Từ đó, ông Nguyễn Văn Đệ nêu kiến nghị Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp sáng nay (17/5) rằng Chính phủ nên chỉ đạo sát sao vấn đề này và bây giờ đang ‘nở như hoa” ở rất nhiều tỉnh, thành phố.
Phát biểu kiến nghị, ông Nguyễn Hữu Đệ mở đầu rất thẳng thắn: "Hôm nay Chính phủ cần chúng ta nói lên sự thật và không nói thành tích, tôi xin đi thẳng vào vấn đề".
Thứ nhất, muốn có hiệu quả từ Nghị quyết 35 thì cần tăng cường đội ngũ cán bộ công chức viên chức, trong đó trước hết là công tác tổ chức cán bộ. Có thể nói là bây giờ chúng ta đang thừa, theo doanh nhân phải có đến 50% cán bộ đi chơi, ngồi “bói chữ” nhiều hơn là làm. Do vậy tôi đề nghị tránh việc “mua quan bán chức”, mới chọn được người tài, người có năng lực theo tinh thần của Thủ tướng đã nêu.
Thứ hai, Nghị quyết 93/NQ-CP của Chính phủ rất có hiệu lực. Nhưng trong thực tế, con mắt tư nhân của chúng tôi nhìn nhận là không nên cho phép xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viện công, vì hậu quả là trong tương lai đây chính là vấn đề tham nhũng, chia chác, gây thất thoát cho nguồn lực của Nhà nước. Nếu mỗi một tỉnh có một bệnh viện tư trong bệnh viện công thì sẽ “bóp chết” hàng chục bệnh viện tư khác. Thay mặt Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, chúng tôi đề nghị Chính phủ nên sửa đổi và nên có chính sách khuyến khích nhiều doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực này để chia sẻ quá tải cho bệnh viện Nhà nước.
Thứ ba, tôi thống nhất cao quan điểm trong Nghị quyết Trung ương 5. Khi Nhà nước khó khăn, cái gì doanh nghiệp đầu tư được thì Nhà nước thôi. Cứ lấy tiền Nhà nước ra làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn. Tôi lấy ví dụ, có nhiều bệnh viện tư, tư nhân đăng ký làm nhưng cấp tỉnh không cho làm. Chính phủ nên chỉ đạo sát sao vấn đề này và bây giờ đang ‘nở như hoa” ở rất nhiều tỉnh, thành phố. Đây là ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ tư, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam nên có sự thống nhất về quy trình khám chữa bệnh, công hay tư đều là khám chữa bệnh cho nhân dân. Nguồn nhân lực y tế của chúng ta đang hết sức khó khăn, nhưng BHXH Việt Nam căn cứ một số quy định của Bộ Y tế từ 60-70 bệnh nhân trên một bàn khám, bây giờ chỉ cho phép 35 bệnh nhân trên một bàn khám. Nếu quy định thế này tư nhân không chết mà bệnh viện công sẽ chết. Bệnh viện công nói rằng đây là nhiệm vụ chính trị còn tư nhân là kinh doanh. Tôi đề nghị công hay tư phải bình đẳng, khi áp dụng chính sách pháp luật phải bình đẳng.
Thứ năm, khám chữa bệnh cho người nghèo, trước đây bệnh viên tư nhân được khám chữa bệnh cho người nghèo rất suôn sẻ, hoàn thành nhiệm vụ, nhưng khi Chính phủ có chính sách cho người nghèo tiền ăn, đi lại thì lại có chính sách chuyển vấn đề này cho bệnh viện công, khi bệnh viện công đang quá tải và viện dẫn đây là nhiệm vụ chính trị.
"Có là nhiệm vụ chính trị thì tư nhân cũng làm được, chia sẻ với Nhà nước. Trước đây, bệnh viện tư chúng tôi kiểm soát bệnh án khám bệnh cho người dị tật, dị dạng do chất độc da cam nhưng nay lại ra thông tư không cho bệnh viện tư thực hiện, nếu khám chữa bệnh ở bệnh viện tư thì lại ra chỗ khác để xin chứng nhận giám định. Đây là bất hợp lý", ông Đệ nói.
Thứ sáu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT rất bất cập, đề nghị Chính phủ kiến nghị nghị Quốc hội sửa, bởi đến năm 2021 mới được thông tuyến khám chữa bệnh tuyến tỉnh. Trước đây bệnh viện tư nhân không có bệnh nhân, thì bảo bệnh viên tư năng lực yếu, bệnh nhân không đến. Nay thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện, bệnh nhân đến bệnh viện tư nhiều, giá thanh toán tăng lên thì lại đẩy bệnh viện tư lên bệnh viện hạng hai để tránh thông tuyến. Việc thông tuyến nên bình đẳng, đề nghị Quốc hội sửa sớm để tạo công bằng cho xã hội, không phải là thuận thì để cho bệnh viện công, khó thì đẩy cho bệnh viện tư.
Thứ bảy, bình đẳng trong hiệp hội. Tất cả các hiệp hội đều có DNNVV. Khi chính sách ban hành, hiệp hội nào có DNNVV thì có trách nhiệm triển khai và thụ hưởng.