Khác với EU, Singapore có hướng tiếp cận hài hoà trong việc quản lý AI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong lúc Chính phủ nhiều nước đang xem xét xem liệu trí tuệ nhân tạo (AI) có gây ra mối đe dọa hay không và cần quản lý ra sao, thì Singapore lại áp dụng hướng tiếp cận chờ đợi và quan sát.

Singapore hiện chưa tìm cách siết chặt kiểm soát trí tuệ nhân tạo (Ảnh: CDO)
Singapore hiện chưa tìm cách siết chặt kiểm soát trí tuệ nhân tạo (Ảnh: CDO)

“Hiện tại chúng tôi không tìm cách kiểm soát AI”, Lee Wan Sie, giám đốc AI và dữ liệu đến từ Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm Singapore (IMDA), nói với CNBC. Được biết, IMDA chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực truyền thông và thông tin của Singapore.

Chính phủ Singapore hiện đang có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy sử dụng AI một cách có trách nhiệm. Họ kêu gọi các công ty hợp tác với bộ công cụ xét nghiệm AI đầu tiên trên thế giới – có tên gọi AI Verify – cho phép người dùng thực hiện các cuộc thử nghiệm đối với các mô hình AI và ghi lại tiến trình kiểm tra.

AI Verify được công bố như một dự án tiên phong vào năm 2022. Tập đoàn công nghệ IBM và Singapore Airlines đã bắt đầu thử nghiệm như một phần của chương trình này.

Những lời kêu gọi quản lý AI

Trong những tháng gần đây, cuộc chạy đua AI tiếp tục tăng tốc sau khi chatbot ChatGPT gây sốt nhờ khả năng đưa ra những câu trả lời không khác gì con người đối với những câu hỏi được đặt ra. Trong vòng chỉ 2 tháng kể từ khi ra mắt, chatbot này đã thu hút được hơn 100 triệu người dùng.

Tuy nhiên, trên toàn thế giới, đã có nhiều người kêu gọi Chính phủ can thiệp để giải quyết những quan ngại về AI.

Các lãnh đạo doanh nghiệp nghệ như CEO OpenAI Sam Altman và CEO Tesla Elon Musk cũng từng cảnh báo về sự nguy hiểm của công nghệ AI.

“Ở giai đoạn hiện tại, một điều khá rõ ràng là chúng tôi muốn học hỏi từ ngành công nghiệp này. Chúng tôi sẽ học về cách mà AI được sử dụng trước khi quyết định xem có cần phải làm gì xét từ góc độ pháp lý hay không”, ông Lee nói, thêm rằng các quy định có thể được đưa ra trong giai đoạn tiếp theo.

“Chúng tôi nhận ra rằng, là một Chính phủ, chúng tôi có thể không có được mọi câu trả lời cho vấn đề này. Bởi vậy điều quan trọng là chúng tôi phải hợp tác chặt chẽ với ngành, các tổ chức nghiên cứu và Chính phủ các nước khác”, ông Lee cho hay.

Haniyeh Mahmoudian, chuyên gia về đạo đức AI đến từ hãng DataRobot và là thành viên cố vấn của Hội đồng Cố vấn AI Quốc gia Mỹ, nói rằng hành động trên “thực sự mang lại lợi ích” cho cả doanh nghiệp lẫn các nhà hoạch định chính sách.

"Khi thảo luận về quy định, ta thường gặp khoảng cách giữa những gì nhà hoạch định chính sách nghĩ về AI và thực tế diễn ra trong doanh nghiệp", bà Mahmoudian nói. "Vì vậy, việc hợp tác để tạo ra các bộ công cụ như thế này mang lại lợi ích cho cả hai bên."

Google, Microsoft và IBM nằm trong số những “gã khổng lồ” công nghệ đã tham gia vào Tổ chức AI Verify – một cộng đồng mã nguồn mở toàn cầu được thiết lập để thảo luận về các tiêu chuẩn và phương pháp tốt nhất về AI, cũng như phối hợp trong việc quản lý AI.

“Chúng tôi, Microsoft, hoan nghênh sự dẫn dắt của Chính phủ Singapore trong lĩnh vực này”, Brad Smith, chủ tịch Microsoft, phát biểu trong một cuộc họp báo. “Bằng cách tạo ra các nguồn lực thực tiễn như công cụ và khung thử nghiệm quản trị AI, Singapore sẽ hỗ trợ các tổ chức xây dựng quy trình thử nghiệm và quản lý mạnh mẽ”.

vt_ai.png
Singapore được đánh giá là có cách tiếp cận AI hài hoà hơn các quốc gia khác.

Hướng tiếp cận phối hợp

Tại hội nghị thượng đỉnh Asia Tech x Singapore tổ chức trong tháng 6, Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Singapore Josephine Teo nhấn mạnh rằng, mặc dù Chính phủ nhận thức được những nguy cơ tiềm tàng của AI, nhưng không thể tự mình thúc đẩy việc sử dụng AI một cách có đạo đức.

“Khu vực tư nhân với chuyên môn của họ có thể tham gia một cách có ý nghĩa để đạt được những mục tiêu đó cùng với chúng tôi”, bà nói.

Mặc dù có “nhiều nỗi lo và quan ngại rất thực tế về sự phát triển của AI”, chúng tôi sẽ cần phải chủ động hướng AI đến những mục đích có lợi và tránh xa mục đích có hại, bà Teo cho hay. “Đây chính là điểm cốt lõi trong tư duy của Singapore về AI”.

Trong khi đó, một số quốc gia đã nhanh chóng siết chặt quản lý AI.

Liên minh châu Âu (EU) đã tiên phong đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu về trí tuệ nhân tạo thông qua Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo. Trong hôm thứ Tư tuần trước, các thành viên của Nghị viện châu Âu đã nhất trí thông qua biện pháp hạn chế đối với các công cụ AI tạo sinh như ChatGPT.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các Bộ trưởng của ông cũng cho rằng cần phải có các quy định quản lý AI. “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có một bộ quy định và tất cả các bên, kể cả các bên ở Mỹ, đều phải chấp nhận quy định đó”, ông Macron nói với CNBC trong tuần trước.

Trung Quốc cũng đã đưa ra một bộ quy định dự thảo, được thiết kế nhằm quản lý cách mà các công ty phát triển sản phẩm AI tạo sinh giống như ChatGPT.

Đổi mới trong một môi trường an toàn

Singapore có thể đóng vai trò là một "nhà quản lý" trong khu vực bằng cách tạo điều kiện cho sự đổi mới trong một môi trường an toàn, theo Stella Cramer, giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty luật quốc tế Clifford Chance.

“Đây là cách tiếp cận nhất quán mà chúng tôi nhận thấy được sự cởi mở và hợp tác. Singapore được xem như một khu vực an toàn để đến và thử nghiệm, triển khai công nghệ của bạn với sự hỗ trợ của các nhà quản lý trong một môi trường được kiểm soát”, Cramer nhận định.

Singapore đã khởi động một số dự án tiên phong như Cơ chế Quản lý Fintech thử nghiệm hay thử nghiệm healthtech dành cho các doanh nghiệp để họ thử nghiệm sản phẩm của mình trong một môi trường sống động trước khi tiến vào thị trường.

“Những khung làm việc có cấu trúc và bộ công cụ thử nghiệm này sẽ giúp định hướng các chính sách quản lý AI nhằm thúc đẩy AI an toàn và đáng tin cậy cho doanh nghiệp”, Cramer cho hay.

“AI Verify có thể hữu ích trong việc tuân thủ một số yêu cầu nhất định”, ông Lee nhấn mạnh. “Cuối cùng, với tư cách một nhà quản lý, nếu tôi muốn thực thi các quy định, tôi cần phải hiểu cách làm”.

Theo CNBC