Chiến tranh thương mại Nhật - Hàn: Âm thầm nhưng nguy hiểm

VietTimes -- Trong lúc cả thế giới đều tập trung vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, thì cuộc tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc - có nguồn cơn từ di sản của Thế chiến II - đang trỗi dậy và có nguy cơ làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ảnh hưởng tới bộ máy an ninh mà Mỹ dẫn đầu ở khu vực Đông Bắc Á.
Thương chiến Nhật-Hàn, ít được để tâm, đang ngấm ngầm tăng nhiệt (Ảnh: Getty)
Thương chiến Nhật-Hàn, ít được để tâm, đang ngấm ngầm tăng nhiệt (Ảnh: Getty)

Những vết thương trong chiến tranh vốn đã khép lại, nhưng đã bị mở ra trong tháng 10 năm ngoái, khi mà Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết cho phép công dân nước này kiện các công ty Nhật vì các tổn thất mà họ gánh chịu trong thời chiến. Để phản ứng, Nhật công bố quy định kiểm soát xuất khẩu đối với một số vật liệu bán dẫn sang Hàn Quốc.

Các luận điệu dân tộc chủ nghĩa từ cả hai phía từ đó dần tăng, trong đó làn sóng ở Hàn Quốc - từng bị Nhật đô hộ trong khoảng thời gian 1910-1945 - là đáng chú ý hơn cả. Tính đến nay đã có 2 trường hợp tự thiêu để phản đối các chiến lược thương mại mà Nhật áp dụng.

Trong bối cảnh đó, cả hai nước đều tung ra những đòn chí mạng trong thương mại. Nhật và Hàn đều loại bên còn lại khỏi cái gọi là "danh sách trắng" xuất khẩu, đặt ra các quy định quản lý ngặt nghèo gây khó cho hoạt động thương mại song phương.

Hai đồng minh châu Á quan trọng nhất của Mỹ thậm chí còn đưa ra các bước đi liên quan tới lĩnh vực an ninh. Tháng trước, Hàn Quốc đã đơn phương rút khỏi một thảo thuận chia sẻ thông tin tình báo Mỹ-Nhật, còn gọi là Thỏa thuận Đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA), càng khiến căng thẳng gia tăng.

Một cuộc khẩu chiến giữa hai nước bùng nổ trong những tuần sau đó, nhưng thương mại song phương được dự đoán chỉ bị ảnh hưởng ở mức hạn chế. Chính trị hiện là yếu tố chủ đạo trong cuộc tranh chấp này, mà trong đó Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đều phải cân nhắc về mối rủi ro địa chính, rủi ro đối với thị trường. Hai nhà lãnh đạo rõ ràng không nhận được lợi ích chính trị nếu họ nhượng bộ, tuy nhiên vẫn muốn tránh gây ra sự hủy diệt kinh tế lẫn nhau.

Seoul hiện đang náo động. Làn sóng chống Nhật - di sản từ 35 năm bị đô hộ trong thời chiến - trở nên sôi sục hơn bao giờ hết. Tổng thống Moon bất ngờ bị đẩy vào vị trí mà ông không mong muốn: Mắc kẹt giữa một bên là chủ nghĩa dân tộc khó kiểm soát và một bên là nền kinh tế đang hứng chịu tổn thất.

Tổng thống Nhật Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon đều bị đẩy vào thế khó, không thể nhượng bộ (Ảnh: Business Insider)
Tổng thống Nhật Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon đều bị đẩy vào thế khó, không thể nhượng bộ (Ảnh: Business Insider)

Phe cánh tả ở Hàn Quốc, những người ủng hộ Tổng thống Moon, muốn ra biện pháp trả đũa cứng rắn với Nhật. Ngược lại, phe đối lập lại chỉ trích phản ứng "cảm xúc" công khai của Seoul. Trong bối cảnh như vậy, ông Moon buộc phải ra quyết định rút khỏi GSOMIA, nhưng đó là một bước đi khéo léo. Bằng nước đi đó, ông Moon vừa làm hài lòng những người ủng hộ mình đồng thời tránh làm tăng căng thẳng trên mặt trận kinh tế. Thêm nữa, quyết định đó cũng gây sức ép để Mỹ đứng ra hòa giải tranh chấp giữa hai nước đồng minh.

Đối với Thủ tướng Abe, ông cũng ở vị trí không thể nhượng bộ. Phía Hàn Quốc dường như đang gánh chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ tranh chấp này, trong khi cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng chưa lên tiếng. Tuy nhiên, ông Abe - mượn kế của Tổng thống Mỹ Donald Trump - có thể sẽ làm dịu căng thẳng trước khi đưa ra luận điệu cứng rắn hơn vào trước thời điểm tăng thuế trong tháng 10, nhằm tăng sự ủng hộ của dư luận trong nước.

Ông Abe đã tính toán thời điểm để tranh chấp với Hàn Quốc bùng phát trùng thời điểm bầu cử Thượng viện Nhật, và điều này giúp đảng của ông giành được thế đa số, dù là mỏng manh. Nhưng nhìn chung, ông Abe muốn tránh khỏi cuộc xung đột này bởi không hề muốn xảy ra tranh chấp với đối tác thương mại lớn thứ 3 của Nhật - ảnh hưởng tới đà tăng trưởng vốn đang chậm lại của họ.

Căng thẳng tăng nhiệt còn tiềm ẩn rủi ro tạo nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng mặt hàng điện tử trên toàn cầu. Nhật Bản kiểm soát tới 80% nguồn cung ứng các vật liệu bán dẫn. Về phần mình, Hàn Quốc sản xuất tới 70% chip bộ nhớ của toàn thế giới và 90% màn hình OLED - bộ phận quan trọng của màn hình máy tính và TV.

Bởi vậy, một khi mà căng thẳng thương mại và kinh tế tăng nhiệt, hàng loạt công ty từ Apple cho tới Amazon đều sẽ đối mặt với rủi ro gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Ví dụ, một lệnh cấm xuất khẩu toàn bộ các thiết bị bán dẫn có thể đẩy giá cả tăng tới 50%. Các thiết bị như smartphone, máy tính bảng, laptop hay routers đều bị ảnh hưởng.

Làn sóng tẩy chay hàng Nhật ở Hàn Quốc trỗi dậy mạnh mẽ (Ảnh: Getty)
Làn sóng tẩy chay hàng Nhật ở Hàn Quốc trỗi dậy mạnh mẽ (Ảnh: Getty)

Tuy nhiên, viễn cảnh đó khó có thể xảy ra trong bối cảnh hai nước thực chất đều không muốn tung đòn tấn công toàn lực nhằm vào nhau. Hiện nay, các lệnh kiểm soát mà Tokyo áp dụng đơn thuần là mang tính chất quản lý. Tokyo vẫn phê duyệt các mặt hàng xuất khẩu quan trọng sang Hàn Quốc, nếu như tiến trình xin và cấp phép được tuân thủ. Samsung và SK Hynix - 2 đế chế tỷ USD của Hàn Quốc - đều đủ khả năng để tuân thủ các quy định mới mà Nhật áp dụng. Thêm vào đó, các nhà sản xuất chip bộ nhớ Hàn Quốc cũng có nguồn vật liệu dự trữ trong kho đủ dùng trong 1-2 tháng để chuẩn bị cho sự thay đổi này.

Ngay cả khi các quy trình cấp phép rườm rà kéo dài trên 1 tháng, hậu quả mà nó gây ra đối với sản lượng bán dẫn cũng rất nhỏ. Xét trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu chip bộ nhớ khá thấp, giúp cho lượng chip dự trữ trong kho tăng cao. Thực tế thì ngành công nghiệp này hoàn toàn có thể chấp nhận được một cú sốc nguồn cung nhỏ, bởi trong trường hợp đó các công ty sẽ phải xả nguồn hàng dự trữ để tạo sự bình ổn cho giá chip bộ nhớ.

Việc hai nước tăng nhiệt căng thẳng thương mại bằng cách loại nhau khỏi "danh sách trắng" sẽ kéo tụt các chỉ số xuất khẩu của hai nước trong tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên, các chỉ số trong thương mại song phương trong tháng 9 lại có khả năng tăng, do các công ty hai nước tăng cường nhập khẩu trước khi hứng chịu ảnh hưởng từ các quy định quản lý mới.

Việc loại một nước khỏi "danh sách trắng" đồng nghĩa với việc các hãng nhập khẩu của nước này phải trải qua một quy trình kéo dài hơn khi muốn nhập các sản phẩm "chiến lược", như các nguyên liệu và một số linh kiện xe hơi. Đây là một rào cản hành chính, chứ không phải một lệnh cấm hay đòn thuế trực diện. Hàn Quốc từng là quốc gia châu Á duy nhất nằm trong danh sách trắng của Nhật. Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore - hai nền kinh tế định hướng xuất khẩu và công nghệ - đều không hứng chịu ảnh hưởng từ các quy định mới này.

Xét về ngắn hạn, rủi ro từ cuộc chiến thương mại ít ai để ý tới này là không có. Các chính trị gia đều chỉ đang tận dụng làn sóng dân tộc chủ nghĩa trong nước vì mục đích tranh thủ lá phiếu, trong khi rất thực dụng trong lĩnh vực thương mại. Một giải pháp vĩnh cửu giải quyết tranh chấp sẽ chỉ xuất hiện trong một cuộc gặp song phương giữa ông Moon và ông Abe. Và cơ hội đó phải ít nhất là 4 tháng sau mới xuất hiện.

Và trong khoảng thời gian chờ đợi, cuộc khẩu chiến giữa hai bên sẽ tiếp tục reo rắc nỗi quan ngại trên các thị trường, giới đầu tư cần phải phớt lờ những cuộc cãi vã đó để tập trung vào các biện pháp kinh tế mà hai bên tung ra - hiện vẫn ở mức độ nhỏ và nhẹ.

Nhưng nếu nhìn rộng ra, tranh chấp thương mại Nhật-Hàn tiềm ẩn mối nguy thực sự. Sự suy giảm đáng kể sự hiện diện của Mỹ ở châu Á cùng uy thế của các đảng chính trị mang tư tưởng xét lại ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản có thể khiến cuộc tranh chấp giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á kéo dài.

Theo Business Insider