Chiến thuật tàu bầy đàn của Mỹ có thắng nổi Trung Quốc?

 Hải quân Mỹ năm 2014 giới thiệu chiến thuật bố trí các tàu bầy đàn cỡ nhỏ (tàu robot) bảo vệ các tàu chiến lớn, nhưng các tàu này sẽ không địch lại tàu tấn công “bầy đàn” 2 thân mang tên lửa diệt hạm của Trung Quốc.
Tàu không người lái của Hải quân Mỹ, phục vụ chiến thuật bảo vệ kiểu bầy đàn cho các tàu lớn - Ảnh: Hải quân Mỹ
Tàu không người lái của Hải quân Mỹ, phục vụ chiến thuật bảo vệ kiểu bầy đàn cho các tàu lớn - Ảnh: Hải quân Mỹ

Một bài viết đăng trên The Huffington Post ngày 1.3 của tác giả Peter Navarro nhận định rằng các tàu tên lửa 2 thân tốc độ cao của Trung Quốc sẽ là mối đe dọa với các tàu chiến Mỹ, nhất là các đội tàu sân bay nếu có xung đột xảy ra ở eo biển Đài Loan hay Biển Đông.

Tác giả cho biết vào năm 2014 Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Mỹ (ONR) giới thiệu 1 clip về chiến thuật bầy đàn bào vệ các tàu chiến lớn, đó là sử dụng các tàu cao tốc cỡ nhỏ loại không người lái làm thành một lớp rào chắn bảo vệ tàu lớn. Các tàu này có trang bị các cảm biến và vũ khí hạng nhẹ, thậm chí dùng cả tàu cũ được cải tiến vì ngân sách hạn hẹp.

Các phần mềm điều khiển mà ONR khoe cài đặt trên các tàu bầy đàn bảo vệ này là phát triển từ phần mềm mà NASA dùng cho xe tự hành trên sao Hỏa.

Tuy nhiên bài báo trên Huffington Post đặt câu hỏi rằng một đội tàu sân bay hoạt động ở eo biển Đài Loan hay 1 khu trục hạm hoạt động tuần tra ở Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải thì đối phó thế nào với các tàu tấn công bầy đàn cỡ tàu tên lửa 2 thân tốc độ cao lớp Type 022 Houbei mang tên lửa diệt hạm của Trung Quốc? Tàu chiến Mỹ có đủ tàu bầy đàn không người lái đối đầu được với tàu bầy đàn Houbei (có người điều khiển) to lớn và hỏa lực mạnh hơn?

Chiến thuật tàu bầy đàn của Mỹ có thắng nổi Trung Quốc? ảnh 1

Chiến thuật tàu bầy đàn của Mỹ có thắng nổi Trung Quốc? ảnh 2

Tàu 2 thân tốc độ cao mang tên lửa lớp Type 022 Houbei của Trung Quốc - Ảnh: wikipedia

Tác giả dẫn nhận định của giáo sư Toshi Yoshihara (Trường Chiến tranh hải quân Mỹ) cho biết tàu hai thân tốc độ cao mang tên lửa lớp Type 022 Houbei của Trung Quốc là loại tàu chiến cỡ nhỏ nhưng cơ động, kiểu dáng góc cạnh để gần như tàng hình trước radar đối phương, và được thiết kế để thực hiện chiến thuật tấn công bầy đàn. Các tàu này mang tên lửa diệt hạm tầm xa, và thường tháp tùng các tàu chiến lớn.

Theo giáo sư Yoshihara, các tàu tấn công 2 thân này sẽ nhanh chóng rời cảng và sử dụng lợi thế tàng hình tiến hành tấn công các đội tàu sân bay của Mỹ nếu xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan. Khi đó các tàu bảo vệ bầy đàn của Mỹ sẽ bị các tàu này xóa sổ hoặc đơn giản bỏ qua vì các tàu bầy đàn của Mỹ vừa nhỏ, vừa chậm, hỏa lực yếu, không được bọc giáp chắc chắn như tàu chiến loại Type 022 Houbei.

Chiến thuật tàu bầy đàn của Mỹ có thắng nổi Trung Quốc? ảnh 3

Tàu không người lái dùng bảo vệ kiểu "bầy đàn" của Mỹ

Chiến thuật tàu bầy đàn của Mỹ có thắng nổi Trung Quốc? ảnh 4

Chiến thuật tàu bầy đàn của Mỹ có thắng nổi Trung Quốc? ảnh 5

Các tàu bảo vệ bầy đàn của hải quân Mỹ khó lòng đọ nổi tàu tấn công bầy đàn mang tên lửa diệt hạm lớp Type 022 Houbei của Trung Quốc

Tác giả bài báo nhận xét rằng Hải quân Mỹ đưa clip tuyên truyền chiến thuật tàu bầy đàn bảo vệ theo công nghệ mới, nhưng biện pháp đối phó của Trung Quốc chỉ đơn giản là đóng các tàu bầy đàn mới hơn, mạnh hơn, nhanh hơn. Trong khi đó tàu bảo vệ kiểu bầy đàn của Mỹ như trong video thậm chí còn phải xài loại có từ thời chiến tranh Việt Nam. Và đó là vấn đề nan giải của Hải quân Mỹ trong tình thế ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.

Clip so sánh tàu bầy đàn của Mỹ và tàu 2 thân mang tên lửa diệt hạm của Trung Quốc:

Theo Thanh Niên