LS Trương Thanh Đức
LS Trương Thanh Đức

Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO Trọng tài viên VIAC

Cấm dịch vụ đòi nợ khác nào hạn chế cho vay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Việc đòi nợ thuê là một trong những đòi hỏi bình thường, cần thiết, thậm chí là khâu tất yếu của hoạt động đòi nợ nói chung trên thực tế lâu nay. Không thể ngăn cấm hoạt động này chỉ vì sự hiểu sai, không coi trọng việc bảo vệ chủ nợ và sự bất lực trong quản lý.

Thứ nhất, hiểu sai về dịch vụ đòi nợ thuê

Việc cho chậm trả, cho nợ nói chung, cho vay nói riêng có ý nghĩa, tác dụng vô cùng to lớn đối với nền kinh tế xã hội. Nhưng việc thu nợ cũng có vai trò quan trọng không kém, thậm chí còn hơn cho vay, vì nó là hai mặt tất yếu của một vấn đề.

Hoạt động đòi nợ thuê, là một trong những biện pháp đòi nợ vẫn diễn ra một cách khá phổ biến xưa nay từ trước khi được quy định là một ngành nghề kinh doanh tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14-6-2007 của Chính phủ về “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

Ngay cả các tổ chức cho vay và đòi nợ chuyên nghiệp như ngân hàng mà vẫn cần phải dựa vào các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) được thành lập từ hai chục năm nay, trong đó có phần việc thực chất là đòi nợ thuê.

Thậm chí các hoạt động thu hộ, thanh toán ủy nhiệm thu hay hoạt động tư vấn và giải quyết tranh chấp nợ nần của luật sư cũng thực hiện một phần công việc tương tự như với hoạt động đòi nợ thuê.

Việc cho rằng mọi tranh chấp, trong đó có nợ nần, đều được Tòa án giải quyết nên không cần dịch vụ đòi nợ thuê là sai lầm. Nếu như vậy thì hà cớ gì cả thế giới lại phải lập ra thêm trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay vì chọn cơ quan nhà nước đầy quyền lực?

Quan điểm cho rằng dịch vụ đòi nợ thuê đóng góp không đáng kể cho nền kinh tế, nên có cấm thì cũng không ảnh hưởng gì cũng là một nhân định rất sai lầm. Vì như vậy thì khác nào phủ nhận nhiều hoạt động rất tốn kém chi phí, tiền bạc chỉ vì lý do không thu được lợi nhuận cũng như đóng góp cho ngân sách.

Thứ hai, không coi trọng việc bảo vệ chủ nợ

Lâu nay, pháp luật nghiêng theo hướng bảo vệ bên mắc nợ, vì cho rằng đó là bên yếu thế. Nhưng ngay từ quy định của pháp luật trên giấy đã không bảo vệ được họ.

Chẳng hạn, từ năm 2017 đến nay, quy định chỉ được phép cho vay với mức lãi suất không quá 20% (trước đó là 13,5% trong nhiều năm), là mức lãi suất quá thấp trên thực tế, dẫn đến phổ biến tình trạng lãi suất của bên cho vay là bất hợp pháp. Nhưng sau khi đã ấn định như vậy rồi lại không có chế tài bảo đảm, nên việc vi phạm cứ tha hồ xảy ra vì không bị phạt, bị mất hay bị thiệt.

Cụ thể là chỉ có thể bị xem xét xử lý hình sự nếu cho vay trên 100%/năm hay tiệm cầm đồ bị phạt nếu cho vay vượt mức trần lãi suất, còn các hoạt động cho vay khác, kể cả tín dụng đen bất hợp pháp, thì cũng không hề bị xử phạt nếu cho vay với mức lãi suất dưới 100%/năm. Và nếu vụ việc vi phạm có được đưa giải quyết tại Tòa án thì cũng vẫn luôn được công nhận hợp pháp theo mức trần là 20%/năm, thậm chí còn không bị giới hạn đối với cho vay của các tổ chức tín dụng.

Dịch vụ đòi nợ thuê hiện vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi (Ảnh minh họa: TTXVN)
Dịch vụ đòi nợ thuê hiện vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đặc biệt, để đòi nợ thông qua Tòa án thì thường phải mất vài năm, với quá nhiều khó khăn, tốn kém, không hiệu quả. Khi chậm trả nợ theo bản án thì cũng chỉ được tính lãi không quá 10%/năm, trong khi chậm nộp thuế hay nộp phạt cho Nhà nước thì phải chịu mức 18%/năm (theo Điều 92, Luật Quản lý thuế năm 2006 và Điều 78, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012). Ngoài ra chủ nợ còn thường phải mất thêm khoảng 3% phí thi hành án.

Về bản chất, người đi vay nợ chỉ là bên yếu thế tại thời điểm phát sinh quan hệ vay mượn, còn khi đã chuyển sang giai đoạn trả nợ, thì bên yếu thế lại chính là bên cho vay hay bên đòi nợ. Trong khi đó, pháp luật lại không cho phép chủ nợ được phép thu giữ tài sản bảo đảm và xử lý theo trình tự rút gọn tại Tòa án như đối với các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 42/2017/NQ14 của Quốc hội về “Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”.

Cả con nợ và chủ nợ đều phải được pháp luật bảo vệ, tuy nhiên mục tiêu hoàn toàn khác nhau. Chủ nợ phải được bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp, chính đáng, là cái gốc. Còn con nợ hay khách nợ, chủ yếu là việc bảo vệ danh dự, tính mạng, sức khỏe của họ, chứ không vì bảo vệ mà tạo ra tác dụng ngược, thậm chí khuyến khích sự chậm trễ, chây ỳ, từ chối nghĩa vụ trả nợ.

Thứ ba, sự bất cập trong quản lý đòi nợ thuê

Đòi nợ là việc khó hơn rất nhiều so với việc cho vay, vì vậy rất cần phải thuê bên có chuyên môn, nghề nghiệp, kỹ năng, nghệ thuật một cách chuyên nghiệp.

Những hoạt động tội phạm, băng nhóm xã hội đen, sai trái pháp luật nói chung, tín dụng đen nói riêng còn phổ biến, quá lộng hành, không loại trừ có bảo kê, là nguyên nhân chính, chứ không phải đánh đồng với một số hành vi sai trái, phạm pháp mà cho rằng việc đòi nợ thuê là dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp.

Trộm cướp, mại dâm xưa nay chưa bao giờ là hợp pháp, vậy mà vẫn xảy ra khá nhiều và nạn nhân cũng ít khi trình báo chính quyền vì hiếm khi được bảo vệ.

Do an sinh xã hội còn rất kém, nên nhu cầu vay tín dụng của người nghèo khó còn rất lớn. Không có đòi nợ thuê, thì người vay vốn vẫn phải chịu sức ép của việc đòi nợ bất hợp pháp.

Hơn nữa, dịch vụ đòi nợ thuê hợp pháp chỉ sử dụng cho việc đòi các khoản nợ hợp pháp, chứ không tiếp tay cho đòi nợ bất hợp pháp như kiểu đòi nợ của tín dụng đen.

Cho phép đăng ký kinh doanh, hoạt động công khai hợp pháp dễ quản lý hơn thay vì chuyển vào hoạt động trôi nổi, nửa kín nửa hở.