Cận cảnh nhà máy đóng tàu vật lộn giữa 'núi nợ nần'
Minh Hoàng
Dù PVN đã 'rót' hơn 5.000 tỷ đồng giải cứu, đến nay, nhà máy đóng tàu Dung Quất (Quảng Ngãi) vẫn còn lâm cảnh "núi nợ nần" hàng nghìn tỷ đồng.
Thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, tháng 7/2010, nhà máy đóng tàu Dung Quất được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) quản lý, khai thác. Tuy nhiên do những khó khăn tồn tại từ thời Vinashin, nợ vốn vay các tổ chức tín dụng trong nước, quốc tế, nợ nhà thầu... khiến Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) thua lỗ, loay hoay giữa "núi nợ nần" kéo dài.
Cẩu trục chuyên dụng nằm bất động bên ụ tàu số 1, nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Nhiều hạng mục, thiết bị gỉ sắt ở nhà máy đóng tàu Dung Quất. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường hàng hải ảm đạm khiến Vinashin lâm cảnh khó khăn. Trước năm 2010, chủ đầu tư đã vay vốn đầu tư dàn trải nhiều lĩnh vực, nhiều công trình xây dang dở, lập đến bảy công ty có hơn 2.500 lao động với nhiều lĩnh vực không trọng tâm, trọng điểm... dẫn đến tình trạng "lãi mẹ đẻ lãi con" nợ nần chồng chất.
Vinashin đầu tư hàng trăm tỷ xây dựng ụ tàu số 2 giữa lúc ngành hàng hải lâm cảnh khó khăn nên đành xây dở dang, bỏ hoang gây lãng phí nhiều năm qua.
Sau khi tiếp quản, PVN "rót" về Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất hơn 5.000 tỷ đồng để trả nợ cũ của Vinashin để lại. Trong số này, DQS trả hơn 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ (Vinashin đi vay khi thực hiện dự án) và 3.000 tỷ đồng trả nợ đến hạn mà Vinashin vay của các tổ chức tín dụng quốc tế và trong nước đầu tư xây dựng nhà máy chưa trả.
Một trong những khu nhà ở cho kỹ sư, chuyên gia thi công dang dở rơi vào cảnh hoang phế nhiều năm dài ở nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Trao đổi vớiZing.vn,ông Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên DQS, cho biết sau khi tiếp quản, đơn vị dồn sức tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy từ bảy công ty (tương đương 2.500 người) xuống còn 9 phòng, ban còn 1.200 người, tiết giảm mọi chi phí để từng bước vượt qua khó khăn, tạo việc làm ổn định cho kỹ sư, công nhân.
Theo vị chủ tịch Hội đồng thành viên DQS, PVN lần lượt "rót" về Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất hơn 5.000 tỷ đồng để trả nợ cũ của Vinashin để lại. Sau 7 năm tiếp quản nhà máy, đến nay DQS vẫn chưa thể trả hết nợ.
Báo cáo tài chính của DQS đến cuối năm 2016 cho thấy kể từ khi tiếp nhận nhà máy đóng tàu Dung Quất về, PVN không những không giảm lỗ mà lỗ phát sinh kể từ tiếp nhận lên tới gần 2.500 tỷ đồng (chủ yếu do các khoản nợ cũ Vinashin với các tổ chức tín dụng phát sinh lãi chồng chất). Không chỉ vốn chủ sở hữu ở DQS bị âm tới 1.152 tỷ đồng, tổng các khoản nợ phải trả của DQS cũng lên tới trên 6.900 tỷ đồng.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, tận dụng ưu đãi từ PVN, bảy năm qua, DQS liên tục tìm kiếm nguồn hàng, đối tác để ký hợp đồng đóng mới, sửa chữa tàu trọng tải lớn để vừa duy trì hoạt động sản xuất vừa tạo điều kiện thu nhập cho người lao động.
DQS đang đóng mới hai tàu chở khí hóa lỏng và một tàu dịch vụ với tổng trị giá hợp đồng khoảng 1.300 tỷ đồng cho các đơn vị trong nước. Trước tình hình khó khăn của nhà máy, DQS đang đàm phán với 3 đối tác Mỹ, Nhật và Hàn Quốc có tiềm lực, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng tàu để mua hoặc hợp tác tiếp tục đầu tư nhằm tạo việc làm ổn định cho 1.200 lao động ở nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Trong khi chờ Chính phủ xem xét, quyết định ba kịch bản mua bán, tái cơ cấu sáp nhập hay phá sản, 1.200 lao động lành nghề, tâm huyết với ngành đóng tàu đang hoang mang, lo lắng cuộc sống gia đình họ rồi sẽ đi về đâu khi nhà máy đóng tàu Dung Quất vẫn còn chìm trong "núi nợ nần" hàng nghìn tỷ đồng.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh:Google Map.