Chính phủ Đức ngăn chặn công ty Trung Quốc mua công ty khởi nghiệp vệ tinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chính phủ Đức hôm 13/9 đã ngăn chặn Trung Quốc mua lại một công ty vệ tinh khởi nghiệp vì lý do an ninh quốc gia. Đức gần đây đã thúc đẩy các biện pháp "giảm rủi ro", lập trường đối với Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn.

Ngành công nghiệp vệ tinh của Đức dẫn đầu châu Âu về quan sát trái đất, hệ thống định vị, công nghệ truyền thông vệ tinh...(Ảnh: DW)
Ngành công nghiệp vệ tinh của Đức dẫn đầu châu Âu về quan sát trái đất, hệ thống định vị, công nghệ truyền thông vệ tinh...(Ảnh: DW)

Deutsche Welle ngày 14/9 đưa tin, các công ty liên quan đến vụ giao dịch này là công ty khởi nghiệp KLEO Connect của Đức và Công ty TNHH Công nghệ vệ tinh Yuanxin (Viên Tín), Thượng Hải (Shanghai Yuanxin Satellite Technology, SYST). KLEO Connect muốn xây dựng mạng lưới vệ tinh liên lạc của riêng mình trên quỹ đạo tầm thấp gần Trái đất để cung cấp dịch vụ internet tới các vùng sâu vùng xa, cạnh tranh với hệ thống Starlink của tỉ phú Elon Musk.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm nổi bật giá trị của các vệ tinh liên lạc Internet và dịch vụ Internet vệ tinh Starlink hiện đã trở thành một công cụ tác chiến quan trọng của quân đội Ukraine.

Theo tin của các cơ quan truyền thông Đức như Die Welt, công ty Trung Quốc có tên Shanghai Yuanxin Satellite Technology Co., Ltd. hiện đã nắm giữ khoảng 53% cổ phần của KLEO Connect có kế hoạch mua thêm 45% cổ phần khác từ công ty EightyLeo của Đức. Tuy nhiên, sau khi tiến hành thẩm định, xem xét, Bộ Kinh tế Liên bang Đức xác định rằng vụ giao dịch mua bán cổ phần này có thể gây nguy hiểm cho an ninh công cộng, vì vậy đã yêu cầu dừng giao dịch.

Tờ Die Welt cũng chỉ ra rằng cuộc chiến giành quyền kiểm soát KLEO Connect đã diễn ra từ lâu và vấn đề mấu chốt là phổ tần vệ tinh mà công ty này đã đăng ký tại Liechtenstein vài năm trước.

He thong ve tinh cua KLEO Connect.jpg
Sơ đồ hệ thống vệ tinh thông tin quỹ đạo thấp của KLEO Connect (Ảnh: DB)

Vụ việc này một lần nữa cho thấy sự lo ngại của Chính phủ Đức về ảnh hưởng ngày càng tăng của vốn Trung Quốc. Hồi năm ngoái, chính phủ Đức cũng ngăn chặn Trung Quốc mua lại 2 nhà sản xuất chất bán dẫn của Đức với lý do an ninh quốc gia. Việc Tập đoàn Công ty vận tải viễn dương Trung Quốc (COSCO) mua lại một phần cổ phần của Công ty cảng Fudy của Cảng Hamburg cũng đã gây nên tranh cãi chính trị gay gắt. Mặc dù Thủ tướng Olaf Scholz cuối cùng đã chấp thuận vụ mua bán cổ phần nhưng quy mô của vụ giao dịch đã giảm đáng kể.

Theo Reuters, hai nguồn tin trong chính phủ Đức tiết lộ với giới truyền thông rằng chính phủ Đức vào ngày 13/9 đã cấm công ty SYST của Trung Quốc mua lại toàn bộ công ty khởi nghiệp vệ tinh KLEO Connect của Đức. Reuters không nêu rõ lý do cụ thể nhưng đề cập trong bản tin rằng lĩnh vực không gian mới nổi ngày càng được coi là có tầm quan trọng chiến lược.

Bản tin dẫn các các nguồn tin nói, nội các Chính phủ Đức đã đồng ý với quyết định của Bộ Kinh tế nhằm ngăn chặn một công ty Trung Quốc đã nắm giữ 53% cổ phần của Công ty Kleo Connect tiếp tục mua lại 45% cổ phần của Kleo Connect từ một công ty có tên EightyLeo của Đức.

Theo Reuters, KLEO Connect hy vọng sẽ xây dựng một mạng lưới gồm hơn 300 vệ tinh nhỏ ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp và đưa chúng hoạt động hoàn toàn với cơ sở hạ tầng mặt đất vào năm 2028 để cung cấp các dịch vụ liên lạc toàn cầu - tương tự như hệ thống vệ tinh “Starlink " của Công ty công nghệ thám hiểm không gian SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk.

COSCO mua co phan cang Hamburg.png
Năm ngoái Đức đã hạn chế Công ty vận tải viễn dương Trung Quốc (COSCO) mua lại một phần cổ phần của Công ty Fudy của Cảng Hamburg (Ảnh: DW).

Theo Reuters, trong năm qua lập trường của Đức đối với Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn và chính phủ Olaf Scholz đã cảnh báo rằng cần phải giảm sự phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc.

Vào ngày 13/7 năm nay, chính phủ Đức đã công bố bản "Chiến lược với Trung Quốc" đầu tiên. Theo các cơ quan truyền thông đưa tin, tài liệu này được soạn thảo dưới sự lãnh đạo của Bộ Ngoại giao Đức và đạt được thỏa hiệp sau cuộc tranh luận trong liên minh cầm quyền và các cơ quan chính phủ khác nhau. Tài liệu nêu rõ chính sách Trung Quốc của Đức bắt nguồn từ chính sách Trung Quốc của Liên minh châu Âu (EU) và Đức hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc về kinh tế và các lĩnh vực khác.

Theo Sina, Deutsche Welle