Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khởi công từ tháng 5/2008 có tổng mức đầu tư hơn 45.500 tỷ đồng. Toàn tuyến dài 105 km, trong đó 6 km chạy qua Hà Nội, 26 km qua Hưng Yên, 40 km qua Hải Dương và 33 km qua Hải Phòng.
Dự án do Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) làm chủ đầu tư. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là cổ đông chính của Vidifi đồng thời cũng là nhà tài trợ vốn chủ yếu cho dự án này. Bên cạnh VDB, Vidifi còn có 2 cổ đông thiểu số khác là Vietcombank và Vinaconex.
Để hoàn vốn cho dự án này, Vidifi thu phí trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5 cũ cũng như đầu tư một số dự án bất động sản nằm dọc cao tốc.
Vidifi từng góp 300 tỷ đồng, chiếm 15% vốn của Cty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Gia Lâm (chủ đầu tư khu đô thị VinHomes Ocean Park. Đến tháng 8/2018, khi công ty Đô Thị Gia Lâm tăng vốn lên gần 16.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Vidifi còn 0,6% với gần 98 tỷ đồng vốn góp. Bên cạnh đó, khoản tiền hơn 4.700 tỷ đồng thu từ sử dụng đất của dự án này đã được phê duyệt để hoàn vốn cho dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Sau khi thông xe toàn tuyến từ cuối năm 2015, năm 2016 là năm đầu tiên Vidifi có nguồn thu đáng kể từ việc thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sau hơn 7 năm đầu tư.
Ngay từ khi đi vào vận hành, vấn đề thu không đủ bù lãi vay đã là bài toán chưa có lời giải của Vidifi. Hai năm gần đây, doanh thu của Vidifi đạt khoảng 1.900 tỷ đồng/năm trong khi chỉ riêng chi phí tài chính đã lên đến 2.900 tỷ đồng. Do vậy mà Vidifi đã lỗ lần lượt gần 2.200 tỷ và 1.500 tỷ đồng trong 2 năm vừa qua.
Đến cuối năm 2018 - tức sau 3 năm vận hành chính thức - tổng lỗ lũy kế của Vidifi đã lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, vượt xa so với vốn điều lệ 3.800 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2018, tổng nợ phải trả của Vidifi là hơn 40.000 tỷ đồng - phần lớn là khoản vay dài hạn hơn 35.200 tỷ đồng.
Dù không đến mức lỗ lớn như Vidifi nhưng một cái tên lớn khác trong lĩnh vực phát triển đường cao tốc là Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đang có kết quả kinh doanh không mấy khả quan, chủ yếu do tác động của lỗ tỷ giá.
Năm 2018, doanh thu thu phí năm 2018 của VEC đạt hơn 3.200 tỷ đồng với đóng góp chính từ 3 tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình và Long Thành - Dầu Giây. Nhưng với việc lỗ tỷ giá tăng vọt lên 2.200 tỷ đồng, VEC chỉ đạt mức lãi khá "tượng trưng" là 582 triệu đồng.
Theo Trí thức trẻ