Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, tổ hợp dự án Cà Ná do Hoa Sen (Mã CK: HSG) làm chủ đầu tư, song tập đoàn này không được phê duyệt xây dựng nhà máy thép nên từ bỏ dự án này.
“Trungnam được sự giới thiệu của tỉnh, chấp nhận mua lại dự án. Trungnam muốn mua luôn cả quỹ đất xung quanh để phát triển khu công nghiệp, làm sản xuất bo mạch điện tử tại đó” – CEO Trungnam Group chia sẻ.
Trước đó, vào ngày 27/7/2020, HSG chính thực công bố chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận và Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Hai doanh nghiệp này là chủ đầu tư của các dự án Cảng biển Tổng hợp Cà Ná và Đầu tư Khu công nghiệp Cà Ná. HSG cho biết giá trị chuyển nhượng không thấp hơn chi phí thực tế mà tập đoàn đã góp vốn vào các dự án tính đến thời điểm chuyển nhượng.
Liên quan tới việc sản xuất bo mạch điện tử, CEO Nguyễn Tâm Tiến cho biết tập đoàn sẽ tập trung vào gia công, không đi vào sản xuất thương hiệu riêng như điện thoại thông minh và TV vì rất khó cạnh tranh. Tập đoàn dự kiến sẽ xây dựng 5 nhà máy để sản xuất bo mạch điện tử.
Về lĩnh vực bất động sản, ông Tiến khẳng định lĩnh vực này dù có tỉ suất lợi nhuận cao, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tập đoàn không phụ thuộc vào mảng bất động sản để tạo dòng tiền cho các hoạt động khác.
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, CEO Trungnam Group cho biết Trung Nam vẫn muốn điều hành hết các nhà máy điện của mình, nếu bán trên 51%, sẽ mất đi quyền kiểm soát của tập đoàn. Song, ông Tiến cũng thừa nhận việc hợp tác với các đối tác ngoại sẽ giúp tập đoàn này nâng cao năng lực quản trị, vận hành dự án.
Theo vị CEO Trungnam Group, tổng dư nợ của tập đoàn hiện khoảng 33.000 tỉ đồng, trên tổng tài sản 77.000 tỉ đồng./.