Chọn nhà đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc

VietTimes -- Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, giai đoạn 2 và xây dựng đường sắt kết nối Lào Cai - Hà Khẩu theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Được biết, tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Côn Minh vận chuyển hàng hoá giữa Vân Nam, Tứ Xuyên - Trung Quốc với các tỉnh miền bắc Việt Nam, đến cảng biển Hải Phòng nằm trong hợp tác phát triển “Hai hành lang một vành đai kinh tế” giữa 2 nước.

Trong khuôn khổ hợp tác này, hai bên đều thống nhất sử dụng tuyến đường sắt khổ 1.000 mm. Tuy nhiên, năm 2015, phía Trung Quốc đã thay toàn bộ tuyến đường sắt này (bên địa phận của Trung Quốc) bằng khổ đường ray tiêu chuẩn khổ 1.435 mm, trong khi đó tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mới đang trong gia đoạn nghiên cứu.

Điều này đã khiến cho việc kết nối đường sắt phía Việt Nam sẽ không thực hiện được.

Vì vậy, để không làm gián đoạn việc vận chuyển đường sắt liên vận quốc tế giữa hai nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu giải pháp hợp lý trong giai đoạn quá độ khi Việt Nam chưa xây dựng đường sắt khổ 1.435 mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Bộ GTVT đã đề xuất dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 nâng cấp gần 175 km đường sắt, 12 ga, 54 cầu với tổng mức đầu tư 3.434 tỷ đồng đã đưa vào khai thác năm 2015 bằng nguồn vốn vay từ ADB (Ngân hàng phát triển Châu Á), AFD (Cơ quan Phát triển Pháp) và Tổng vụ Ngân khố Pháp (DGTresor).

Giai đoạn 2 cải tạo 50,46 km bao gồm 10,9 km đường sắt khổ lồng 1.435 mm và 1.000 mm; xây dựng mới 6,32 km đường sắt khổ 1.000 mm. Tổng mức đầu tư khoảng 2,329,8 tỷ đồng chưa thực hiện do chưa tìm được nguồn vốn. Riêng hạng mục xây dựng đoạn tuyến đường sắt kết nối Lào Cai - Hà Khẩu đang nghiên cứu tiền khả thi và đang thoả thuận kết nối giữa Việt Nam - Trung Quốc cũng như tìm kiếm nguồn vốn triển khai.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2016-2020 không thể cân đối và dự án giai đoạn 2 không nằm trong danh mục ưu tiên tài trợ của ADB, việc kêu gọi đầu tư tư nhân là giải pháp cần thiết và hữu hiệu.

Vì vậy, Bộ GTVT đã kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào dự án này.

Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP đối với lĩnh vực đường sắt đang gặp khó khăn, thách thức do tổng mức đầu tư các dự án đều lớn, thời gian hoàn vốn thấp và hành lang pháp lý về PPP hiện còn nhiều vướng mắc.

Hiện tại, Bộ GTVT đã nhận được hồ sơ đề xuất của Công ty TNHH Xây dựng và Kỹ thuật Lotte (Hàn Quốc).

Theo báo cáo sơ bộ của nhà đầu tư, dự án này có khả năng hoàn vốn dự kiến trong 20 năm. Dự kiến sau khi hoàn thành, Nhà nước sẽ tiết kiệm phí duy tu bảo trì hạ tầng đường sắt trong 5 năm đầu khoảng 2,2 triệu USD. Doanh thu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam năm 2020 sẽ đạt khoảng 1.010 tỷ đồng, tăng 8,3% so với bình quân 3 năm (2013, 2014, 2015) và tăng khoảng 31,7% sau năm 2023.

Theo những thông tin trước đó, Lotte E&C muốn áp dụng hợp đồng BLT (xây dựng - cho thuê - chuyển giao) cho Dự án có tổng mức đầu tư 113 triệu USD này. Với tỷ suất nội hoàn của dự án (IRR) khoảng 9,1%, Lotte E&C tính toán thời gian thuê hoàn vốn sẽ mất khoảng 20 năm.

Nhà đầu tư Hàn Quốc này từng nhiều lần bày tỏ mong muốn trở thành nhà đầu tư theo hình thức PPP đối với tuyến đường sắt kết nối Hà Nội với Trung Quốc, đồng thời là tuyến vận tải hàng hóa chủ lực số 2 trong hệ thống đường sắt quốc gia. Lần đầu tiên, doanh nghiệp này đề xuất là vào tháng 9/2015.