Thủ tướng yêu cầu giải bài toán khan hiếm cát

VietTimes -- Nạn cát tặc tại các địa phương đã bị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm soát gắt gao, giúp giảm bớt tình trạng "cát tặc". Tuy nhiên, hệ quả là nguồn cung khan hiếm, giá cát xây dựng tăng cao, mỗi nơi một giá.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước nhu cầu tìm vật liệu thay thế cát ngày càng cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án cung ứng, bán cát theo quy hoạch, bảo đảm môi trường.

Được biết, theo PGS.TS. Trần Văn Miền, Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, loại nguyên liệu thay thế cát tự nhiên là cát nhân tạo. Loại cát được nghiền từ đá, có cỡ hạt gần tương tự với cát tự nhiên, đảm bảo các yêu cầu về tính chất cơ lý, hóa và có thể trộn lẫn theo tỷ lệ phù hợp với cát tự nhiên trong bê tông và vữa xây dựng.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh ngoài đá xay, xỉ thép từ các nhà máy luyện kim sau khi tái chế cũng là một nguồn vật liệu thay thế cát xây dựng về lâu dài. Ngoài ra, tro, thạch cao có thể thay thế cát làm nền...

Qua đây cũng có thể thấy, cơ quan chức năng, vì lý do gì đó, đã phát động cuộc chiến chống cát tặc trên sông, nhưng lại "quên" phát động cuộc chiến chống nạn “thổi” giá cát, để từ đó chống được nạn dịch lớn nhất trong ngành xây dựng liên quan tới khai gian nguyên liệu đầu vào để trục lợi.
Chẳng hạn, bất kết chặn bắt thế nào, bất kể là cát có nguồn gốc, hay cát tặc, thì giá cát từ tàu lên bãi tập kết cũng chênh lệch thấp hơn nhiều lần giá cát bán vào tới công trình. Tại miền Bắc, nếu giá cát bán vào công trình chênh lệch khoảng 5-6 lần so với giá cát từ tàu lên bãi, đạt mức dưới 300.000 đồng/m3, thì tại miền Nam, giá cát đã leo lên mức 500.000 – 600.000 đồng mỗi m3.

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, phát triển hạ tầng giao thông đồng bằng Sông Cửu Long do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì ngày 23/6, một loạt tỉnh đã kiến nghị Chính phủ phải có phương án tháo gỡ khó khăn về nguồn cung cát và đặc biệt là về giá cát cho các địa phương, khi ước tính giá cát đã tăng 200 – 300%. Theo chủ đầu tư BOT Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, riêng chi phí tăng thêm do giá cát tăng tại dự án này đã là hơn 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn sẽ thấy, giá cát tăng không do chi phí khai thác tăng lên. Vì các loại chi phí dầu mỡ, lương… không thay đổi. Ngược lại, chiến dịch chặn cát tặc lại trở thành cơ hội cho giới đầu cơ tăng giá cát, lợi dụng vào thực tế nguồn cung trở nên phập phù.

Mặt khác, bất kể là cát có giấy phép, hay không phép, thì từ bãi tập kết vào tới công trình xây dựng của tư nhân hay nhà nước, cát đều đã có đủ thủ tục nguồn gốc. Do giá cát từ tàu lên bãi tập kết chênh lệch với cát tại công trình gấp nhiều lần, thì cũng có thể hiểu toàn bộ quá trình đẩy giá cát này lên đã “thực hiện” bằng thủ tục ở những khâu trung gian từ bãi tới công trình.

Sẽ không quá khó nếu qua kiểm tra, có thể thấy mỗi hạt cát từ bãi vào tới công trình thường “qua tay” vài doanh nghiệp, mà cứ mỗi lần qua tay ấy, giá cát lại được đẩy lên một mức mới.