Cảnh giác với đa cấp khi sử dụng dịch vụ hoàn tiền mua sắm trực tuyến

VietTimes – Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) - Bộ Công Thương đã cảnh báo về một số mô hình hoàn tiền của các website, ứng dụng thương mại điện tử có dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép.
Một số mô hình hoàn tiền của các website, ứng dụng thương mại điện tử có dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép. Ảnh: Bộ Công thương
Một số mô hình hoàn tiền của các website, ứng dụng thương mại điện tử có dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép. Ảnh: Bộ Công thương

Theo đó, các mô hình này lợi dụng dịch vụ hoàn tiền (cashback) để thực hiện các hành vi kinh doanh đa cấp trá hình. Theo đánh giá của Cục CT&BVNTD, đây là những hành động không rõ ràng, không minh bạch trong mô hình hoạt động. Cục khuyến cáo, để hạn chế những rủi ro tài chính và pháp lý, người dân không nên tham gia đầu tư phát triển hệ thống của những website và ứng dụng thương mại điện tử có những dấu hiệu đáng ngờ.

“Tiêu dùng hoàn tiền” hay “mua sắm hoàn tiền” (cashback) là việc người tiêu dùng, người mua được hoàn lại một phần tiền khi họ mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc qua ứng dụng mua hàng. Đây là mô hình thương mại điện tử B-to-C (Business to Customer), kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, dựa trên cơ chế hoàn tiền hoa hồng khi khách hàng giới thiệu dịch vụ đến những người dùng mới. Đây là một thủ thuật thu hút nhiều khách hàng tham gia mạng lưới.

Hành vi đa cấp “đội lốt” khuyến mại


Qua theo dõi và thu thập thông tin, Cục CT&BVNTD đã đưa ra những cảnh báo về hình thức cashback hiện đang nổi lên như một xu hướng mua sắm thương mại điện tử. Các chuyên gia đã chỉ ra những dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép từ dịch vụ này.

Cụ thể, người tham gia sử dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử này luôn được quảng cáo với mức chiết khấu hấp dẫn, từ 80% tới 100%. Tuy nhiên, thực tế dịch vụ “hoàn tiền” bằng cách tích điểm trên hệ thống nội bộ, tương ứng với tỉ lệ rất nhỏ (từ 0,05% - 0,1%) khi chuyển đổi ra tiền mặt.

Bên cạnh đó, việc tích điểm trên hệ thống nội bộ thường liên kết với tiền ảo tự lưu hành như Gem, CBP, Silling, USDT, ETH, ONE, VNDC… Các ứng dụng và website này “hứa hẹn” tạo cơ hội đầu tư, mua bán và trao đổi các điểm số nội bộ trên hệ thống, tương ứng với các loại tiền ảo trên. Tuy nhiên, giá trị các loại tiền ảo chỉ lưu hành nội bộ trong hệ thống, không được pháp luật Việt Nam công nhận là trung gian để thanh toán. Người tham gia có những tranh chấp liên quan đến những giao dịch này sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Các ứng dụng và website này căn cứ vào thứ tự tham gia của mạng lưới người dùng, từ đó kết nối, sắp xếp theo tầng, cấp, nhánh. Lúc này, hệ thống thường đưa ra các hình thức để huy động vốn hoặc mời gọi người tham gia nộp thêm tiền, nâng cấp tài khoản lên mức cao hơn với hoa hồng hấp dẫn. Đây là hình thức tương tự với kinh doanh đa cấp trái phép, không được pháp luật thừa nhận.

Cục CT&BVNTD cảnh báo người dân không nên tham gia đầu tư vào những hệ thống có dấu hiệu nêu trên. Theo Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, các tổ chức cá nhân có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp phép có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam.