Khmer Times dẫn thông báo do đảng Nhân dân Campuchia (CPP) công bố ngày 22/6 nhắc lại nhiều bình luận của Thủ tướng Hun Sen trong bài phát biểu tuần trước. Theo đó, Campuchia là một "quốc gia độc lập" và "với tư cách là thành viên ASEAN, Campuchia tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào vấn đề nội bộ, nguyên tắc đồng thuận... và coi ASEAN là một kênh ngoại giao trong hợp tác khu vực và quốc tế"..
CPP nhắc lại quyết định của ông Hun Sen, không ra tuyên bố ủng hộ phán quyết sắp tới từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. PCA được cho là sắp có phán quyết về vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông trong đầu tháng 7. Giới quan sát nhận định phán quyết sẽ có lợi cho Manila.
"CPP phủ nhận cáo buộc cho rằng Campuchia cản trở ASEAN ra tuyên bố chung" về Biển Đông tại Côn Minh, Trung Quốc, hồi giữa tháng và trong năm 2012, CPP cho biết.
Các ngoại trưởng ASEAN, sau Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc ngày 14/6, ra tuyên bố chung bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về hoạt động xây dựng ở Biển Đông. Văn bản này bị thu về chỉ vài giờ sau đó. Báo chí quốc tế dẫn các nguồn tin ngoại giao ASEAN cho hay Lào, Campuchia và Myanmar là những nước phản đối bản tuyên bố.
CPP kêu gọi các quốc gia có tuyên bố chủ quyền kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, có thể giải quyết tranh chấp dựa trên cơ chế Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo giới quan sát, Trung Quốc đang nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ từ các nước trước khi PCA ra phán quyết về vụ kiện. Bắc Kinh không tham gia phiên xử và nói sẽ không công nhận bất cứ phán quyết nào. Mới đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã rút lại một tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các hoạt động bồi đắp ở Biển Đông.
Dù các nước ASEAN chưa nêu lý do cho hành động của mình, nhiều hãng thông tấn dẫn lời các nguồn tin ngoại giao nói rằng Campuchia, Lào và Myanmar, các quốc gia thân Trung Quốc ở Đông Nam Á, đã khiến hiệp hội gồm 10 nước thành viên phải rút lại tuyên bố về vùng biển tranh chấp.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen gọi các cáo buộc đó là “không thể chấp nhận được”. Ông Hunsen nói rằng “đó là điều thực sự bất công đối với Campuchia”, đồng thời cáo buộc một số quốc gia mà ông không nêu tên đã “sử dụng Campuchia để chống lại Trung Quốc”.
Ông Hun Sen cũng cáo buộc tòa trọng tài quốc tế thiên vị về mặt chính trị trong khi chuẩn bị ra phán quyết về Biển Đông. Trong khi đó, cũng hôm 20/6, Thủ tướng Campuchia nói nước này sẽ không ủng hộ bất cứ phán quyết nào của tòa tại La Haye, Hà Lan.
Kyodo News dẫn nguồn tin riêng cho hay, Campuchia và Lào có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, phản đối cách thể hiện gay gắt của ASEAN đối với Trung Quốc. Campuchia bác bỏ việc nước này góp phần phá vỡ tuyên bố chung tại Hội nghị ở Côn Minh: “Làm ơn, các nước có tranh chấp Biển Đông, hay đến và nói chuyện với nhau, Campuchia sẽ trung lập trong vấn đề này”, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói.
“Campuchia sẽ không thể là con rối của bất cứ ai trong vấn đề Biển Đông”, ông Hun Sen nhấn mạnh, rằng mặc dù là một nước nhỏ và nghèo, song Campuchia sẽ “không ngu ngốc trong các chính sách đối ngoại của mình”, ông Hunsen tuyên bố.
Kyodo News ghi nhận năm 2012, tại cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, lần đầu tiên trong lịch sử Hiệp hội các quốc gia này, các bên đã không phát hành thông cáo chung, sau khi nước chủ nhà Campuchia cũng từng phản đối việc đề cập tới những căng thẳng Biển Đông.
The Diplomat đăng bài viết của GS Prashanth Parameswara (Philippines) cho rằng không phải ASEAN mà chính là Trung Quốc mới là bên thất bại trong việc ASEAN trong cuộc họp đặc biệt tại Côn Minh vừa rồi. Trung Quốc áp dụng chiến thuật quen thuộc là chia rẽ và gây sức ép đối với các quốc gia ASEAN. Tuy ASEAN rút lại tuyên bố chung gay gắt về Biển Đông nhưng ít nhất 5 quốc gia vẫn công bố tuyên bố riêng (thực chất là bản tuyên bố chung ASEAN) về vấn đề nóng bỏng này.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, Wall Street Journal của Mỹ mới đây đã có bài viết vạch trần việc Trung Quốc tự nhận có tới 60 quốc gia ủng hộ lập trường của nước này ở Biển Đông. Theo tờ báo Mỹ, đây thực chất chỉ là một danh sách do Bắc Kinh tự… nghĩ ra, thực chất, con số ủng hộ Bắc Kinh chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Trong chuyến công du Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn hôm 22/6 đã nhất trí với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh rằng “các tranh chấp ở Biển Đông cần giải quyết phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế”.
Theo AFP, Kyodo, Channel NewsAsia