ACIT mua 49% cổ phần nhà máy điện mặt trời 204 MW của Trungnam Group

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhà máy điện mặt trời Trung Nam có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, công suất 204 MW và sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm.
Trụ sở làm việc mới của ACIT tại số 25 Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội (Nguồn: ACIT)
Trụ sở làm việc mới của ACIT tại số 25 Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội (Nguồn: ACIT)

Ngày 17/4/2021, CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) đã hoàn tất thương vụ mua 49% cổ phần Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Nhà máy này được khởi công vào tháng 7/2018 với vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng. Sau gần 12 tháng thi công, nhà máy đi vào hoạt động, được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm. Nhà máy có công suất 204 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm.

Sau khi hoàn tất chuyển nhượng 49% cổ phần, chức vụ Giám đốc của CTCP Điện mặt trời Trung Nam (TN Solar Power) - chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Trung Nam 204 MW - cũng được chuyển giao cho ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó tổng giám đốc ACIT. Trong khi đó, vị trí Chủ tịch HĐQT vẫn do ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Trungnam Group - đảm nhiệm.

ACIT cho biết, từ ngày 1/1/2021, ACIT đã có đầy đủ quyền và nghĩa vụ liên quan đến số cổ phần trên. Hiện Trungnam Group vẫn giữ cổ phần đa số tại nhà máy điện mặt trời này.

Ngày 9/4 mới đây, ACIT đã thế chấp toàn bộ 49 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn điều lệ TN Solar Power tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) - chi nhánh Sài Gòn.

Năm 2019, TN Solar Power ghi nhận doanh thu đạt hơn 500 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 131 tỉ đồng.

Như VietTimes từng đề cập, ACIT chính là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ thiết bị công nghệ cho dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500 kV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW của Trungnam Group. Dự án này được khởi công vào tháng 5/2020 với quy mô 557 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, ACIT cũng cung cấp thiết bị điện cho một số công trình dự án lớn như: Nhà máy ô tô Vinfast, Nhà máy Samsung Bắc Ninh, Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, Tòa nhà Quốc Hội, trụ sở Bộ Ngoại giao, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai, …

Ngoài ra, ACIT còn là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn (công suất hơn 25 MW) tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận với quy mô 29 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng. Nhà máy chính thức vận hành thương mại (COD) vào ngày 5/8/2020.

Không chỉ các đơn vị tư nhân, nên biết rằng, ACIT cũng là nhà thầu/nhà cung cấp quen mặt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các thành viên trực thuộc.

Gần nhất, ngày 12/3/2021, ACIT đã trúng “Gói thầu: Mua tủ máy cắt 24kV 2500A - 25kA/3s xử lý sự cố MC 432” của Công ty Điện lực Bắc Ninh với giá trúng thầu 529,4 triệu đồng (giá gói thầu 545,8 triệu đồng).

Trước đó, ngày 25/06/2020, ACIT cũng ký Hợp đồng số 64/HĐ-EVNHANOI với Tổng công ty Điện Lực thành phố Hà Nội để thực hiện gói thầu: “Gói thầu 7.2: Cung cấp thiết bị đóng cắt, bảo vệ” các dự án cải tạo, phát triển lưới điện trung hạ áp khu vực Hà Nội, thuộc chương trình: “Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3-DPL3”.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, ACIT liên tục ghi nhận doanh thu thuần trên mức nghìn tỉ đồng, song lợi nhuận thu về lại rất hạn chế. Thậm chí, năm 2019, công ty này báo lỗ sau thuế gần 22,7 tỉ đồng, trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng 26% lên đạt 2.601 tỉ đồng. Năm 2020, doanh thu của công ty đạt hơn 5.000 tỉ đồng.

Ngày 25/1/2021, ACIT tăng mạnh vốn điều lệ từ 526 tỉ đồng lên mức 2.026 tỉ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc hiện nay là ông Phạm Đình Thắng (SN 1981)./.