương hiệu Nhật Bản lãi sau thuế gần 1.900 tỷ đồng, tăng trưởng 14%. Dẫn đầu trong nhóm thực phẩm là Vinamilk, lãi 11.236 tỷ đồng; kế đến là Masan Consumer lãi 4.633 tỷ đồng.

Quay trở lại với ngành mì, với việc dịch bệnh diễn biến còn phức tạp hơn trong năm 2021, nhất là trong quý 3, sức tiêu thụ được đánh giá tiếp tục ở mức cao.

Theo Kantar World Panel, doanh số của thực phẩm đóng gói đã tăng 35% trong 2 tuần đầu của tháng 7 (so với cùng kỳ năm trước) do nhu cầu tiêu thụ và dự trữ thực phẩm của người dân gia tăng khi hàng quán đóng cửa. Người dân đã tích trữ thực phẩm tiện lợi như thịt chế biến, mì gói… Nhu cầu tiêu thụ của mặt hàng cũng tăng cao hơn do người dân nấu ăn ở nhà nhiều hơn.

Theo Nhịp sống kinh tế