Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cau có mô tả binh sĩ, tàu chiến và máy bay Trung Quốc chiếm đóng trái phép đảo Tri Tôn “lập tức nhận dạng tàu Mỹ, phát tín hiệu cảnh cáo và trục xuất nó nhanh chóng”.
Tuyên bố hùng hổ này hoàn toàn trái ngược với thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra là không có tàu quân sự nào của Trung Quốc ló mặt khi tàu USS Curtis Wilbur di chuyển trong vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ trích chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ “không chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm, ảnh hưởng đến sự an toàn của binh sĩ cả hai nước, có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, vi phạm luật pháp Trung Quốc, phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự vùng biển, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”.
Người phát ngôn này còn hung hăng đe dọa rằng lực lượng vũ trang Trung Quốc “sẽ làm tất cả để bảo vệ chủ quyền và an ninh Trung Quốc, bất chấp việc phía Mỹ có hành vi khiêu khích gì đi nữa”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng ngang nhiên nói tàu Mỹ “đi vào vùng lãnh hải Trung Quốc” và lực lượng Trung Quốc đã phát tín hiệu cảnh cáo.
Đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis khẳng định chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải này nhằm phản đối đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington hôm 28-1, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, tuyên bố hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều chiến dịch tuần ra bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông.
AFR dẫn lời bà Payne ngày 31/1 tuyên bố: "Việc công nhận tất cả các nước có quyền thực hiện tự do hàng hải và hàng không theo luật quốc tế là điều quan trọng, gồm cả ở Biển Đông. Australia ủng hộ mạnh mẽ những quyền này".
Tàu chiến USS Curtis Wilbur (DDG 54) của Mỹ hôm 29/1 đã đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Mỹ tuyên bố động thái này nhằm thách thức những hạn chế về quyền và tự do hàng hải của Mỹ cũng như các nước khác trên Biển Đông.
Bà Payne khẳng định các tàu và máy bay của Australia sẽ tiếp tục thực hiện quyền của mình, tuân theo luật quốc tế ở các khu vực, trong đó có Biển Đông. Điều này Australia đã thực hiện trong nhiều thập kỷ.
Bộ trưởng Quốc phòng Payne nhấn mạnh Australia có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thực hiện tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Gần 60% hàng xuất khẩu của Canberra đi qua khu vực này.
Giữa tháng 12 năm ngoái, Australia đã điều máy bay do thám P-3 Orion đến tuần tra ở Trường Sa, tuyên bố đây là hoạt động định kỳ trong nỗ lực duy trì an ninh và ổn định khu vực.
Trung Quốc gần đây tăng cường cải tạo và xây dựng trái phép các cơ sở hạ tầng ở cả Trường Sa và Hoàng Sa, khiến các nước lo ngại. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không tranh cãi ở hai quần đảo và đề nghị Trung Quốc dừng các hoạt động này.
Theo VnE/Tuổi trẻ