Theo New York Times, chính phủ nhiều quốc gia tại 4 châu lục đang chuẩn bị cho một cuộc "dằn mặt" lớn với Facebook sau nhiều năm bỏ bê hoặc chỉ hành động nửa vời với mạng xã hội này.
Mục tiêu của các nhà chức trách trên toàn thế giới là thay đổi hành vi và các hoạt động kinh doanh cốt lõi nhất của Facebook.
Mỹ dẫn đầu làn sóng "uốn nắn" Facebook
Các thành viên của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đang cân nhắc đưa ra những chính sách ràng buộc mới cho Facebook.
Cuối tháng 4/2019, Facebook cho biết công ty có thể sẽ đối diện với mức phạt 3-5 tỷ USD vì vi phạm các thỏa thuận về quyền riêng tư ký với FTC năm 2011. Đây sẽ là mức phạt cao nhất dành cho một công ty công nghệ tại Mỹ từ trước đến nay.
Bên cạnh mức phạt trên, Facebook và FTC đang thảo luận các điều khoản bổ sung nhằm hạn chế, kiểm soát việc sử dụng dữ liệu người dùng và tăng cường bảo mật, giám sát hoạt động của công ty.
Thỏa thuận này được xem là bước ngoặc lớn để kiểm soát hoạt động của các ông lớn công nghệ và bảo vệ người dùng. Các điều khoản trong thỏa thuận sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của Facebook. Đồng thời các điều khoản trên còn tạo tiền đề cho Mỹ và các quốc gia khác bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
"Điều này sẽ tạo ra một rào cản lớn cho Facebook", David C. Vladeck, cựu Giám đốc Bảo vệ người tiêu dùng thuộc FTC cho rằng các điều khoản mới sẽ đưa các công ty tương tự Facebook vào lề lối , tuân thủ một bộ quy tắc.
Châu Âu và các quốc gia khác sẽ mạnh tay với Facebook
Tại châu Âu, nhà chức trách các nước như Anh, Pháp, Đức, Ireland... đang để mắt đến các hoạt động của Facebook. Chính phủ Australia, Ấn Độ, New Zealand và Singapore đã thông qua hoặc đang xem xét các quy định hạn chế mới dành cho mạng xã hội này.
Tại Ireland, nơi đặt trụ sở châu Âu của Facebook, công ty phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra về việc liệu nó có tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu của châu Âu hay không.
Chỉ trong tuần này, Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland đã bắt đầu một cuộc điều tra mới về việc Facebook khi công ty bị cáo buộc tiết lộ mật khẩu người dùng. Theo luật riêng tư châu Âu, Facebook có thể bị phạt tới 4% doanh thu toàn cầu, tương đương khoảng 2,23 tỷ USD.
Chính quyền Anh năm ngoái đã cho Facebook mức phạt tối đa là 500.000 bảng, tương đương 645.000 USD vì đã cho phép Cambridge Analytica thu thập thông tin của hàng triệu người dùng mà không cần sự đồng ý của họ.
Tại Pháp, nơi chính phủ thông qua luật ngăn chặn sự lan truyền tin giả, nhà chức trách cũng bắt đầu kiểm soát nội dung của Facebook.
Bên cạnh đó, tại Đức, nhà chức trách yêu cầu Facebook điều chỉnh chính sách thu thập dữ liệu cảu mình sau khi xác định Facebook dùng chúng để bán quảng cáo.
Tuy vậy, Facebook cũng cho thấy sự chuẩn bị để tự bảo vệ trước động thái của chính phủ các nước. Ngày 25/4, Facebook đã tranh luận về các phát hiện vụ Cambridge Analytica của những ủy viên quyền riêng tư tại Canada.
Phạt tiền thôi là chưa đủ
Trong số các điều khoản được FTC soạn thảo, việc giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động bảo mật của Facebook và hạn chế việc công ty chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba sẽ được ưu tiên hơn là mức phạt 3-5 tỷ USD.
Tuy vậy, bản điều khoản cuối cùng có thể sẽ được thay đổi vào phút chót. Cơ quan chức năng và Facebook có thể đưa nhau ra tòa nếu hai bên không đạt được các thỏa thuận.
Facebook và FTC đang thực hiện những bước cuối cùng về án phạt vào đầu tháng 4. Án phạt gồm số tiền từ 3-5 tỷ USD đã gần như được thông qua. Tuy nhiên bất đồng về các điều khoản bổ sung là yếu tố chính khiến án phạt này vẫn chưa được thực thi.
Ít nhất một trong 5 thành viên của FTC yêu cầu trừng phạt trực tiếp Mark Zuckerberg vì cho rằng mức tiền phải trả không đủ tính răn đe Facebook. Thực tế, các thành viên FTC sẵn sàng đối chất tại tòa để kiểm soát mạnh hơn mạng xã hội này.
Tuy vậy, việc thương lượng giữa FTC và Facebook đang được thực hiện bí mật. Tổng thanh tra của FTC đã bắt đầu điều tra về các rò rỉ thỏa thuận giữa hai bên.
Những nỗ lực trên của các quốc gia trên toàn thế giới đang giúp kiểm soát các mạng xã hội.