Trung Quốc dùng thủ đoạn “vùng xám” gây sức ép để thống nhất Đài Loan
Hôm 23/9, 24 máy bay quân sự của quân đội Trung Quốc một lần nữa bay vào vùng nhận dạng phòng không ở tây nam Đài Loan. Một ngày trước đó, Đài Loan đã chính thức nộp đơn xin gia nhập “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP). Chính phủ Trung Quốc tuyên bố, Đài Loan là một phần của Trung Quốc, và Trung Quốc “kiên quyết phản đối” việc Đài Loan gia nhập bất kỳ hiệp định hoặc tổ chức chính thức nào.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã sử dụng biện pháp được gọi là “gray zone" (vùng xám) chống Đài Loan để gây áp lực về quân sự, ngoại giao, kinh tế và chính trị trước chiến tranh hoặc xung đột, hòng gây áp lực tối đa, buộc người dân Đài Loan chấp nhận thống nhất với Trung Quốc đại lục.
Vào tháng 3 năm nay, Đô đốc Philip Davidson, khi đó là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, đã cảnh báo tại một cuộc điều trần trước quốc hội rằng Trung Quốc có thể thực hiện các hành động quân sự chống lại Đài Loan trong sáu năm tới. Mốc thời gian rõ ràng này đã gây chấn động, làm sâu sắc thêm cảm giác cấp bách về cuộc xung đột có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan.
Tiêm kích F-16 của quân đội Đài Loan ngăn chặn máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc bay vào không phận (Ảnh: CNA). |
Chiến lược tốt nhất Trung Quốc sẽ sử dụng là chiến tranh chớp nhoáng
Elbridge Colby, tác giả chính của Báo cáo Chiến lược Quốc phòng Quốc gia 2018 của chính quyền Donald Trump, cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đặt ra những thách thức rất lớn đối với hợp tác an ninh Mỹ-Đài Loan, bởi vì người Đài Loan không sẵn sàng từ bỏ quyền tự chủ (autonomy) của mình, không thủ đoạn “vùng xám” nào của Trung Quốc có thể thành công. Vì vậy, “chiến lược tốt nhất” của Trung Quốc sẽ là “sử dụng sức mạnh quân sự trực tiếp” để đạt được các mục tiêu chính trị của họ. Cả Mỹ và Đài Loan đều phải chuẩn bị cho điều này.
Trong cuốn sách mới “Strategy of Denial” (Chiến lược từ chối), ông Elbridge Colby đã trình bày quan điểm của ông về cách Mỹ có thể chuẩn bị cho khả năng này. Ông cho rằng sau khi rút khỏi Afghanistan, Washington cần "tập trung vào châu Á như chùm tia laser", thiết lập một "liên minh" được tổ chức lỏng để chống lại sự bành trướng bá quyền của Trung Quốc trong khu vực và cùng với Nhật Bản, Đài Loan, Philippines là những nơi tuyến đầu để ngăn chặn Trung Quốc vượt khỏi Chuỗi đảo Thứ nhất ra Tây Thái Bình Dương.
Ông Kolby, người từng là Phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách Chiến lược và Phát triển Quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 2017 đến 2018, vào tuần trước đã mô tả thái độ của Trung Quốc đối với Đài Loan trong một cuộc thảo luận về an ninh và quốc phòng của Đài Loan tại cuộc họp thường niên của Trung tâm Nghiên cứu Đài Loan toàn cầu. Ông đã mô tả “Chiến lược tốt nhất” cũng là tình huống giả định mà ông cho là “nguy hiểm nhất” của Trung Quốc đối với Đài Loan, đó là “phong tỏa và ném bom để xâm lược Đài Loan, đồng thời đánh chiếm và giành quyền kiểm soát Đài Loan một cách nhanh nhất, để Mỹ có không có thời gian để can thiệp, sau đó nó tạo ra một ‘sự đã rồi’ (fait compleli) để có thể buộc Mỹ, Nhật Bản, Australia và các quốc gia khác phải chấp nhận thực tế mới không thể đảo ngược này”. Elbridge Colby nói, đây sẽ là "hành động tốt nhất" của Bắc Kinh.
"Tôi phải nói với các vị rằng đây là một kết quả cuối cùng rất thực tế và rất có thể xảy ra. Đó là Mỹ và các quốc gia khác đều sẽ chấp nhận thực tế mới này".
Elbridge Colby cảnh báo Đài Loan cảnh giác với việc Trung Quốc tiến hành chiến tranh chớp nhoáng, tạo sự đã rồi (Ảnh: NYT). |
Giá phải trả cho việc chiến đấu vì Đài Loan quá cao
Mặc dù một cuộc thăm dò gần đây do Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu công bố cho biết nếu Trung Quốc tiến đánh Đài Loan, hơn một nửa số người Mỹ tán thành gửi quân đến giúp bảo vệ Đài Loan, nhưng Colby nói rằng thực tế là một khi điều đó xảy ra, sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ và một số yếu tố khác mới là chìa khóa thực sự, bởi vì những gì ông thấy từ các cuộc khảo sát không chính thức là, hầu hết người Mỹ không quan tâm đến việc "chiến đấu vì Đài Loan".
"Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, đặc biệt là đối với những người bạn của chúng tôi ở Đài Loan, là 'Các bạn đang ở vào tình thế nguy hiểm tột độ'. Mối nguy hiểm này không chỉ đến từ Trung Quốc, mà còn có thể do người dân Mỹ quyết định vì chi phí và rủi ro quá lớn".
Elbridge Colby nói ông đã nghe những lời này từ những người rất nghiêm túc và cũng là bạn của Đài Loan; vì vậy ông nghĩ rằng tốt nhất là Mỹ và Đài Loan nên thẳng thắn với nhau. Đối với Đài Loan, điều quan trọng nhất là tăng thêm chi tiêu quốc phòng và sử dụng với những loại vũ khí phù hợp. Vì vậy ông thấy được cổ vũ khi bà Thái Anh Văn tuyên bố tăng cường đầu tư cho quốc phòng và sử dụng nó đúng hướng, vì trước đây ông đã phải đối mặt với các yêu cầu mua của Đài Loan được cho là không phù hợp với nhu cầu quốc phòng thực sự của Đài Loan; khi đó vấn đề mua sắm vũ khí biến thành một cuộc thảo luận "độc hại" (toxic).
Gần đây, Đài Loan đã tăng cường mua các vũ khí giúp tăng cường khả năng phòng vệ đảo (Ảnh: Đông Phương). |
Colby cũng không đồng ý với quan điểm của một số người cho rằng Mỹ không nên nói với Đài Loan họ nên mua loại vũ khí gì.
"Một số người cho rằng chúng ta không nên nói với các đồng minh của mình nên mua gì. Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm đó, bởi vì lính Mỹ, thủy thủ, phi công, cảnh sát biển và lính thủy đánh bộ đều sẽ mạo hiểm tính mạng, và cả dân thường. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có quyền đôn đốc, và trên thực tế, chúng ta cũng có trách nhiệm thúc giục các bạn (Đài Loan) định hình quân đội của họ theo một chiến lược tổng thể vì lợi ích chung của chúng ta".
Quan điểm này của Colby ngày càng trở nên phổ biến hơn trong giới chính sách, giới học thuật và các chuyên gia quốc phòng Mỹ.
Đài Loan cần phải làm nhiều hơn nữa
Trong bài phát biểu bế mạc cuộc họp thường niên nói trên, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien cũng kêu gọi Đài Loan tăng cường đầu tư vào lĩnh vực tự phòng vệ chứ không chỉ dựa vào Mỹ.
Ông nói rằng Đài Loan đang phải đối mặt với một "nguy cơ rất tồi tệ" và Đài Bắc phải làm nhiều hơn nữa với những người ra quyết định của Nhà Trắng, chẳng hạn như Cố vấn An ninh Quốc gia đương nhiệm Jake Sullivan, để có sức thuyết phục hơn khi xem xét Mỹ làm thế nào có thể đảm bảo Đài Loan tiếp tục duy trì nền dân chủ và tự do.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien kêu gọi Đài Loan tăng cường đầu tư vào lĩnh vực phòng vệ (Ảnh: AP). |
Ông O'Brien nói: "Đài Loan phải bảo vệ Đài Loan, không thể chỉ dựa vào Mỹ. Chúng tôi đã từng gặp vấn đề này trước đây. Một số quốc gia châu Âu và NATO đã không đầu tư thích đáng cho quốc phòng của họ, khiến họ có nguy cơ bị Nga xâm lược, bắt nạt hoặc cưỡng ép. Đài Loan phải thực sự bắt đầu thực hiện một số bước trong lĩnh vực này. Bà Thái Anh Văn đang làm một số việc đáng khen ngợi trong lĩnh vực này. Chi tiêu quốc phòng đã tăng lên. Chúng ta cũng có một số nền tảng tốt ở đó, nhưng Đài Loan cũng phải làm nhiều hơn".
Bernard Cole, một giáo sư về chiến lược biển tại Học viện Quân sự Quốc gia Mỹ đã nghỉ hưu, cũng cho rằng Đài Loan vẫn chưa chuẩn bị tốt nhất cho việc phòng vệ của mình, nhưng đây lại là điều quan trọng để Tổng thống Mỹ quyết định xem xét có can thiệp vào cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan hay không.
Bernard Cole gần đây đã viết một bài báo đăng trên "Global Taiwan Brief” (Bản tin Đài Loan toàn cầu) kêu gọi Đài Loan đẩy nhanh các cải cách quân sự cần thiết. Ông viết: “Bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng sẽ không chịu khoanh tay đứng nhìn khi đối mặt với cuộc tấn công vũ trang của Trung Quốc vào Đài Loan, nhưng việc có can thiệp quân sự đối với Đài Loan hay không gần như chắc chắn sẽ chỉ quyết định khi Đài Loan đã chuẩn bị tốt nhất để bảo vệ lãnh thổ của họ. Nhưng hiện vẫn chưa nhìn thấy tình hình này”.
Bà Thái Anh Văn thị sát đơn vị không quân tại cuộc tập trận Hán Quang 37 vừa kết thúc (Ảnh: CNA). |
Quân đội Đài Loan vừa mới kết thúc cuộc "Tập trận Hankuang" 5 ngày năm nay vào tuần trước. Các khoa mục diễn tập tập trung vào tác chiến phi đối xứng, chẳng hạn huấn luyện máy bay chiến đấu cất và hạ cánh trên đường cao tốc như một đường băng dã chiến và hoạt động của Hải quân triển khai cơ động tên lửa chống hạm và tác chiến chống đổ bộ.
Chính quyền Đài Loan gần đây đã đề xuất ngân sách quốc phòng 471,7 tỷ Đài tệ (tương đương 16,89 tỷ USD) cho năm 2022, cao hơn mức 453,4 tỷ Đài tệ của năm nay.