Cảnh giác với chiêu lừa mua tiền Libra mới rộ lên gần đây ở Việt Nam

VietTimes – Facebook hôm 18/6 đã công bố kế hoạch phát hành một đồng tiền mã hóa riêng của mình có tên là Libra. Theo tuyên bố của Facebook thì Libra phải đến năm 2020 mới chính thức được phát hành. Tuy nhiên, đã có hiện tượng kẻ xấu lập ra các trang web giả mạo Libra để lừa người dùng bỏ tiền mua thứ không hề tồn tại!

Một số người dùng Facebook ở Việt Nam đã nhận được tin nhắn qua Messenger dụ dỗ họ mua tiền Libra hiện đang bán sớm (pre-sale) để được ưu đãi. Họ được dẫn tới một trang web có địa chỉ là facebookxcoin.com. Bạn có thể xem lời chèo kéo của đối tượng ở ảnh dưới đây:

Khi truy cập vào địa chỉ này, một giao diện với chữ Libra khá to hiển thị bên góc trái cùng dòng chữ “Welcome to Libra” (Chào mừng đến với Libra). Nội dung của website nói rằng Libra sẽ là đồng tiền có tính chất toàn cầu và nếu bạn đầu tư vào nó thì sẽ có cuộc sống tốt hơn.

Thực tế thì Facebook có lập một trang web cho Libra với địa chỉ chính thức là libra.org. Ngoài ra Facebook cũng lập một trang cho ví điện tử của đồng Libra là calibra.com. Nhưng hai trang web này đều chỉ giúp người dùng tìm hiểu về đồng Libra chứ chưa mở mua bán giao dịch gì. Còn trang web facebookxcoin.com ở trên rõ ràng là trang fake!

Phóng viên VietTimes đã thử đăng ký (Sign up) để xem quá trình mua Libra trên trang fake này như thế nào. Sau khi đăng ký tên truy nhập, địa chỉ email và mật khẩu, phóng viên được yêu cầu phải xác minh việc đăng ký qua email. Và dưới đây là màn hình chào mừng sau khi phóng viên VietTimes đăng ký thành công:

Khi đăng nhập vào bên trong, trang web cho người dùng lựa chọn mua token Libra bằng 4 loại tiền khác nhau: Ethereum, Litecoin, Bitcoin và USD. Phóng viên VietTimes đã thử đặt mua Libra “dởm” bằng Bitcoin và việc này có vẻ được thực hiện rất dễ dàng. Bạn có thể xem các bước đặt mua qua ảnh dưới:

Thực tế thì thủ đoạn lừa đảo này không hề mới. Cách đây vài năm khi thị trường tiền mã hóa bùng nổ, những kẻ xấu cũng đã lập ra nhiều trang web giả mạo để lừa tiền người dùng.

Ngay cả trang web ví điện tử Calibra.com của Facebook cũng có một bản fake giống y hệt với địa chỉ tên miền là Calìbra.com. Trong trường hợp này, kẻ xấu sử dụng ký tự Unicode U + 00EC để tạo ra tên miền Calìbra. Người dùng nhiều khi sẽ không để ý dấu huyền nằm trên chữ i. Trang web fake này giống từ kiểu chữ cho đến màu nền của trang thật ngoại trừ một điểm khác biệt nằm ở bên phải trang web – đó là một nút quảng cáo cho đợt bán sớm (pre-sale) của đồng Libra. Kiểm tra địa chỉ IP của trang web fake, nó được đặt tại Moscow và rõ ràng không liên quan gì đến Facebook.

Hồi đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ đã gửi thư yêu cầu Facebook tạm dừng dự án Libra vì lo ngại đồng tiền này có thể gây rủi ro cho nền tài chính toàn cầu. Giám đốc điều hành dự án tiền mã hóa của Facebook, ông David Marcus sẽ có 2 cuộc điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ về đồng Libra theo yêu cầu của chính phủ. Nhà chức trách nước này cũng yêu cầu Facebook không triển khai tiếp dự án Libra khi cơ quan quản lý chưa có sự khảo sát đầy đủ về những mối nguy hại mà đồng tiền này có thể mang lại. Họ lo ngại rằng nếu một phần tư dân số thế giới sử dụng đồng Libra sẽ khiến nền tài chính toàn cầu hỗn loạn, đồng thời kẻ xấu có thể tấn công hoặc đánh cắp Libra gây ra những thiệt hại không nhỏ.

Tóm lại, khi mà chính quyền Mỹ đang “tuýt còi” và Libra chưa chắc đã được ra mắt, thì tất cả các lời mời chào đầu tư vào đồng tiền này đều là lừa đảo. Người dùng cần cảnh giác và tìm hiểu thông tin kỹ hơn trước khi đầu tư vào một thứ gì đó trên mạng.