Chính phủ Thụy Điển xem xét từ bỏ chính sách “không làm gì để chống dịch”

VietTimes -- Từ trước đến nay, Thụy Điển đã theo đuổi chính sách “không làm gì để chống dịch”, nhưng nay họ đã nhận ra sự bất cập và bắt đầu thay đổi theo chiều hướng hành động tích cực, mạnh mẽ hơn.
Trong khi các quốc gia châu Âu và trên thế giới đang thực hiện các biện pháp cách ly, hạn chế tiếp xúc để chống dịch thì ở Thụy Điển mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. TRong ảnh đường phố thủ đô Stockholm hôm 1/4 (Ảnh: Getty).
Trong khi các quốc gia châu Âu và trên thế giới đang thực hiện các biện pháp cách ly, hạn chế tiếp xúc để chống dịch thì ở Thụy Điển mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. TRong ảnh đường phố thủ đô Stockholm hôm 1/4 (Ảnh: Getty).

Trong lúc đại dịch COVID-19 lây lan và hoành hành, chính phủ Thụy Điển không đình chỉ việc dạy và học của các trường, cũng không cấm người ra đường hay tụ tập, trái ngược hẳn với các nước châu Âu. Tuy nhiên, hệ thống y tế của quốc gia Bắc Âu này đang phải chịu sức ép quá tải trong những ngày qua và các chuyên gia đã cảnh báo nước này sẽ bước vào “thời kỳ khó khăn nhất” trong vài tuần. Giờ đây, chính phủ Thụy Điển đã sẵn sàng thay đổi hướng đi và thực hiện các biện pháp chống dịch chủ động và cứng rắn hơn.

Theo Deutsche Welle tiếng Trung, ông Johan Gieseke, Cố vấn của WHO, từng là nhà dịch tễ học hàng đầu của Bộ Y tế Thụy Điển và Giám đốc của bộ phận nghiên cứu khoa học của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Châu Âu, mới đây đã phát biểu trên Đài truyền hình Thụy Điển SVT, cho rằng trong 3 tuần tới, tình hình tại Bệnh viện thủ đô Stockholm sẽ trở nên rất tồi tệ. Sau giai đoạn cao điểm 3 tuần trôi qua, số ca mắc bệnh mới giảm. Ông Gieseke chỉ ra rằng đỉnh điểm của dịch bệnh ở các khu vực khác của Thụy Điển sẽ đến muộn hơn so với khu vực thủ đô.

Các quán bar ở Stockholm vẫn mở cửa đón khách bình thường như không có gì xảy ra (Ảnh: Getty).
Các quán bar ở Stockholm vẫn mở cửa đón khách bình thường như không có gì xảy ra (Ảnh: Getty).

Cho đến nay, chính phủ Thụy Điển vẫn đi theo cái gọi là “con đường Thụy Điển” trong chống dịch bệnh lần này: các quán bar vẫn tiếp tục mở cửa, các trường học vẫn giảng dạy, thậm chí các khu du lịch trượt tuyết vẫn mở, trái ngược hẳn với các nước láng giềng châu Âu đã đưa ra các biện pháp hạn chế và cách ly xã hội.  

Ngay cả vào cuối tháng 3, Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hiện tại hàng đầu của Bộ Y tế Thụy Điển, vẫn chỉ “khuyến nghị” những người có triệu chứng bị COVID-19 nên ở trong nhà và các công ty nên triển khai làm việc tại nhà, chính quyền chỉ cấm các hoạt động công cộng của vượt quá 500 người . Trước sự chỉ trích từ các chuyên gia và nhân viên y tế tuyến đầu, ông Tegnell thậm chí còn nói rằng “dịch bệnh cũng giống như đám cháy rừng. Chỉ cần bị giảm tốc độ cháy lan, ngọn lửa cuối cùng sẽ tự tắt” (!?). Nhà virus học nổi tiếng người Đức, Giáo sư Alexander Kekulé tuần trước đã thẳng thắn phê phán: khi đối mặt với loại virus mới này, tất cả các quốc gia đã thực hiện các biện pháp cứng rắn và “con đường Thụy Điển” dường như là “nhóm đối chiếu” trong cuộc thí nghiệm rộng lớn này.

Nhà dịch tễ hàng đầu Thụy Điển Anders Tegnell: “dịch bệnh cũng giống như đám cháy rừng. Chỉ cần bị giảm tốc độ cháy lan, ngọn lửa cuối cùng sẽ tự tắt” (!?) (Ảnh: mabra.com).
Nhà dịch tễ hàng đầu Thụy Điển Anders Tegnell: “dịch bệnh cũng giống như đám cháy rừng. Chỉ cần bị giảm tốc độ cháy lan, ngọn lửa cuối cùng sẽ tự tắt” (!?) (Ảnh: mabra.com).

Kiểu phòng chống dịch bệnh “không làm gì” này không áp dụng các biện pháp cứng rắn mà chỉ xét nghiệm và thống kê các trường hợp bị bệnh nặng, hiện đang gặp phải sự phản đối rất mạnh ở Thụy Điển. Hiện nay, Thụy Điển với dân số 10 triệu người, theo trang web thống kê worldometers đến sáng 9/4 đã có 687 người đã chết vì nhiễm virus Corona mới và tổng số bệnh nhân được chẩn đoán (có nghĩa là các ca nặng ở Thụy Điển) đã là ít nhất 8.419 người. Trong khi quốc gia láng giềng cùng bán đảo Scandinavia là Na Uy, sau khi thực hiện một tháng giãn cách xã hội, đã tuyên bố công tác phòng chống dịch bệnh đã đạt được kết quả ban đầu và số ca nhiễm dịch tái phát đã giảm xuống. Tại Na Uy với 5,3 triệu dân, hiện chỉ có khoảng 100 người chết vì COVID-19.

Do phải chịu áp lực mạnh mẽ, Chính phủ Thụy Điển đang xem xét thay đổi hướng đi của mình: từ cuối tuần này, liên minh cầm quyền được thành lập bởi Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xanh sẽ bắt đầu tham vấn với các đảng đối lập và các tổ chức công cộng khác để lên kế hoạch cho một dự luật cứng rắn hơn. Được biết, dự luật mới sẽ không còn chỉ là một “khuyến nghị”, mà là thực hiện các biện pháp bắt buộc như các nước láng giềng châu Âu khác. Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren hy vọng rằng dự luật mới sẽ được đệ trình lên Quốc hội để xem xét trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào ngày 10/4. Bà nói: “Chính phủ Thụy Điển, chính quyền địa phương và các cơ quan kiểm soát dịch bệnh sẽ có thể ra lệnh hạn chế giao thông công cộng, đóng cửa các nhà hàng và trung tâm mua sắm và có thể đóng cửa cả những nơi có thể tụ tập tới 50 người”.

Dự luật ứng phó khủng hoảng dịch bệnh mới sẽ mở rộng quyền hạn của cơ quan hành pháp. Dự thảo ban đầu thậm chí quy định chính phủ có thể đưa ra quyết định phòng chống dịch bệnh bỏ qua Quốc hội, nhưng điều khoản này hiện đã bị loại bỏ. Theo dự thảo mới nhất, mặc dù chính phủ có quyền đưa ra các biện pháp chống dịch trực tiếp mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội, nhưng đảng đối lập vẫn có quyền sửa đổi hoặc thậm chí bác bỏ các biện pháp chống dịch này sau khi cân nhắc.

Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren: Thụy Điển sẽ đưa ra các biện pháp mạnh hơn để đối phó dịch bệnh (Ảnh: government.se)
Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren: Thụy Điển sẽ đưa ra các biện pháp mạnh hơn để đối phó dịch bệnh (Ảnh: government.se)

Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren nhấn mạnh rằng chính phủ không muốn sử dụng dự luật mới để làm suy yếu nền dân chủ. “Chúng tôi không phải tranh giành quyền lực của Quốc hội, mà do chúng ta đang ở trong một tình huống chưa từng có. Mặc dù cho đến nay chúng ta đã cùng nhau đưa ra quyết sách nhanh chóng, nhưng một số quyết sách vẫn còn quá chậm. Một số quyết sách cần phải được ban hành chỉ trong vòng vài giờ. Tất nhiên, nếu Quốc hội cho rằng các biện pháp này là sai, họ vẫn có quyền thu hồi sau khi ban hành”.

Dự luật ứng phó khẩn cấp mới ban đầu sẽ có hiệu lực trong 3 tháng. Chính phủ Thụy Điển hy vọng rằng khi đó đất nước Bắc Âu này sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh. Quốc vương Thụy Điển Carl XVI Gustaf tối Chủ nhật (5/4) cũng có bài phát biểu trên truyền hình, cảm ơn các nhân viên y tế tuyến đầu vì sự cống hiến của họ và cổ vũ tất cả dân chúng: “Tôi đã từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng ở đất nước này và tôi đã học được một điều: bất kể dài bao lâu, bất kể nặng nề đến mấy, cuộc khủng hoảng sớm hay muộn cũng sẽ kết thúc”.