Từ ngày 4 đến 7/10/2017, Quốc vương Saudi Arabia Salman đã có chuyến thăm lịch sử tới Nga và đạt được nhiều kết quả quan trọng, không chỉ tạo ra bước phát triển đột phá trong quan hệ Nga-Arabia Saudi mà còn góp phần tạo ra cục diện mới tích cực ở Trung Đông.
Sự kiện ngoài sức tưởng tượng của cả thế giới
Liên Xô là quốc gia đầu tiên công nhận nhà nước Arabia Saudi độc lập dưới thời trị vì của Quốc vương Abdulaziz và thiết lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Hejaz và Nejd (tên gọi của Saudi Arabia trước năm 1932) vào năm 1926. Tuy nhiên, khi Matxcơva xử tử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Liên Xô tại Riyadh, ông Karim Khakimov-người bạn thân thiết của Quốc vương Saudi, vào năm 1938, thì quan hệ song phương bắt đầu rạn nứt.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, quan hệ giữa Arabia Saudi và Liên Xô mang tính đối đầu, trong đó Saudi Arabia đứng đằng sau hậu thuẫn mạng lưới khủng bố Al-Qaeda chống lại lực lượng của Quân đội Liên Xô làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng ở Afghanistan cuối những năm 1970 đầu những năm 1980. Arabia Saudi còn là đồng minh chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh giá dầu để phá hoại nền kinh tế Liên Xô trong những năm 80 trong thế kỷ XX.
Quan hệ giữa Arabia Saudi với Liên bang Nga được tái lập và bình thường hóa vào năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, quan hệ giữa Arabia Saudi với Nga trở nên cực kỳ căng thẳng do bất đồng trong cách tiếp cận đối với các chiến động chính trị mang tên “Mùa xuân Arab”, đặc biệt là trong việc hóa giải cuộc khủng hoảng Syria. Trong khi Arabia Saudi ủng hộ “các lực lượng đối lập” và một mực đòi loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thì Nga lại ủng hộ và bảo vệ chính thể ở Damascus cũng như chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Do hơn 5 thập kỷ quan hệ bị đình trệ, chưa một Quốc vương Arabia Saudi nào thăm Liên Xô hay là Nga. Vì thế, chuyến thăm Nga lần này của Quốc vương Arabia Saudi Saman là sự kiện được giới phân tích đánh giá là “vượt ra khỏi sức tưởng tượng của nhiều người” [1].
Bàn cờ xoay chuyển
Mục đích chủ yếu trong chuyến thăm của Quốc vương Arabia Saudi Saman là tìm cách hóa giải sự đối đầu ngày càng gia tăng quyết liệt giữa một bên là thế giới Hồi giáo theo dòng Sunni do Arabia Saudi đứng đầu và bên kia là thế giới Hồi giáo theo dòng Shiite do Iran đang vươn lên đóng vai trò lãnh đạo. Trong cuộc đối đầu “một mất một còn này”, Iran từ vị thế bị cô lập đã tìm được đồng minh mới có ảnh hưởng rất lớn là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ do sự chuyển hướng chiến lược trong cục diện cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, trong đó Nga liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã giành được thắng lợi có tính quyết định, còn liên minh do Mỹ và Arabia Saudi đứng đầu đang đứng trước nguy cơ thất bại, nếu không muốn nói là đã bị phá sản.
Ở Trung Đông, tất cả các điểm nóng do Mỹ nhen nhóm từ năm 2011 trong cái gọi là “Mùa xuân Arab” nhằm gây ra trạng thái “bất ổn có kiểm soát” đã bị dập tắt, hoặc sắp bị dập tắt. Đề án Kurdistan do Mỹ khởi xướng từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất vào năm 1991 và dự kiến sẽ thành công trong giai đoạn diễn ra “Mùa xuân Arab” từ năm 2011 tới nay đã bị chết yểu bởi ngoài Israel ra, không một quốc gia nào trong khu vực ủng hộ việc thành lập một nhà nước Kurdistan.
Trong khi đó, nghe theo lời khuyên của các cố vấn ở Washington, Arabia Saudi gây ra cuộc chiến đẫm máu ở Yemen và đến nay đang bị sa lầy ở đó Mỹ. Yemen lúc này đã trở thành “Afghanistan đối với Arabia Saudi”. Gây ra cuộc chiến Yemen không khó, những rút ra lại không dễ, với tổn thất ngày một lớn cả về kinh tế lẫn quân sự. Có thể thấy, lúc này Arabia Saudi không có phép màu nào để thoát khỏi mê cung khủng khiếp ở Yemen và thất bại cuối cùng là khả năng hoàn toàn có thể dự báo trước.
Cuộc chiến tranh ngoại giao của các nước Vùng Vịnh do Arabia Saudi khởi xướng chống lại Qatar hiện đang lâm vào bế tắc. Tối hậu thư mà Arabia Saudi đưa ra đối với Qatar buộc chính quyền Doha phải “đầu hàng vô điều kiện” rút cuộc chỉ như là “cú đấm vào gối bông”, chẳng có mấy tác dụng. Trong khi đó, Qatar lại nhận được sự ủng hộ của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Nga nữa. Liên minh mới Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran không chỉ có tác dụng xoay chuyển cục diện cuộc chiến chống khủng bố ở Syria mà còn có tác dụng như một “lá chắn” cho Qatar. Trong đó Teheran ra tay giúp Doha về kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ giúp về quân sự, còn Nga đóng vai trò là người dàn xếp ngoại giao trung gian giữa các bên xung đột.
Để thoát ra khỏi sự bế tắc bộn bề này, Quốc vương Arabia Saudi tìm đường tới Matxcơva bởi thực tế những năm qua chứng tỏ nước Nga dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống V.Putin hành động nhất quán, minh bạch, biết giữ lời hứa với đồng minh và bè bạn. Trong đó điển hình nhất là mặc dù bị toàn bộ thế giới phương Tây do Mỹ đứng đầu tập trung “đánh hội đồng”, nhưng nước Nga của Tổng thống V.Putin vẫn kiên định bảo vệ đồng minh Syria của mình và họ đã thành công.
Vì thế, trong cuộc hội đàm giữa Quốc vương Arabia Saudi Saman với Tổng thống nước chủ nhà V.Putin, hai bên thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương, khu vực và quốc tế, trong đó tập trung chủ yếu vào diễn biến trên thị trường dầu mỏ toàn cầu và đặc biệt là cách thức hóa giải cuộc xung đột ở Syria và tình hình Trung Đông nói chung [2].
Nga lại “dẫn điểm” trước Mỹ
Tổng thống Nga V.Putin và Quốc vương Saman chứng kiến lễ ký 14 văn kiện hợp tác
Về kinh tế, hai nước đồng ý thành lập Quỹ đầu tư để phát triển năng lượng trị giá 1 tỷ USD, theo đó sẽ triển khai các dự án khí thiên nhiên và nhà máy hóa dầu. Hai bên ký hiệp định hợp tác về nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình, chương trình hiện thực hóa hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân.
Về quân sự, Saudi Arabia đã đạt được thỏa thuận sẽ mua hệ thống tên lửa phòng không có một không hai trên thế giới S-400 của Nga. Hai bên ký Biên bản ghi nhớ, theo đó Nga sẽ giúp Arabia Saudi xây dựng và phát triển tổ hợp công nghiệp quân sự của riêng mình. Liên Xô trước đây và Nga hiện nay có tổ hợp công nghiệp quân sự hiện đại và hiệu quả hàng đầu thế giới, với những công nghệ được chính các chuyên gia quân sự Phương Tây đánh giá là “có một không hai”.
Về chính trị, trong các cuộc hội đàm, hai bên đặc biệt quan tâm đến tình hình Syria, Libya, Iraq, Yemen, khu vực Vùng Vịnh nói chung và quan hệ Palestine-Israel. Phía Arabia Saudi cho rằng cần có cách tiếp cận đa phương để hóa giải tình hình bất ổn trong khu vực bởi lúc này Mỹ không còn là trung tâm quyền lực duy nhất đóng vai trò định đoạt. Tổng thống Nga V.Putin khẳng định, Nga không có tham vọng thay thế vai trò của ai cả nhưng lại có ưu thế trong việc hóa giải xung đột là không bao giờ áp dụng tiêu chuẩn kép và chơi trò “bắt cá hai tay”.
Matxcơva lại vượt trước Washington ở Trung Đông. Ban đầu là chuyển hóa Thổ Nhĩ Kỳ từ vị thế vừa là thành viên của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, vừa là kẻ đứng bên kia chiến tuyến với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, thành đối tác và đồng minh của Matxcơva. Tiếp đến, Nga đã cứu nguy cho Qatar trong cuộc chiến ngoại giao với các nước Vùng Vịnh. Và cuối cùng là chuyển hóa Arabia Saudi-vừa là đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Mỹ, vừa là “kẻ tử thù” đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang được Nga bảo vệ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, thành đối tác và thay đổi 180 độ quan điểm về cách thức hóa giải cuộc khủng hoảng Syria.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga V.Putin, Quốc vương Salman nói:“Nga và Saudi Arabia đều chia sẻ quan điểm chung về nhiều vấn đề trong khu vực và quốc tế, cùng hợp tác về những lĩnh vực nhằm tăng cường an ninh, thúc đẩy sự thịnh vượng của hai nước cũng như đảm bảo hòa bình, an ninh quốc tế. Chúng tôi mong muốn một sự hợp tác tích cực hơn nữa để đạt được sự ổn định trên thị trường dầu mỏ, giúp kinh tế thế giới tăng trưởng. Nga và Arabia Saudi có tiềm năng to lớn để mở rộng và đa dạng hóa hợp tác kinh tế, cũng như tạo dựng cơ sở kinh tế- thương mại và đầu tư”.
Đề cập tình hình trong khu vực Trung Đông, Quốc vương Salman nhấn mạnh: “Cần phải duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq và tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria. Saudi Arabia đang thực hiện các quyết định đưa ra tại hội nghị hòa bình đầu tiên về Syria diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) cũng như Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để tìm giải pháp chính trị nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và duy trì sự thống nhất lãnh thổ Syria”. Quốc vương Salman cũng hối thúc cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực chống lại chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và ngăn chặn các nguồn tiền cung cấp cho chúng và kêu gọi thành lập Trung tâm chống khủng bố quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Đây chính là điều mà Tổng thống Nga V.Putin đã nhiều lần đề nghị tại các diễn đàn quốc tế khác nhau [3].
Trong bài phát biểu trên truyền hình Nga, Tổng thống V.Putin đánh giá chuyến thăm Nga của Quốc vương Arabia Saudi là một sự kiện "mang tính bước ngoặt". Trong khi đó, Quốc vương Salman ca ngợi Nga là một "dân tộc thân thiện" và cam kết Arabia Saudi sẽ tăng cường quan hệ vì lợi ích của hòa bình và an ninh. Hai bên khẳng định quan hệ chiến lược giữa Mỹ và các quốc gia Arab nói chung và Arabia Saudi nói riêng không phải là trở ngại đối với sự hợp tác chặt chẽ giữa Matxcơva và Ryath.
Sau chuyến thăm tới Matxcơva lần này của Quốc vương Arabia Saudi Saman, không có khả năng Nga sẽ thay thế Mỹ để lấp đầy những khoảng trống mà Washington không còn kham nổi trong quan hệ với các đối tác của họ ở Trung Đông. Đối với Nga, tăng cường quan hệ song phương với Saudi Arabia sẽ giúp Matxcơva thực hiện mong muốn gia tăng đòn bẩy chiến lược để kiềm chế bất kỳ cục diện phân cực nào ở Trung Đông./.
***
Tài liệu tham khảo
[1] Отношения России и Саудовской Аравии. Досье.http://tass.ru/info/2475421
[2]Король Саудовской Аравии прилетел в Москву сдаваться на милость победителю. https://topwar.ru/126635-korol-saudovskoy-aravii-priletel-v-moskvu-sdavatsya-na-milost-pobeditelya.html?utm_source=website&utm_medium=push&utm_campaign=analytics
[3] Нефть, оружие и атомная энергетика: главные итоги визита короля Саудовской Аравии в Москву. https://russian.rt.com/world/article/436931-saudovskaya-araviya-vizit-korol-putin-dogovory-siriya