Cách Á hậu Châu Mộng Như “trung gian” trong siêu thương vụ điện mặt trời

VietTimes -- Á hậu Châu Mộng Như đã khởi đầu công việc kinh doanh từ rất sớm và trải qua không ít thăng trầm. Gần đây, cô gây chú ý lớn với vai trò cổ đông tại các doanh nghiệp trung gian trong thương vụ thâu tóm cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1-4 của Super Energy Corporation.
Á hậu Châu Mộng Như (Nguồn: Eva.vn)
Á hậu Châu Mộng Như (Nguồn: Eva.vn)

Như VietTimes từng đề cập, Super Energy Corporation (SEC) đã phát đi thông báo với nội dung cho biết sẽ mua lại 51% vốn của các doanh nghiệp SSEVN1, SSELN2, SSEBP3 và New Hold Co 4 từ 2 cổ đông cá nhân là bà Châu Mộng Như (SN 1988) và ông Tạ Xuân Thắng (SN 1981) nhằm phục vụ cho thương vụ thâu tóm cụm dự án điện Lộc Ninh 1-4 từ CTCP Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group).

Bà Châu Mộng Như được biết tới là Á hậu châu Á tại Mỹ năm 2012, từng có thời gian hoạt động trong lĩnh vực showbiz và sở hữu một “đế chế” kinh doanh riêng.

Ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, bà Như cùng nhóm nhà đầu tư có liên quan đã thành lập một loạt các doanh nghiệp có quy mô vốn nghìn tỷ, như: CTCP Năng lượng Asean (thành lập tháng 4/2017, quy mô vốn 1.200 tỷ đồng), CTCP Năng lượng Miền Trung (thành lập tháng 11/2016, quy mô vốn 1.200 tỷ đồng).

Trở lại với thương vụ 456,7 triệu USD (khoảng 10.617,8 tỷ đồng) của SEC, “đại gia” ngành năng lượng Thái Lan cho biết sẽ dành ra tối đa 72,9 triệu USD để thâu tóm toàn bộ số cổ phần tại các công ty trung gian là SSEVN1, SSELN2, SSEBP3 và New Hold Co 4. Hoạt động này được thanh toán làm nhiều đợt.

Cái giá ấn tượng của cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh
Trong đó, SEC sẽ thanh toán một khoản tiền tạm ứng (Advance Payment) khi biên bản ghi nhớ được ký và đồng ý cho phép SST (công ty con SEC) tiến hành thẩm định (due diligence). Dữ liệu của VietTimes cho thấy, SEC đã thanh toán số tiền tạm ứng tại cả 4 dự án điện Lộc Ninh.

Diễn biến này phần nào “khớp” với thực tiễn thành lập các pháp nhân trung gian từ tháng 1/2020 của SEC, bà Châu Mộng Như và ông Tạ Xuân Thắng.

Đơn cử như SSEVN1, doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 3/1/2020, quy mô vốn 63 tỷ đồng. Trong đó, Super Solar (Thailand) Co., Ltd nắm giữ 49%, bà Châu Mộng Như sở hữu 45% và ông Tạ Xuân Thắng sở hữu 6% vốn điều lệ. Công ty SSELN2 cũng có cơ cấu cổ đông tương tự, dù quy mô vốn điều lệ là 50 tỷ đồng.

Kịch bản “đứng tên”

Dù trên giấy tờ, các cổ đông trong nước vẫn đang nắm giữ quyền chi phối tại các doanh nghiệp trung gian, song dữ liệu của VietTimes lại cho thấy những chi tiết đáng lưu ý.

Ngày 17/3/2020, không lâu sau khi thành lập SSEVN1 và SSELN2, bà Châu Mộng Như đồng loạt thế chấp số cổ phần tương đương với 26,5% vốn điều lệ tại SSEVN1 và 45% vốn điều lệ tại SSELN2 cho Super Solar (Thailand) Co., Ltd.

Tương tự, ông Tạ Xuân Thắng cũng “gán” số cổ phần tương đương với 0,5% vốn điều lệ của SSEVN1 và 3,99% vốn điều lệ của SSELN2 cho đối tác Thái Lan.

Điều này làm dấy lên nỗi băn khoăn về vai trò thực sự của bà Châu Mộng Như và ông Tạ Xuân Thắng trong thương vụ này.

Một số đã hình dung đến giả thuyết, là bà Như và ông Thắng có thể “đứng tên hộ” cho SEC, khi về bản chất, những SSEVN1 hay SSELN2 đã nằm dưới quyền chi phối của “đại gia” năng lượng Thái Lan.

Nên biết thêm rằng, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc của những doanh nghiệp này đều do các doanh nhân Thái Lan nắm giữ.

Điều kiện thanh toán của Super Energy Corporation (Ảnh chụp mành hình - Nguồn: SEC)
Điều kiện thanh toán của Super Energy Corporation (Ảnh chụp mành hình - Nguồn: SEC)

Riêng tại trường hợp thâu tóm công ty SSELN2, trong tháng 2/2020, SEC đã thực hiện khoản thanh toán đợt 1 (first payment), khoảng 4,1 triệu USD, cho việc mua cổ phần.

SSELN2 cũng là pháp nhân trung gian phục vụ cho mục tiêu nắm giữ 100% vốn tại doanh nghiệp dự án điện mặt trời Lộc Ninh 2 có mức công suất phát điện 200 MWp của tập đoàn do ông Trần Đình Hải đứng đầu.

Điều kiện để SEC tiến hành thanh toán đợt 1 đó là công ty dự án (Project Company) trong vòng 14 ngày đã chuyển các tài liệu quan trọng cho người mua (SEC) như: (1) Quyết định cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền để phát triển dự án và (2) Báo cáo khảo sát địa chất, bản đồ địa hình, báo cáo khảo sát thủy văn theo tiêu chuẩn Việt Nam và phê duyệt nghiên cứu khả thi của dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Hưng Hải Group: Từ “ông trùm” đất hiếm đến “đại gia” năng lượng
Theo tìm hiểu, trước thương vụ Lộc Ninh, ông Tạ Xuân Thắng vốn đã có kinh nghiệm sắm vai “trung gian” trong các thương vụ thâu tóm dự án điện mặt trời của nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể kể đến như, ông Thắng là cổ đông sáng lập, từng nắm giữ tới 60% vốn của CTCP Năng lượng Tân Châu - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Tân Châu 1, công suất 50MW, vốn đầu tư hơn 1.075 tỷ đồng tại huyện Tân Châu, Tây Ninh.

Tuy nhiên vào cuối tháng 2/2019, chưa đầy một năm sau hoạt động, các cổ đông của Tân Châu đã bán 99,9% vốn cho Int Energy Pte. Ltd (có trụ sở tại Singapore).

Á hậu Châu Mộng Như sở hữu cơ ngơi kinh doanh đáng nể (Ảnh: khampha.vn)
Á hậu Châu Mộng Như sở hữu cơ ngơi kinh doanh đáng nể (Ảnh: khampha.vn)

Sự nghiệp nghìn tỷ của bà Châu Mộng Như

Việc người nổi tiếng một ngày đẹp trời bỗng trở thành doanh nhân, lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh đã không còn là chuyện quá xa lạ. Nhiều nghệ sĩ, hoa hậu bên cạnh các hoạt động giải trí trong showbiz cũng sở hữu riêng cho mình những cơ ngơi kinh doanh riêng. Đối với bà Châu Mộng Như, công việc kinh doanh đã khởi đầu từ cách đây nhiều năm.

Người đẹp sinh năm 1988 là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Quảng cáo Nam Châu (Nam Châu) - doanh nghiệp được thành lập từ năm 2009.

Năm 2013, Nam Châu vướng phải vụ lùm xùm liên quan tới số tiền chậm thanh toán 230 triệu đồng với đạo diễn Huỳnh Hùng Phương và vụ kiện tranh chấp hợp đồng hợp tác quảng cáo hơn 1,5 tỷ đồng đối với một công ty truyền thông khác. Khi đó, bà Như được biết tới trên cương vị giám đốc của Nam Châu.

Chưa rõ 2 vụ kiện nêu trên có kết quả ra sao, chỉ biết rằng, vào tháng 11/2013, bà Châu Mộng Như thành lập Công ty TNHH Sea Dragon (Sea Dragon) với quy mô vốn 10 tỷ đồng, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý.

Sea Dragon sau đó chuyển đổi thành mô hình công ty cổ phần và cũng là pháp nhân lõi trong “hệ sinh thái” của bà Châu Mộng Như. Cuối năm 2018, Sea Dragon tăng vốn gấp 40 lần, từ 30 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: bà Châu Mộng Như (90%), ông Tạ Xuân Thắng (5%) và ông Lê Khôi Nguyên (5%).

Đáng chú ý, ông Lê Khôi Nguyên (SN 1990) còn được biết tới là Nam vương Việt Nam năm 2010. Ông Nguyên là một người thân thiết với bà Như và có cùng địa chỉ thường trú.

Tháng 3/2017, bà Châu Mộng Như, ông Lê Khôi Nguyên và ông Nguyễn Hải Đăng cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư sắc đẹp PPL (PPL Beauty Invest).

Ban đầu, doanh nghiệp này có quy mô vốn 9,99 tỷ đồng, do bà Châu Mộng Như sở hữu 75% vốn điều lệ. Còn ông Lê Khôi Nguyên đóng vai trò Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Cập nhật tới cuối năm 2017, quy mô vốn của PPL Beauty Invest đã được nâng lên mức 20 tỷ đồng.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Sea Dragon cùng các cổ đông cá nhân có liên quan tới bà Châu Mộng Như còn góp vốn thành lập nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ lên tới hàng trăm tỷ đồng, có thể kể tới Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Rồng Biển (100 tỷ đồng), Công ty TNHH Xây dựng Hạ Tầng Đa Quốc Gia (800 tỷ đồng), Công ty TNHH Ẩm thực Sân vườn 37, Công ty TNHH Sea Dragon Edu, Công ty TNHH Sức khỏe Bảo Linh Châu./.