Một năm trước, tại thủ phủ điện gió Ninh Thuận, Tổng Giám đốc Trungnam Group Nguyễn Tâm Tiến phát động một cuộc chiến dịch, mà đến nay vẫn được xem như kinh điển trong ngành điện.
Đó là chiến dịch thi đua 102 ngày đêm để hoàn thành dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450MW kết hợp trạm biến áp 220/500kV và đường dây 500kV, 220kV (Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam) tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam.
Nhấn mạnh rằng, đây không phải dự án điện mặt trời đầu tiên mà tập đoàn của anh em ông Nguyễn Tâm Thịnh - Nguyễn Tâm Tiến đầu tư. Trước nó, họ đã hoàn thành và đưa vào khai thác 03 nhà máy năng lượng tái tạo, với tổng công suất 450MW.
Nhưng Trung Nam – Thuận Nam 450MW là một dự án đặc biệt, mang theo một sứ mệnh lịch sử. Không chỉ là dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, nó còn ghi dấu với tư cách dự án đầu tiên lịch sử ngành năng lượng Việt Nam được tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải. Trung Nam - Thuận Nam 450MW, vì vậy, là dự án mà "quan trên trông xuống, người ta trông vào".
"Noi gương tinh thần Điện Biên Phủ" - chính xác là backdrop hôm ấy đã in dòng chữ này. Trong đó 3 từ "Điện Biên Phủ" được nhấn to nhất, rõ nhất, ấn tượng nhất.
"Dự án này không có đường lùi" - CEO Trungnam Group nhớ lại. Ông nói với chất giọng Quảng Nam đầy tự hào: "Bằng bản lĩnh Việt, khát vọng Việt, chúng tôi đã làm làm được".
Với tinh thần Điện Biên Phủ, Trungnam Group và 22 nhà thầu đã vượt qua giới hạn của chính mình, sau hơn 100 ngày nỗ lực với hơn 100% khả năng, làm ngày làm đêm, làm 24/7, dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á kết hợp trạm biến áp 500kV cùng đường dây truyền tải điện 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư cuối cùng đã về đích đúng hẹn.
Siêu dự án cũng đưa Trungnam Group lên tầm cao mới. Không chỉ số 1 Việt Nam mà còn vươn tầm khu vực. Nhiều người bắt đầu gọi anh em ông Tiến là ông "trùm năng lượng".
Tuy vậy, trao đổi với VietTimes, CEO Nguyễn Tâm Tiến khẳng định Trungnam Group không bao giờ đặt mục tiêu trở thành ‘ông trùm’ hay người đứng đầu, vì danh hiệu chỉ là nhất thời, có thì dễ mà giữ thì rất khó.
“Tổng công suất các nhà máy điện của Trungnam Group trong khu vực Đông Nam Á đúng là khá lớn, nhưng nó chỉ mang tính chất thời điểm. Mục tiêu của Trungnam Group chỉ là năm sau làm tốt hơn năm trước, nỗ lực mỗi ngày, có cơ hội thì sẽ làm” – vị CEO từ tốn.
Nhà đồng sáng lập Trungnam Group cũng nhiều lần nhắc đến EVN trong cuộc trò chuyện. Là người trong ngành, ông hiểu, cảm thông và cũng biết ơn tập đoàn điện lực quốc gia. “Phải thông cảm cho EVN hơn là trách móc họ. Nếu nền kinh tế tăng trưởng 10%, thì hạ tầng điện phải đi trước, phát triển cỡ 15%. Nhưng việc phát triển như thế nào, chia sẻ từ các nguồn nào thì phải tính toán thật kỹ lưỡng, bởi chỉ cần sai chệch một chút là sẽ phải trả giá”.
PV: Vì sao Trungnam Group quyết định đầu tư vào năng lượng tái tạo kể cả khi lĩnh vực này chưa có cơ chế về giá, các doanh nghiệp khác cũng chưa dành nhiều sự quan tâm? Kế hoạch phát triển trong thời gian tới của tập đoàn ra sao?
Ông Nguyễn Tâm Tiến: Khi Trungnam Group chọn hướng đi, vấn đề không phải là khó hay dễ, mà là lựa chọn những cái thị trường cần. Ở đâu có cơ hội, Trungnam Group sẽ đầu tư. Nơi nào có lợi nhuận, có tiềm năng phát triển, Trungnam Group sẽ tìm tới. Không doanh nghiệp nào từ chối cơ hội để làm ăn nhưng càng có lợi nhuận cao thì sẽ có càng nhiều rủi ro.
Năng lượng là một lĩnh vực khó, vì đòi hỏi nguồn vốn lớn và kỹ thuật, nhưng ở góc độ nào đó, sản phẩm của doanh nghiệp Việt tạo ra sẽ có cơ hội cạnh tranh với nước ngoài, vì điện nào cũng như nhau. Nếu làm sản xuất, câu chuyện cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn rất nhiều.
Nhưng nếu không đầu tư sớm, đến một thời điểm nào đó, khi nhu cầu về điện và khả năng cung cấp cân bằng, các nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà như trước nữa, lĩnh vực này cũng sẽ đến lúc bão hoà.
Trungnam Group cũng nhắm tới các sản phẩm tiêu dùng. Trong vài năm tới, khi thu nhập bình quân đầu người lên tới 20.000 USD thì người dân sẽ chuyển qua các xu hướng dịch vụ, giải trí. Trungnam Group làm bất động sản du lịch cũng là để đón đầu xu hướng này.
Khi nói về sản xuất bo mạch điện tử, một só người cho rằng Trungnam Group sẽ làm những sản phẩm cao cấp ghê lắm. Những trước mắt, chúng tôi sẽ giống như những người may đo áo vest, làm các công đoạn lắp ráp, giải quyết nhu cầu lao động trong nước. Trong vòng 10 – 20 năm tới, Trungnam Group mới tính đến chuyện R&D, nghiên cứu tạo ra một sản phẩm riêng.
Vì sao Trungnam Group lại chuyển nhượng cổ phần nhà máy điện tái tạo cho nhà đầu tư nước ngoài?
Việc chuyển nhượng cổ phần được Nhà nước cho phép và pháp luật cũng không cấm, đó cũng là cách thức giúp Trungnam Group khoẻ hơn.
Ví dụ như mua xe du lịch, nếu làm ăn tốt, mà cứ giữ xe đó tự dùng cho mình, thì không phát triển thêm được, cũng chỉ chở được chừng đó. Nhưng nếu tìm một đối tác, bán 30 – 35% cổ phần, rồi dùng tiền đó vay thêm để mua thêm chiếc xe nữa thì sẽ có hai chiếc xe để chở khách. Đó là cách thức mà thế giới đã làm từ lâu, cả trăm năm nay.
Lĩnh vực năng lượng cũng vậy, nếu bán cổ phần thì có thêm tiền làm dự án, không bán thì không thể đẩy mạnh dòng tiền và chứng minh cho ngân hàng thấy rằng mình cũng có khả năng phát triển. Thành ra, việc bán và chuyển nhượng cổ phần sẽ giúp mình mạnh dần lên, có nhiều dòng tiền tốt để phát triển các dự án khác.
Song Trungnam Group cũng tự đặt ra nguyên tắc, chúng tôi sẽ không bao giờ bán cổ phần chi phối (trên 51%) cho các nhà đầu tư nước ngoài, hoặc những đối tác có nguồn vốn không rõ ràng. Trungnam Group muốn điều hành, kiểm soát tất cả những nhà máy của mình.
Đường dây truyền tải điện 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư đang thắp sáng nhiều thành thị và vùng nông thôn |
Việc hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài đem lại lợi ích gì?
Trungnam Group muốn bán cổ phần cho ai mà mình có thể quay trở lại học hỏi từ họ.
Tập đoàn từng thực hiện lắp 45 trụ lớn trên độ cao 120m, nâng những cấu kiện hàng trăm tấn mà không tai nạn gì. Đúng là kỳ tích. Cũng không phải là tự hào, mà nhờ các chuyên gia nước ngoài, không an toàn là họ lắc đầu ngay.
Họ chẳng có thắp hương hay cũng heo quay gì, chỉ là họ rất kỹ thôi. Tôi cũng nói nhân viên không phải cúng kiếng gì nhiều, chỉ cần xách cặp học mấy ông Tây ấy.
Hitachi nhận chuyển nhượng 35,1% cổ phần nhà máy điện gió Trung Nam, sắp tới, nhà đầu tư này có đầu tư thêm vào các dự án khác của tập đoàn nữa hay không?
Hitachi đang muốn đồng hành cùng Trungnam Group tại một số dự án khác, tuy nhiên, điều kiện họ đưa ra là các dự án phải là của Đức.
Tới thời điểm này, ngoài Hitachi, Trungnam Group chưa tìm được đối tác nào để có thể ‘chốt deal’. Nếu ‘deal’ tốt thì Trungnam Group sẽ tính đến chuyện bán, để dành tiền phát triển các dự án mới./.