Trung Quốc: nhiều vấn đề nảy sinh sau khi bỏ phong tỏa Vũ Hán

VietTimes -- Từ 0h00 ngày 8/4, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã chính thức dỡ bỏ việc đóng cửa thành phố sau hơn 2 tháng, cụ thể là 76 ngày kể từ 10 giờ ngày 23/1, và các tuyến giao thông từ thành phố ra bên ngoài cũng dần được phục hồi. Tuy nhiên, những vấn đề mới đã xuất hiện.
Ngày đầu tiên bỏ phong tỏa, Vũ Hán đã có 55 ngàn người rời khỏi Vũ Hán (Ảnh: creaders)
Ngày đầu tiên bỏ phong tỏa, Vũ Hán đã có 55 ngàn người rời khỏi Vũ Hán (Ảnh: creaders)

Theo trang mạng Chinanews.com, miễn là những ai có mã QR Y tế Hồ Bắc màu Xanh, đều có thể rời khỏi Vũ Hán. Các nhà ga lớn ở khu vực Vũ Hán cũng đã mở cửa lại lối đi và khôi phục dịch vụ vận chuyển hành khách trong nước. Hành khách có thể lên tàu sau khi đo nhiệt độ cơ thể và kiểm tra giấy tờ để xác minh danh tính.

Chinanews.com trích dẫn lời người đứng đầu Tập đoàn Cục Đường sắt Vũ Hán nói, căn cứ theo tính toán chính thức về tình hình bán vé vào ngày 7/4: “Ngày 8/4, sẽ có 276 chuyến tàu chở khách từ các nhà ga ở Vũ Hán đến Thượng Hải, Thâm Quyến, Thành Đô, Phúc Châu, Nam Ninh...54 trong số đó xuất phát từ Vũ Hán. Điểm đến của các hành khách tập trung nhiều hơn ở khu vực châu thổ sông Châu Giang, chiếm khoảng 40% tổng số hành khách rời khỏi Vũ Hán.

Dỡ bỏ rào chắn một khu dân cư sau khi Vũ Hán bỏ phong tỏa (Ảnh: Getty).
Dỡ bỏ rào chắn một khu dân cư sau khi Vũ Hán bỏ phong tỏa (Ảnh: Getty).

Từ mấy ngày nay, tin về việc Vũ Hán sắp được “giải phong” (bỏ phong tỏa) đã gây xôn xao dư luận. Rất nhiều người đã chuẩn bị để chạy khỏi Vũ Hán như chạy trốn nỗi hãi hùng, thậm chí có những tin đồn về hàng vạn người dương tính nhưng không có triệu chứng ở Vũ Hán khiến người ta càng lo sợ và muốn rời khỏi Vũ Hán trước khi chính sách thay đổi...Ở Thượng Hải, nơi tương đối an toàn trong dịch bệnh lần này rộ lên các tin đồn: vé tàu từ Vũ Hán đến Thượng Hải sau ngày 8/4 đã bán hết, mỗi ngày sẽ có mấy ngàn người Vũ Hán tới đây, “Thượng Hải sẽ trở thành khu vực nguy hiểm nhất cả nước”...

Chiều ngày 7/4, hãng thông tấn chính thức Tân Hoa xã đã phát đi bài báo có tiêu đề “‘Giải phong’ (Bỏ phong tỏa) không có nghĩa là ‘giải phòng’ (bỏ phòng ngừa), mở cổng thành phố không có nghĩa là mở cổng nhà”. Bài báo chỉ ra rằng: “Sau hơn 70 ngày niêm phong, thành phố ven sông Vũ Hán sắp sửa ấn “nút khởi động bỏ phong tỏa”. Mở cổng thành phố Vũ Hán không có nghĩa là tất cả các cảnh báo được bãi bỏ, cũng không có nghĩa là các biện pháp phòng chống dịch bệnh được nới lỏng. “Khi mở cổng thành phố, chúng ta càng phải chú ý đến cửa nhà mình và cổng những nơi công cộng”. Bài báo của Tân Hoa xã nhấn mạnh, vào thời điểm xuất hiện “dòng chảy lớn” sau khi bỏ phong tỏa Vũ Hán, cần phải lập kế hoạch tổng thể cho việc “đại phòng ngừa và kiểm soát”.

Xếp hàng lên tàu rời khỏi Vũ Hán (Ảnh: Getty).
Xếp hàng lên tàu rời khỏi Vũ Hán (Ảnh: Getty).

Về vấn đề này, Vương Hạo (Wang Hao), một cây bút chuyên viết về đề tài tài chính Trung Quốc, đã đăng trên Facebook một tin tức lan truyền trong cư dân mạng Thượng Hải, nội dung là: “Ngày mai, 8/4, tất cả các chuyến tàu từ Vũ Hán đến Thượng Hải sẽ được bỏ cấm. Tôi lên Trip.com để tra xem thì thấy vé các chuyến tàu từ Vũ Hán đến Thượng Hải sau ngày 8 đều đã bị tranh cướp mua hết. Mỗi ngày sẽ có mấy ngàn người đến Thượng Hải”.

Bài viết của Vương Hạo nói: “Thượng Hải là nơi có nguồn tài nguyên y tế dồi dào nhất cả nước, cuộc sống thuận tiện nhất và quản lý thành phố tốt nhất. Tới đây, Thượng Hải sẽ phải đối mặt với hai loại áp lực cả từ bên trong và bên ngoài (người từ nước ngoài về), Tiếp theo đây, Thượng Hải sẽ trở thành khu vực nguy hiểm nhất trong cả nước. Còn nghiêm trọng hơn cả dịp Tết âm lịch, vì vậy xin các vị hãy cẩn thận, hãy chớ buông lỏng bảo vệ bản thân và gia đình, xin hãy nhớ lấy!!!”.

Bài báo cũng cảnh báo: “Từ 0h ngày 25/3, nhà nước Trung Quốc sẽ không còn gánh chịu chi phí y tế cho bệnh nhân mới mắc bệnh COVID-19. Trong thời gian cách ly 14 ngày, chi phí cách ly cơ bản của mỗi người sẽ là 8.000 nhân dân tệ (khoảng 28 triệu VND). Các chi phí từ 400.000 đến 710.000 NDT điều trị sau khi xác nhận dương tính cũng phải tự chịu (đặc biệt là những người trẻ tuổi và người già trong gia đình), các gia đình bình thường sẽ không thể chi trả được”.

Nhiều người đến ga tàu nhiều tiếng trước giờ bỏ phong tỏa để chờ lên tàu rời Vũ Hán (Ảnh: Getty).
Nhiều người đến ga tàu nhiều tiếng trước giờ bỏ phong tỏa để chờ lên tàu rời Vũ Hán (Ảnh: Getty).

Sau khi tin tức này lan truyền, cư dân mạng đã bình luận mỉa mai: “Tập tiếp theo sẽ là Dịch viêm phổi Thượng Hải?”, “Đừng lo, số lượng người bị bệnh đã được chính phủ kiểm soát rồi", “Ngày mai sẽ là thách thức đối với Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu; dự kiến sẽ được quản lý nhiều”...

Một số vấn đề đã xuất hiện: mặc dù bỏ phong tỏa nhưng số lượng tuyến xe và số đầu xe rất hạn chế; các trường học vẫn chưa thông báo thời gian mở cửa trở lại; một số khu vực thậm chí quản chế người vào chặt hơn trong khi có bệnh viện để đạt được chỉ tiêu “không còn người bị bệnh” đã cưỡng ép bệnh nhân ra viện...

Từ 0h00 sáng 8/4, toàn bộ 75 điểm chốt chặn ra vào Vũ Hán đã được dỡ bỏ để giao thông hoạt động bình thường. Từ trước đó, hàng đoàn xe dài đã xếp hàng rồng rắn chờ đợi trước các ngõ ra của các trạm thu phí đường cao tốc. Khi được hỏi, một người đàn ông họ Trần nói: phải tranh thủ để đi, không biết đến mai chính sách có khác hay không. Gần đây lại có ca mới nên mọi người nhanh chóng rời đi, sợ sẽ đóng cửa trở lại. Nhiều người nói, khi ra khỏi Vũ Hán chẳng ai kiểm tra mã QR Xanh, giấy tờ hay đo nhiệt độ...nhưng khi đến nơi mới không rõ thế nào...

Theo dự tính, trong 2 ngày sau khi bỏ phong tỏa sẽ có khoảng 100 ngàn người rời khỏi Vũ Hán. Riêng ngày 8/4 có 55 ngàn người rời Vũ Hán bằng xe lửa xuống vùng đồng bằng châu thổ Chu Giang. Có tin các nơi họ định tới như Quảng Châu, Thâm Quyến, Bạch Vân, Trung Sơn, Thiệu Quan, Trạm Giang...đều yêu cầu những người từ Vũ Hán tới phải xuất trình kết quả xét nghiệm virus Corona mới.

Các đoàn tàu cao tốc tập kết tại ga Vũ Hán ngày 6/4 chờ hoạt động sau khi bỏ phong tỏa (Ảnh: Tân Hoa xã).
Các đoàn tàu cao tốc tập kết tại ga Vũ Hán ngày 6/4 chờ hoạt động sau khi bỏ phong tỏa (Ảnh: Tân Hoa xã).

Một vấn đề khác là nỗi lo từ những người nhiễm bệnh nhưng không có các triệu chứng lâm sàng như sốt, ho và đau họng. Theo Thời báo Sức khỏe, Giáo sư Dương Quýnh, chuyên gia chính Khoa Hô hấp và Chăm sóc bệnh nặng của Bệnh viện Trung Nam Đại học Vũ Hán, ngày 6/4 cho biết, từ dữ liệu khảo sát trong ba ngày qua, cho thấy số người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng ở Vũ Hán chiếm khoảng 0,15% đến 0,3%; có nghĩa là có khoảng 10 ngàn tới 20 ngàn người nhiễm bệnh, mặc dù có vẻ những người nhiễm bệnh không có triệu chứng khả năng lây bệnh thấp, nhưng họ cũng bị mắc bệnh truyền nhiễm, vì vậy cần tăng cường quản lý nhóm người này, vẫn phải rất cảnh giác.

Giáo sư Dương Quýnh chỉ ra rằng tình hình dịch bệnh chùng xuống hiện nay ở Vũ Hán đã làm mất đi sự cảnh giác của nhiều người, thậm chí họ ra ngoài không đeo khẩu trang, rất nguy hiểm. Các bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh và nghi nhiễm hiện đang tích cực điều trị. Đối với bệnh nhân “phục dương” (kết quả xét nghiệm thay đổi từ âm tính sang dương tính), không phải là vấn đề lớn, vì bản thân họ sẽ không bị nhiễm bệnh nhiều lần và cũng không lây truyền cho người khác, tương đối an toàn.

Ông Dương Quýnh nói, hiện tại, đáng sợ nhất là những người nhiễm bệnh không triệu chứng. Vũ Hán ngày 1/4 đã xuất hiện người từ nước ngoài nhập cảnh bị bệnh cũng không có triệu chứng, rất cần phải tăng cường quản lý những người bệnh không có triệu chứng này.