Nhưng vào ngày 11/3, thế giới đã được chứng kiến cuộc thử nghiệm phóng tên lửa không đối đất Kinzhal Kh-47M2 thế hệ mới. Đoạn phim được đăng tải không hề kém chất lượng. Nó cho thấy cảnh một chiếc tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 đã phóng tên lửa Kinzhal (Dao găm) từ giá treo dưới thân máy bay.
Tên lửa này có khả năng bay nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh và có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển và đất liền ở khoảng cách xa tới 2.000 km. MiG-31B cũng tự hào với tốc độ Mach 2.83 (khoảng 3.460 km/h) và phạm vi hoạt động 1.450 km, hoặc có thể mở rộng đến 2.200 km nếu máy bay được tiếp nhiên liệu trên không. Những tính năng này làm tăng đáng kể phạm vi triệt hạ mục tiêu của máy bay và giúp chuyên chở tên lửa đến khu vực phóng một cách nhanh chóng.
Theo Văn hóa Chiến lược, tên lửa Kh-47M2 có thể thực hiện các đường bay rất phức tạp, tiến hành những động tác xoay ngoặt, cua gấp trong giai đoạn cuối của hành trình. Kh-47M2 có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường. Hơn 250 vụ phóng thử nghiệm đã được tiến hành trong năm qua. Và sẽ không quá bất ngờ khi thấy Kinzhal được sử dụng ở Syria.
Một khi loại tên lửa này được đưa vào tác chiến, các tàu sân bay của Mỹ và các mục tiêu trên biển khác sẽ dễ dàng biến thành miếng mồi ngon. Không một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) hay phòng không nào có thể bảo vệ các vị trí trên mặt đất.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã có những tiến bộ rõ rệt trong những năm gần đây. Ngành này đã giải quyết những thách thức mà Mỹ đặt ra và thậm chí còn vượt qua Mỹ trong lĩnh vực sản xuất các loại siêu vũ khí, bao gồm cả những vũ khí có thể bay với vận tốc siêu thanh. Ngoại trừ Nga, chưa một quốc gia nào khác có khả năng sản xuất những loại vũ khí này.
Và không chỉ riêng Kinzhal. Có những hệ thống khác trong kho vũ khí của lực lượng vũ trang Nga mà người Mỹ đang cố gắng tự phát triển, nhưng vẫn chưa đạt được thành công thực sự. Tên lửa chống hạm siêu thanh Zircon thế hệ mới của Nga, sẽ được đưa vào biên chế trong năm nay, là một ví dụ điển hình. Nó thách thức uy thế của hải quân Mỹ trên biển cả.
Trong khi các hệ thống siêu thanh giờ đây đã trở thành một phần trong kho vũ khí của Nga, thì Mỹ vẫn còn cả một chặng đường dài trước khi đưa được các phiên bản của mình vào hoạt động. Các chuyên gia Mỹ thừa nhận điều này. Vì vậy, Mỹ sẽ phải nỗ lực hết sức nếu muốn đuổi kịp Nga.
Mỹ luôn quảng bá ưu thế về công nghệ tàng hình của mình, nhưng với những siêu vũ khí được Tổng thống Putin tiết lộ, công nghệ này giờ đã không còn là viên đạn thần kỳ có khả năng chọc thủng hệ thống phòng thủ của đối phương. Nga đã tạo ra bước nhảy vọt về công nghệ lượng tử. Các biện pháp chống tác chiến điện tử và quỹ đạo bay phức tạp đã không còn cần thiết. Các loại vũ khí siêu thanh có khả năng vô hiệu hóa cả những hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân nhất thế giới.
Một khi những loại vũ khí này được đưa vào hoạt động, chúng sẽ làm thay đổi toàn bộ quan niệm về phòng không. Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) toàn cầu và lục địa của Mỹ đã mất đi tính hữu ích. Nỗ lực trong nhiều năm qua đã đổ sông đổ bể. Chỉ duy nhất S-500 của Nga mới có khả năng bắn trúng các mục tiêu di chuyển với tốc độ Mach 5.0 - 6.0 (nhanh gấp 5-6 lần vận tốc âm thanh). Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không là một lĩnh vực nữa mà ở đó các lãnh đạo Nga không cần phải tranh cãi.
Đây là thực tế. Dù Mỹ có thích hay không, thì trong hoàn cảnh này, việc ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang đã trở nên đặc biệt quan trọng. Một cuộc đối thoại chiến lược là lựa chọn tốt hơn hẳn một cuộc đối đầu dữ dội.