“Năm 2016, Petrolimex đã thực hiện mua vào 155,3 triệu cổ phiếu quỹ. Trong năm 2017, tập đoàn có kế hoạch xử lý thế nào với số cố phiếu quỹ này”, một nhà đầu tư đặt câu hỏi với lãnh đạo Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) trong buổi roadshow niêm yết, diễn ra vào chiều 29/03/2017 tại Hà Nội.
Giải đáp chất vấn này, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam sẽ xây dựng một lộ trình cụ thể cho việc này. “Thông thường, người ta sẽ bán cổ phiếu quỹ khi có nhu cầu vốn, để phục vụ dự án nào đó” – ông nói.
Chủ tịch PLX thông tin kỹ hơn tới các nhà đầu tư: “Sở dĩ tập đoàn quyết định mua cổ phiếu quỹ, là nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Một doanh nghiệp dư thừa vốn hay sử dụng nguồn vốn lãng phí cũng là một doanh nghiệp không tốt. Do đó, lộ trình đưa ra cổ phiếu quỹ - khi nào, bao giờ và bao nhiêu - sẽ được quyết định ở Đại hội đồng cổ đông. Điều quan trọng là các nhóm dự án tổng hợp trong khởi điểm của một kỳ kế hoạch.
Nhưng có một điều chắc chắn, là để đảm bảo thanh khoản cho cổ phiếu PLX sau khi lên sàn, chúng tôi sẽ đề nghị với chủ sở hữu, bán ra thị trường một lượng cổ phiếu quỹ”.
Dẫn số liệu theo dõi từ tập đoàn, ông Bảo cho biết, hiện hệ số cổ phiếu tự do giao dịch (free float) của PLX mới chỉ đạt khoảng 3% trên tổng số cổ phiếu được phép lưu hành. Trước mắt, sau khi lên sàn, Petrolimex sẽ đẩy tỷ lệ này lên mức 5% - yếu tố cần thiết bước đầu để đảm bảo tính thanh khoản cho cổ phiếu của một doanh nghiệp quy mô lớn như PLX.
Chưa dừng lại ở đó, theo Chủ tịch PLX: “Mục tiêu của Petrolimex là 20% vốn cổ phần sẽ được nắm giữ bởi các cổ đông nhỏ lẻ. Petrolimex muốn trở thành 1 công ty đại chúng quy mô lớn niêm yết trên sàn HoSE, đạt các chuẩn mực của HoSE. Để đạt được mục tiêu đó thì cần có lộ trình hết sức rõ ràng. Trong 2017, chúng tôi sẽ nghiên cứu và thông báo cụ thể đến các nhà đầu tư”.
Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, quý III/2016, Petrolimex đã phát hành 155,3 triệu cổ phiếu ưu đãi hoàn lại, để thực hiện trả cổ tức cho cổ đông từ lợi nhuận sau thuế năm 2015 (tỷ lệ chi trả 15%). Đồng thời qua đó, tăng vốn điều lệ tập đoàn lên mức 12.939 tỷ đồng.
Các cổ phiếu ưu đãi hoàn lại này mang một số đặc điểm như: Không được quyền biểu quyết, dự họp ĐHĐCĐ, đề cử người vào HĐQT và Ban Kiểm soát; Cổ phiếu không được phép chuyển nhượng; Toàn bộ cổ phiếu này sẽ được hoàn lại cho Tập đoàn và được Tập đoàn trả cho cổ đông số tiền bằng mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu và thưởng thêm 600 đồng tính trên 01 cổ phiếu ưu đãi hoàn lại từ lợi nhuận sau thuế 2015; Toàn bộ cổ phiếu ưu đãi này sau khi hoàn lại cho Tập đoàn sẽ được chuyển thành cổ phiếu phổ thông và là cổ phiếu quỹ của Tập đoàn.
Đối với nhiều nhà đầu tư, đây là một hình thức cổ phiếu còn khá mới lạ. Và đến bây giờ vẫn không người tỏ ý băn khoăn về mục đích phát hành loại “cổ phiếu lạ” này của Petrolimex.
Có một cách kiến giải tỏ ra khá hợp lý, giải quyết được hai điểm căn bản liên quan đến vấn đề sở hữu vốn của Bộ Công thương tại Petrolimex.
Đầu tiên, việc phát hành 155 triệu “cổ phiếu lạ” sẽ giúp Petrolimex tăng vốn từ 11.388 tỷ đồng lên thành 12.939 tỷ đồng. Song song với quá trình tăng vốn này, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại tập đoàn sẽ được điều chỉnh từ mức 86,2% (căn cứ theo BCTC bán niên 2016) về chỉ còn 75,9%.
Điều này phù hợp với chủ trương cổ phần hóa Petrolimex phê duyệt năm 2011 và đúng với tinh thần các Công văn chỉ đạo của Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ. Theo các văn bản này, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sau khi thực hiện phát hành để tăng vốn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ chỉ còn 75,9%, tương đương 981.686.626 cổ phiếu.
Thứ hai, việc phát hành 155 triệu “cổ phiếu lạ” sẽ giúp Petrolimex hoàn tất việc bổ sung phần vốn góp vẫn còn thiếu của cổ đông Nhà nước. Cập nhật tại thời điểm đầu năm 2016, giá trị thiếu là 1.050,5 tỷ đồng, liên quan đến khoản lỗ lũy kế của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam tại ngày 30/11/2011 (thời điểm chuyển đổi sang công ty cổ phần).
Theo phương án phát hành cổ phiếu ưu đãi hoàn lại, Petrolimex phải trả cổ đông Nhà nước tổng cộng 1.394 tỷ đồng, bao gồm 1.315 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu và 79 tỷ đồng thưởng thêm (thưởng 600 đồng/cổ phiếu ưu đãi hoàn lại). Số tiền chi trả cổ đông Nhà nước này sẽ được chia làm 2 phần: 1.050,5 tỷ đồng để bổ sung vốn thiếu theo phương án quyết toán cổ phần hóa; Số còn lại (343,4 tỷ đồng) nộp về Kho bạc theo Thông tư 61/2016/TT-BTC.
Trao đổi với VietTimes, ông Lưu Văn Tuyển – Kế toán trưởng kiêm người công bố thông tin của Petrolimex bác bỏ kiến giải trên. “Petrolimex phát hành 155,3 triệu cổ phiếu ưu đãi hoàn lại để mua lại làm cổ phiếu quỹ, không liên quan đến bổ sung vốn Nhà nước”, ông Tuyển khẳng định.
Tuy nhiên, dù với mục đích hay cách kiến giải nào, thì tựu trung lại, Petrolimex cuối cùng cũng đã giải quyết được bài toán bổ sung vốn góp còn thiếu của cổ đông Nhà nước. Việc xử lý cũng được thực hiện trong đúng niên hạn quy định: Tối đa không quá 5 năm sau khi chuyển đổi (2012 - 2016).
Thực tế, tại báo cáo tài chính vừa phát hành (BCTC năm 2016 sau soát xét), Petrolimex đã thuyết minh: “Trong năm 2016, Công ty mẹ đã phát hành cổ phiếu ưu đãi hoàn lại để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Một phần cổ phiếu ưu đãi này được Công ty mẹ mua lại bằng cách bù trừ với khoản phải thu về cổ phần hóa nói trên. Về bản chất, khoản vốn góp thiếu này của Nhà nước đã được thu hồi thông qua bù trừ với cổ tức chi trả cho Nhà nước”.
Đó cũng là một trong những điều kiện quan trọng, giúp Petrolimex có thể hoàn thiện các thủ tục cần thiết, để đưa cổ phiếu lên niêm yết tập trung tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HoSE).
Một khoản đầu tư
Kết quả kinh doanh ấn tượng ở Petrolimex hứa hẹn sẽ đưa PLX trở thành một trong những mã chứng khoán “hot” nhất HoSE, sau ngày trình sàn 21/4.
Tuy nhiên, không phải là không có những nốt trầm trong hoạt động kinh doanh, đầu tư ở tập đoàn này.
Có thể kể đến như khoản đầu tư góp vốn vào Công ty Cổ phần An Phú (An Phú). Theo BCTC mới nhất của Petrolimex, tập đoàn đã phải trích lập dự phòng 105,6 tỷ đồng trên tổng số 110,7 tỷ đồng đầu tư góp vốn tại đây.
“Tập đoàn chưa xác định giá trị hợp lý của khoản đầu tư này để thuyết minh trong báo cáo tài chính hợp nhất bởi vì không có giá trị niêm yết trên thị trường cho các khoản đầu tư này và Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Chế độ Kế toán Doanh nghiệp Việt Nam hiện không có hướng dẫn về cách tính giá trị hợp lý sử dụng các kỹ thuật định giá. Giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này có thể khác với giá trị ghi sổ”, báo cáo thuyết minh.
Trao đổi với VietTimes, Kế toán trưởng Petrolimex Lưu Văn Tuyển cho biết, thực tế, khoản đầu tư tại CTCP An Phú không phải là khoản đầu tư trực tiếp của tập đoàn (công ty mẹ), mà là khoản đầu tư của công ty thành viên, được hợp nhất trong báo cáo tài chính. Cụ thể là Công ty Cổ phần vận tải xăng dầu VIPCO (Vipco).
Theo tìm hiểu, Vipco hiện đầu tư dài hạn vào cổ phiếu của CTCP An Phú với tổng số tiền là 57,224 tỷ đồng, tương ứng với 660.000 cổ phiếu. Tính ra, đơn vị thành viên của Petrolimex đã trả trung bình khoảng 86.703 đồng cho mỗi cổ phiếu của CTCP An Phú. Tại thời điểm cuối năm 2016, Vipco đã trích lập dự phòng 54,56 tỷ đồng cho khoản đầu tư.
Vipco bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu CTCP An Phú từ năm 2008. Giá trị đầu tư tại thời điểm cuối năm 2008 là 52,9 tỷ đồng.
Cũng theo tìm hiểu, Vipco không phải thành viên duy nhất của Petrolimex đầu tư vào CTCP An Phú. CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco (Vitaco) cũng sở hữu một khoản đầu tư tương tự.
Tính đến cuối năm 2016, Vitaco sở hữu 625.000 cổ phiếu An Phú, chiếm 4,39% vốn điều lệ doanh nghiệp. Với tổng giá trị đầu tư là 53,5 tỷ đồng, tương ứng, Vitaco đã trả bình quân khoảng 85.600 đồng cho mỗi cổ phiếu An Phú. Hiện, Vitaco đã trích lập dự phòng 51 tỷ đồng cho khoản đầu tư trên. Được biết, Vitaco bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu An Phú từ năm 2007, với giá trị đầu tư ban đầu là 50,375 tỷ đồng.
Theo như chia sẻ của ông Lưu Văn Tuyển, CTCP An Phú vừa đề cập có trụ sở tại đường Lý Chính Thắng, Quận 3, Tp. HCM./.