Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, không thay đổi đột ngột

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thông tin này được nêu trong Nghị quyết 164/NQ-CP ngày 4/10/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bám sát diễn biến thị trường để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.

Đồng thời, điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Chính phủ giao NHNN tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất; 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản

“Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay”, nghị quyết nêu.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và các Thông tư đã ban hành để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, có giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh tăng, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý các ngân hàng yếu kém.

NHNN 2.jpg

Như VietTimes từng đề cập, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết nhà điều hành đã hạ lãi suất 4 lần kể từ đầu năm. Thông điệp cũng như chỉ đạo của NHNN với các tổ chức tín dụng là phải hạ lãi suất cho vay, điều này được triển khai rất tích cực.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, NHNN đã tạo thanh khoản, dư địa cho tổ chức tín dụng, không thiếu "room" tín dụng, các ngân hàng thương mại rất thoải mái nguồn lực cho vay.

Tuy vậy, theo ông Tú, tín dụng có tăng nhưng mức tăng so với năm ngoái vẫn còn thấp. Tính đến ngày 30/9, lãi suất huy động là khoảng 5,9%, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại là 12.900 nghìn tỉ đồng. Vào thời điểm năm ngoái, lãi suất huy động là 7,68%. Lãi suất cho vay dự đoán là khoảng 6,1-6,2%. Tổng dư nợ của nền kinh tế là 12.630 nghìn tỉ đồng.

Ngoài ra, NHNN đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) – nhà băng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Bên cạnh đó, NHNN đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Các nhà băng này gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongABank)./.