Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa đăng tải các thông tin về nhà đầu tư trúng giá mua cổ phần do cơ quan này sở hữu tại Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã chứng khoán: VCG) và thông báo hoàn trả tiền đặc cọc cho nhà đầu tư không trúng giá.
Theo đó, các nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Star Invest và ông Nguyễn Văn Đông đã được SCIC hoàn trả lại số tiền đặt cọc trị giá 542,939 tỷ đồng vào ngày 26/11/2018.
Riêng đối với nhà đầu tư trúng giá - Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng), SCIC cho biết tổng giá trị thanh toán là hơn 7.366,6 tỷ đồng. Sau khi trừ đi số tiền đã đặt cọc, An Quý Hưng sẽ phải thanh toán cho SCIC số tiền còn lại là 6.823,7 tỷ đồng.
Không chỉ thông báo kết quả đấu giá, SCIC “nhắc” nhà đầu tư An Quý Hưng thanh toán số tiền trên vào tài khoản của cơ quan này theo đúng quy định trong Quy chế đấu giá cả lô cổ phần của SCIC tại Vinaconex. SCIC cho biết hoạt động này nhằm đảm bảo cơ quan này nhận được tiền thanh toán mua cổ phần muộn nhất trong ngày 4/12/2018.
SCIC cũng cung cấp thông tin thanh toán và nội dung chuyển tiền là: “Nộp tiền thanh toán mua 254.901.153 cổ phần của SCIC tại VCG”.
Nội dung văn bản SCIC gửi tới nhà đầu tư Công ty TNHH An Quý Hưng (Nguồn: SCIC)
|
Động thái của SCIC phần nào cho thấy cơ quan này muốn hoàn tất sớm thương vụ tại Vinaconex. Vì việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính là điều kiện quan trọng để SCIC có thể thực hiện các thủ tục “sang tên” chủ sở hữu lô cổ phần Vinaconex cho An Quý Hưng.
Về phía nhà đầu tư An Quý Hưng, ngay sau thời điểm phiên đấu giá diễn ra (ngày 22/11), nhà đầu tư này đã thế chấp một số tài sản vào ngân hàng.
An Quý Hưng và “thế trận” Vinaconex hậu đấu giá... |
Bên nhận đảm bảo là Ngân hàng TNHH Indovina - Chi nhánh Thiên Long, có trụ sở tại 36 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội. Điều này khiến không ít nhà đầu tư trên thị trường nghĩ đến kịch bản An Quý Hưng đang tích cực "gom" tiền để hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với SCIC.
Theo tìm hiểu của VietTimes, hợp đồng thế chấp được ký ngày 23/11/2018 và giá trị của tài sản đảm bảo ở mức 197,387 tỷ đồng. Cũng cần lưu ý, thông thường, các ngân hàng sẽ giải ngân gói tín dụng có giá trị không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo nên số tiền mà An Quý Hưng huy động được từ hoạt động này cũng không nhiều.
Đây cũng là một con số khá nhỏ nếu so sánh với nghĩa vụ thanh toán lên tới hơn 7.366 tỷ đồng mà An Quý Hưng sẽ phải thu xếp để chuyển vào tài khoản của SCIC. Đó là chưa kể đến việc so sánh với tổng tài sản ghi nhận ở mức 999,6 tỷ đồng (cập nhật đến ngày 31/12/2107) của nhà đầu tư này khi đăng ký tham gia đấu giá.
Do đó, An Quý Hưng nhiều khả năng đã “chốt” được việc huy động nguồn tiền với các đối tác khác trên thị trường, đủ đảm bảo cho việc tham gia đấu giá. Một chi tiết cũng rất đáng lưu ý, mức giá mà An Quý Hưng bỏ ra để đấu giá thành công là 28.900 đồng/cổ phần, cao hơn tới 35,68% so với mức giá khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phần.
Với tính chất và quy mô của lô cổ phần mà SCIC đem ra đấu giá, mức giá trên chắc hẳn đã phải được sự đồng thuận từ “nhóm” các nhà đầu tư có liên quan để đảm bảo khả năng thành công cao nhất cho thương vụ.
Dù sao, hoạt động công bố thông tin và “nhắc nhở” nhà đầu tư về thời hạn thanh toán của SCIC cũng cho thấy được sự chủ động và minh bạch của cơ quan này đối với các hoạt động thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Và nhà đầu tư An Quý Hưng vẫn còn thời gian 6 ngày nữa để thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình./.