Chế phẩm xua đuổi và phòng trừ côn trùng từ cây cỏ Việt Nam được cấp bằng sáng chế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chế phẩm mới có nguồn gốc thảo mộc, có tác dụng phòng trừ và xua đuổi các loài côn trùng, đặc biệt là muỗi Aedes aegypti - tác nhân lan truyền các bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt vàng da, vius Zika gây dị tật đầu nhỏ ...

Bằng độc quyền sáng chế số 36318 “Chế phẩm xua đuổi và phòng trừ côn trùng" được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho TS. Lưu Đàm Ngọc Anh - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Sáng chế đề xuất chế phẩm mới có nguồn gốc thảo mộc, có tác dụng phòng trừ và xua đuổi các loài côn trùng, đặc biệt là muỗi Aedes aegypti là tác nhân trung gian lan truyền các bệnh nguy hiểm cho con người và động vật như sốt xuất huyết Dengue, sốt vàng da, vius Zika gây dị tật đầu nhỏ của thai nhi v.v...

Ngoài ra, chế phẩm còn có tác dụng phòng trừ và xua đuổi các loài mối gây hại cho công trình xây dựng, kho lưu trữ tài liệu, thư viện; các loài kiến, các côn trùng ký sinh trên da vật nuôi.

Theo sáng chế của TS. Lưu Đàm Ngọc Anh, chế phẩm được điều chế từ hỗn hợp với tỷ lệ nhất định của một số tinh dầu của các loài cây hiện có ở Việt Nam, gồm tinh dầu các loài Giổi chanh (Magnolia citrata), Tràm gió (Melaleuca cajuputi), Bạc hà á (Mentha arvensis), Sả chanh (Cymbopogon citratus), hỗn hợp có chứa các thành phần chính như: linalool, sabinene, citronelal, neral, geranial, citral đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có khả năng xua đuổi côn trùng. Việc phát hiện các hợp chất này có trong cây Giổi chanh (Magnolia citrata) chưa từng được đề cập trong các giải pháp đã biết.

20231018DH002_3DCEBE3F40359EC642A07FB62C3C30703CF6958E.jpg
Chế phẩm xua đuổi và phòng trừ côn trùng theo sáng chế được điều chế từ tinh dầu thảo dược có sẵn ở Việt Nam

Chế phẩm có phổ tác dụng rộng, ngoài việc phòng trừ và xua đuổi côn trùng gây bệnh như muỗi truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da, bệnh do virus Zika; bọ chét truyền bệnh dịch hạch,…; chế phẩm còn sử dụng hiệu quả phòng trừ các ký sinh trùng trên da của vật nuôi, bảo vệ các kho lưu trữ tài liệu, thư viện trước sự phá hại của tác nhân sinh học (mối, kiến),…

Hơn nữa, chế phẩm có nguồn gốc từ thảo dược nên an toàn cho con người đặc biệt là trẻ em; thay thế cho các sản phẩm tương tự có nguồn gốc hóa học ảnh hưởng tới sức khỏe con người và các loài vật nuôi.

Chế phẩm theo sáng chế là minh chứng cho việc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên hiện có của Việt Nam để sản xuất chế phẩm sinh học có tác dụng xua đuổi và phòng trừ côn trùng trong khi nhiều chế phẩm sinh học hiện nay vẫn đang phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Côn trùng là lớp chiếm số lượng lớn nhất trong giới động vật, chiếm gần 80% các loài động vật trên trái đất, trong đó 10.000 loài được coi có hại hoặc gây nguy hiểm cho con người. Chúng thường gây nguy hiểm với 2 nhóm chính: trong y tế là các vectơ truyền bệnh cho người và động vật; trong nông nghiệp: chúng phá hoại mùa màng (50% nguyên nhân gây mất mùa lúa là do côn trùng, gây thất thu 1/3 vụ ngô, và gần 1/5 mùa lúa mỳ) (theo Riba và Silvy, 1989).

Các loài côn trùng gây hại phổ biến quanh con người có thể kể đến như ruồi, muỗi, kiến, gián, mối… Chúng không những gây nhiều phiền toái cho cuộc sống con người khi chúng xuất hiện với số lượng lớn, mà còn là tác nhân trung gian lan truyền các mầm bệnh nguy hiểm cho con người và động vật…

Trong số đó, muỗi là tác nhân nguy hiểm nhất, chúng là tác nhân lan truyền nguồn bệnh để gây ra các dịch bệnh lớn trên thế giới và Việt Nam (sốt rét, sốt xuất huyết,…). Do vậy, từ lâu trên thế giới đã hình thành và phát triển hướng nghiên cứu nhằm tìm kiếm các chất (cả tự nhiên và tổng hợp) nhằm tiêu diệt hoặc xua đuổi côn trùng.

Trên thế giới các công trình nghiên cứu chủ yếu tập trung tìm kiếm các hoạt chất có khả năng diệt ấu trùng các loài muỗi truyền bệnh (bọ gậy trong môi trường nước), trong khi các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên có khả năng phòng trừ và xua đuổi côn trùng trưởng thành, đặc biệt là các hợp chất không độc với người, có phổ tác dụng rộng với nhiều loài côn trùng, lại chưa được nghiên cứu nhiều.

So với nhiều loại sản phẩm có chức năng tương tự được nhập khẩu từ nước ngoài, chế phẩm này được đánh giá cao vì sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của Việt Nam và thân thiện với môi trường.

Vì thế, sáng chế của TS. Lưu Đàm Ngọc Anh đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam, khi sẽ góp phần phòng ngừa các bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da, dịch hạch, zika vv....

(Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)