Mặc dù chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch KMT, nhưng ông Chu Lập Luân đang đối mặt với những thử thách cam go (Ảnh: VCG). |
Tân Hoa xã cắt xén nội dung điện trao đổi giữa Tập Cận Bình và Chu Lập Luân
Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), trong bức điện mừng, ông Tập Cận Bình đã chúc mừng ông Chu Lập Luân thắng cử, đồng thời cảnh báo tình hình hiện nay là "phức tạp và nghiêm trọng" và kêu gọi Quốc dân Đảng "tìm kiếm hòa bình cho eo biển Đài Loan và tìm kiếm sự thống nhất cho đất nước". Ông Chu Lập Luân lập tức gửi điện trả lời, nói rằng: “Mong tương lai ‘cầu đồng tồn dị’” (tìm kiếm điểm chung và tôn trọng sự khác biệt), đồng thời phê phán Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền ở Đài Loan “rời bỏ Trung Quốc” và “chống Trung Quốc”.
Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã hôm Chủ nhật (26/9) khi đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi điện mừng chúc mừng ông Chu Lập Luân được bầu làm Chủ tịch Quốc dân Đảng (KMT) và điện trả lời sau đó của Chu Lập Luân, đã bỏ qua nội dung tình hình hai bên bờ eo biển “nghiêm trọng” mà cả hai ông đều đề cập, chỉ tập trung vào hai đảng "kiên trì 'Đồng thuận 1992' và phản đối 'Đài Loan độc lập". Ngoài ra, nội dung “cầu đồng tồn dị” (tìm kiếm điểm chung và tôn trọng sự khác biệt) của Chu Lập Luân cũng không được Tân Hoa xã nhắc đến.
Ông Tập Cận Bình hội đàm với Chủ tịch KMT Chu Lập Luân khi ông thăm Trung Quốc đại lục tháng 5/2015 (Ảnh: Taiwwan.cn). |
Về sự kiện trao đổi điện giữa hai ông Tập Cận Bình và Chu Lập Luân, “Lục ủy hội” (Ủy ban Các vấn đề Đại lục) của Đài Loan đã phê phán mạnh mẽ chủ trương chính sách của Chu Lập Luân là "phục vụ cho Trung Cộng và thiếu hiểu biết về sự thật"; nhấn mạnh nội hàm của hai cuộc gọi là "trái với dư luận của Đài Loan", chỉ trích Chu Lập Luân vì đã “đem hành vi xấu của Trung Quốc tạo ra căng thẳng ở eo biển Đài Loan và phá hoại hiện trạng đổ lỗi cho chính phủ của DPP” là “đổi trắng thay đen”. Ủy ban này cũng nói rằng điều này “dự báo chính sách xuyên eo biển trong tương lai của KMT sẽ ngày càng xa rời dân ý Đài Loan”.
Chính quyền Đài Loan phản ứng mạnh mẽ
“Lục ủy hội” nhấn mạnh trong tuyên bố của họ rằng, tương lai của Đài Loan phải do 23,5 triệu người dân Đài Loan quyết định. Các đảng phái đối lập nên hiểu rõ “Đồng thuận 1992” là do Trung Quốc cưỡng bức định ra trên cơ sở “Nguyên tắc Một Trung Quốc”, phủ nhận chủ quyền của Đài Loan, dựa trên tiền đề này để tiếp xúc với Trung Quốc, chắc chắn không thể giành được sự ủng hộ của dư luận Đài Loan.
Ông Trương Á Trung, nhân vật thách thức quyền lực trong đảng của ông Chu Lập Luân (Ảnh: VCG). |
“Lục ủy hội” tuyên bố, chính quyền Đài Loan nhắc lại rằng chỉ có thông qua chính quyền để giải quyết các vấn đề xuyên eo biển liên quan đến quyền lực công và các vấn đề chính trị thì mới có thể đảm bảo lợi ích tốt nhất của Đài Loan. Bất kỳ sự trao đổi nào của phe đối lập Đài Loan với Trung Quốc đều phải tuân thủ các chính sách và quy tắc trao đổi, đồng thời đoàn kết với chính quyền để bảo vệ chủ quyền và phẩm giá cũng như lợi ích chung của Đài Loan.
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin ông Chu Lập Luân đã được bầu làm chủ tịch Quốc dân Đảng Trung Quốc vào tối ngày 25/9; ông Tập Cận Bình đã gửi điện mừng vào sáng ngày 26, nhưng Tân Hoa xã không đưa tin, chỉ sau khi Chu Lập Luân trả lời điện mừng và cảm ơn Tập Cận Bình, thì Tân Hoa xã mới cùng đưa tin vào buổi chiều nhưng lại cắt xén nội dung như đã nói ở phần trên.
Sau khi ông Chu Lập Luân được bầu làm chủ tịch mới của KMT, một số cơ quan truyền thông của đảng DPP gọi đó là một "chiến thắng bi thảm". Một số cơ quan truyền thông cho rằng kết thúc cuộc bầu cử là "nội ưu ngoại hoạn” (rắc rối cả bên trong và bên ngoài). Bên trong, là những bất đồng nội bộ do chiến dịch bầu cử gây ra, và bên ngoài là bị các đảng đối lập khác "đào chân tường".
Vì vậy, các nhân vật của các phe phái khác nhau trong KMT đều kêu gọi đoàn kết trong đảng. Cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu nói, tân Chủ tịch đảng nên thúc đẩy sự đoàn kết trong nội bộ đảng và "nhanh chóng đưa đảng trở lại hoạt động bình thường". Các nhà lãnh đạo cấp cao của DPP hy vọng rằng tân Chủ tịch KMT sẽ "tôn trọng dư luận chính thống của Đài Loan" và "đóng vai trò là đảng đối lập trung thành với Đài Loan".
Ngày 25/9, chỉ có 50,71% số đảng viên KMT đi bỏ phiếu bầu chủ tịch đảng (Ảnh: AP). |
Dù không giành chiến thắng nhưng Trương Á Trung ứng cử viên mới nổi cho chức chủ tịch KMT đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Đài Truyền hình vệ tinh Thâm Quyến Trung Quốc đã phát bình luận nói rằng Trương Á Trung là một ngôi sao thực sự; nói ông ta “thẳng thắn phấn đấu cho hòa bình giữa hai bên bờ eo biển và cho rằng Đài Loan cần tìm lại sự công nhận của Đại Lục”, hình thành sự đối lập với giới tinh hoa trong KMT.
Được biết, ông Chu Lập Luân đã nhận được 85.164 phiếu bầu, với tỷ lệ 45,78%. Có thông tin nói có khoảng 370.000 đảng viên KMT đủ tư cách bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này, nhưng tỷ lệ đảng viên đi bầu chỉ 50,71%.
"Rắc rối bên trong và bên ngoài" của KMT
Hãng thông tấn Đài Loan CNA ngày 25/9 khi đưa tin đã sử dụng cụm từ “nội ưu ngoại hoạn” (những rắc rối cả bên trong và bên ngoài) để mô tả tình hình sau cuộc bầu cử của KMT. “Nội ưu” là chỉ sự bất đồng trong đảng do ứng cử viên Trương Á Trung gây ra. Tin cho biết, cuộc bầu cử chủ tịch KMT vốn không nóng do đại dịch, nhưng vì Trương Á Trung đột ngột trỗi dậy đã khiến cuộc bầu cử trở nên đáng chú ý.
Mặc dù nhóm Chu Lập Luân cho rằng luận điểm xuyên eo biển của Trương Á Trung là quá khích và cực đoan, và gán cho ông ta là "Thống nhất đỏ", nhưng ông ta đã nhận được gần 33% số phiếu bầu. Ngược lại, số phiếu của Chu Lập Luân lại không được quá bán. CNA trích dẫn phân tích của nhân sĩ trong đảng cho rằng sau cuộc bầu cử, khí thế của Trương Á Trung đã tăng lên và giành được sự ủng hộ của quần chúng bảo thủ và những người hâm mộ Hàn Quốc Dụ, có thể trở thành mối thách thức Chu Lập Luân trong tương lai.
Quốc dân Đảng thất bại trước Đảng Dân chủ Tiến bộ trong cuộc bầu cử năm 2020 được cho là mất đi sự ủng hộ của giới trẻ (Ảnh: Getty). |
Truyền hình vệ tinh Thâm Quyến ngày 26/9, nói rằng ngôi sao thực sự của cuộc bầu cử này là Trương Á Trung, là một người nghiệp dư, ông ta đã chiến đấu một mình hầu như không có tài nguyên, từ một người vô danh đã giành được hơn 60.000 phiếu bầu, với tỷ lệ phiếu bầu là 32,59%.
Cái gọi là “ngoại hoạn” ám chỉ thực tế là sau khi KMT trở thành đảng đối lập, ngoài việc tranh giành với DPP, họ còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của Đảng Nhân dân của Thị trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết. Tin cho thấy, KMT gần đây đã không thể cải thiện tỷ lệ ủng hộ qua các cuộc thăm dò và Đảng Nhân dân đang nhanh chóng bắt kịp. Nếu KMT không chuẩn bị nhiều hơn, trong cuộc bầu cử năm 2022 tới, nhiều đảngviên KMT có thể sẽ nhảy qua ủng hộ Đảng Nhân dân.
Tờ Liberty Times của DPP mô tả việc Chu Lập Luân trúng cử Chủ tịch KMT là một "chiến thắng bi thảm" vì ông chỉ được 45% số phiếu bầu và chỉ với 90.000 phiếu ủng hộ. Với lợi thế quá lớn là cựu chủ tịch, nhưng số phiếu bầu không bằng Trương Á Trung và Giang Khởi Thần cộng lại.
Liberty Times cũng nhận định rằng Chu Lập Luân hiện đang đứng trước hai nguy cơ lớn: Thứ nhất là chia rẽ đảng phái. Trước khi bầu cử ông ta đã chụp mũ cho Trương Á Trung là “Hồng thống” (thống nhất đỏ), gây ra sự bất bình mạnh mẽ của đối phương, sẽ rất khó có được sự tha thứ của 60.000 đảng viên ủng hộ Trương Á Trung. Thứ hai là đang bị Đảng Nhân dân “đào chân tường”. Chủ tịch Đảng Nhân dân Kha Văn Triết đang ra sức lôi kéo các nhân tài của KMT và tấn công mạnh các lá phiếu của KMT để chuẩn bị cho cuộc bầu cử người lãnh đạo Đài Loan năm 2024.
Ông Chu Lập Luân và những người ủng hộ ăn mừng thắng cử (Ảnh: Zaobao). |
"KMT phải là một đảng đối lập trung thành với Đài Loan"
Theo tin của truyền thông Đài Loan Chinatimes ngày 26/9, ông Mã Anh Cửu, cựu lãnh đạo chính quyền Đài Loan và cựu chủ tịch KMT, nói rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của tân chủ tịch đảng là thúc đẩy sự đoàn kết trong đảng, tiến tới quay trở lại nắm quyền, kêu gọi “nhanh chóng đưa đảng trở lại trạng thái vận hành bình thường”.
Thái Chính Nguyên, cựu Phó tổng thư ký KMT, nói rằng mặc dù Chu Lập Luân cuối cùng đã giành được ngôi vị lãnh đạo đảng, nhưng những thách thức trong tương lai vẫn đầy chông gai và không còn chỗ cho sự sơ xuất.
Triệu Thiếu Khang, cựu "ủy viên lập pháp" của KMT và là người nổi tiếng trong giới truyền thông, cho rằng cuộc bầu cử này rõ ràng cho thấy KMT cần phải nâng cao sức chiến đấu và chuyển mình để trở thành lực lượng thúc đẩy Đài Loan tiến lên; cần phải thay đổi cơ cấu đảng viên và tăng tỷ lệ đảng viên dưới 40 tuổi đạt 30% trở lên.
Theo mạng Liên Hợp (UDN) ngày 26/9, Hoàng Mẫn Huệ, cựu quyền Chủ tịch KMT và là Thị trưởng Gia Nghĩa đương nhiệm, đã chúc mừng Chu Lập Luân sau khi kết quả bầu cử được công bố và nói: "Điều quan trọng nhất đối với chúng ta bây giờ là đoàn kết. Hy vọng tân Chủ tịch trở thành cái đai siết chặt mọi người đoàn kết lại".
Cựu Chủ tịch KMT, cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu và ông Chu Lập Luân (Ảnh: UDN). |
Liberty Times thân DPP ngày 26/9 đưa tin Phó chủ tịch "Viện Lập pháp" (nghị viện) của Đài Loan Thái Kỳ Xương bày tỏ hy vọng rằng Chu Lập Luân "có thể dẫn dắt KMT thực sự tôn trọng dư luận chính thống của Đài Loan" và "mong muốn ông ta đóng vai trò của một đảng đối lập trung thành với Đài Loan”.
Ngoài ra, mạng Liên Hợp (UDN) đưa tin Lại Thanh Đức, cấp phó của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, khi được hỏi hai lần về quan điểm trước việc Chu Lập Luân thắng cử khi ông tham gia sự kiện vào ngày 26/9, nhưng đều không trả lời.
Vào tối ngày 25/9, Chu Lập Luân nói rằng Quốc Dân Đảng Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành “tiểu lục” (tức DPP nhỏ, ý nói theo đường lối của DPP) trong quan hệ hai bờ eo biển, và sẽ không sợ bất kỳ "cái mác" nào của DPP dán cho; KMT sẽ xây dựng lại nền tảng trao đổi và các kênh liên lạc xuyên eo biển. sẽ tiến hành giao lưu với Trung Quốc đại lục trên cơ sở cương lĩnh và quy định của đảng.
Xem ra tương lai của tân chủ tịch Quốc dân Đảng quả là “Thập diện mai phục”.