Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã yêu cầu chính phủ tạo điều kiện cho việc tiếp nhận nhiều hơn lao động nước ngoài. Riêng với Việt Nam, Tokyo dự kiến sẽ nhận 3.000 nhân viên điều dưỡng ngay trong năm đầu tiên. Chi phí đào tạo tiếng Nhật sẽ do phía Nhật Bản đài thọ. Tokyo cũng có kế hoạch tương tự với Philippines, Indonesia, Lào và Campuchia. Về nguyên tắc, các điều dưỡng viên Việt Nam sẽ được hưởng lương tương đương với các đồng nghiệp Nhật Bản cùng trình độ.
Vẫn theo Nikkei Asian Review, kế hoạch nói trên là nằm trong "Sáng kiến sức khỏe châu Á", một chương trình của chính phủ Nhật Bản nhằm cung cấp cho các nước có dân số đang lão hóa ở châu Á những hiểu biết và kiến thức chuyên môn của Nhật Bản về điều dưỡng và phúc lợi xã hội. Việt Nam và Nhật dự kiến sẽ ký một bản ghi nhớ về chương trình 10.000 điều dưỡng viên trong năm nay.
Cho đến nay, Nhật Bản mới chỉ hé mở thị trường lao động này, với khoảng 3.500 điều dưỡng viên nước ngoài trong khoảng thời gian 2008-2017. Tuy nhiên, tốc độ lão hóa dân số nhanh chóng, buộc Nhật phải khẩn trương hơn nhiều. Hiện tại có 33 triệu người Nhật trên 60 tuổi, trên tổng số 127 triệu dân cư. Dự kiến nước Nhật sẽ phải cần đến khoảng 800.000 ngành điều dưỡng viên vào năm 2035. Kế hoạch tuyển mộ điều dưỡng viên của Nhật trong hai năm 2015-2017 chỉ thực hiện được 70%.
Báo Japan Times hồi tháng Ba cho hay, Việt Nam là nước đứng đầu về tỉ lệ thành công trong kỳ thi tuyển điều dưỡng viên năm tài chính 2017, với tỉ lệ 94% ứng viên đạt điểm, so với 39% ở người Indonesia và 38% với người Philippines. Tổng cộng 213 ứng viên nước ngoài trúng tuyển.
Ngày 16/6/2018, Nhật thông báo sẽ lập một loại thị thực nhập cảnh mới có thời hạn 5 năm, dự kiến từ nay đến 2025, cho phép 500.000 lao động nước ngoài đến Nhật làm việc trong 5 ngành nghề đang lâm vào khó khăn, do rất thiếu nhân công, là nông nghiệp, chăm sóc người cao tuổi, xây dựng nhà cửa và các công trình công cộng, lĩnh vực bán lẻ và khách sạn. Quy chế visa mới sẽ cho phép họ ở lại đến 5 năm hoặc hơn nữa.