Cuộc chơi ít biết của Hưng Hải Group trong ngành ô tô

VietTimes -- Quản lý, khai thác mỏ đất hiếm, xây dựng hạ tầng, thủy điện, năng lượng tái tạo là những “sân chơi” in dấu Hưng Hải Group mà VietTimes đã đề cập và nhiều người đã biết. Nhưng còn một cuộc chơi khác - cũng trong ngành công thương - của đại gia Trần Đình Hải mà công chúng có lẽ ít để ý hơn: phân phối xe ô tô.

Đại lý xe VinFast Chevrolet Thăng Long (Ảnh: Internet)
Đại lý xe VinFast Chevrolet Thăng Long (Ảnh: Internet)

"Khẩu vị" công thương của Hưng Hải Group

Theo dữ liệu của VietTimes, “hệ sinh thái” của ông Trần Đình Hải, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group), lên tới cả chục doanh nghiệp.

Trong đó, ít người biết rằng vị doanh nhân sinh năm 1964 này còn đang nắm giữ cổ phần chi phối tại CTCP GM Thăng Long (GM Thăng Long).

GM Thăng Long chính là đại lý số 1 của Chevorlet Việt Nam và hãng xe VinFast (từ ngày 15/3/2019), thường được biết đến với tên gọi VinFast Chevrolet Thăng Long.

Đại lý VinFast Chevrolet Thăng Long có diện tích hơn 4.000 m2, tọa lạc tại số 68 Trịnh Văn Bô, Phường Phương Canh, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (trụ sở chính của GM Thăng Long).

Năm 2015, liên danh GM Thăng Long và Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu Việt Anh (Việt Anh) đã trúng gói thầu “mua sắm xe ô tô phục vụ công tác của các đơn vị thuộc hệ thống tòa án nhân dân” thuộc đề án trang bị phương tiện làm việc của tòa án nhân dân các cấp giai đoạn III (2014-2018) của Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao.

Công ty Việt Anh được thành lập vào tháng 11/2009, có quy mô vốn 12 tỷ đồng, bao gồm 2 cổ đông cá nhân là bà Đặng Thị Kim Oanh (95%) và ông Phạm Tiến Hùng (5%). Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Việt Anh là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe ô tô chở tiền chuyên dụng (thương hiệu Ford).

Công ty GM Thăng Long được thành lập từ năm 2012, quy mô vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Đình Hải góp 5,5 tỷ đồng, sở hữu 55% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại do các cổ đông cá nhân là Đỗ Thị Ngọc Trâm, Trần Thị Minh và Nguyễn Thế Vinh sở hữu, với tỷ lệ lần lượt là 15%, 5% và 25% vốn điều lệ.

Tới cuối năm 2017, GM Thăng Long tăng vốn lên gấp 5 năm lần, cơ cấu cổ đông không thay đổi. Không chỉ Chevrolet, có dấu hiệu cho thấy nhóm ông Hải còn tham gia kinh doanh cả dòng xe Lexus, Toyota, với một số showroom tại Hà Nội.

Lĩnh vực nhập khẩu và phân phối xe ô tô chỉ là một trong số nhiều hoạt động kinh doanh của Hưng Hải Group và ông Trần Đình Hải.

Như VietTimes từng đề cập, Hưng Hải Group là “ông trùm” đất hiếm, sở hữu loạt mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Tập đoàn của ông Trần Đình Hải cũng còn có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, san ủi mặt bằng và xây dựng dân dụng) tại Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai.

Ở lĩnh vực thủy điện, theo dữ liệu của VietTimes, Hưng Hải Group đã đang triển khai một loạt dự án có tổng công công suất hơn 800 MW. Tổng mức đầu tư tại các dự án lên tới 30.000 tỷ đồng.

Trong đó, có gần 200 MW đã phát điện thương phẩm từ năm 2015; 200 MW phát điện thương phẩm trong năm 2018 và 400MW dự kiến phát điện trong giai đoạn 2019 - 2021.

Với nền tảng tích lũy có được, Hưng Hải Group cũng đang có những bước phát triển đáng chú ý trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong đó phải kể tới cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1-5 tại tỉnh Bình Phước có tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, công suất phát điện nổi trội so với nhiều dự án đã được ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Gần đây, Super Energy Corporation (SEC) đã đưa 4 dự án điện Lộc Ninh của Hưng Hải Group vào “tầm ngắm” và sẵn sàng chi tới 456,7 triệu USD để thực hiện thâu tóm. Thương vụ chiếm hơn 1/5 tổng tài sản cũng hé lộ tham vọng lớn của SEC trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Có thể thấy, các lĩnh vực đầu tư của Hưng Hải Group đều tập trung vào ngành công thương vốn đòi hỏi nguồn lực, sự am tường hệ thống, cũng như khả năng phán đoán và vận động chính sách.

Các thương vụ gần đây mà tập đoàn của ông Trần Đình Hải đang tham vọng đầu tư như dự án nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai hay nhà máy điện mặt trời Sông Bình 6 có thể đem đến những gợi mở.

Một công trường khai thác khoáng sản của Hưng Hải Group (Ảnh: QĐND)
Một công trường khai thác khoáng sản của Hưng Hải Group (Ảnh: QĐND)

Thêm những siêu dự án năng lượng đang “làm quy trình”

Cụm dự án quang điện Lộc Ninh 12.000 tỷ đồng vẫn chưa phải là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất của Hưng Hải Group, chí ít là trên giấy tờ.

Tháng 8/2018, tập đoàn này có văn bản số 508 gửi UBND huyện Kong Chro và UBND tỉnh Gia Lai về việc xin khảo sát, lắp đặt cột đo gió, bổ sung quy hoạch, triển khai lập dự án nhà máy điện gió Hưng Hải tỉnh Gia Lai.

Công suất giai đoạn 1 của dự án là 480 MW (chia thành 4 nhà máy với công suất 120MW/nhà máy), được phát triển trên khu đất rộng 140 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, Hưng Hải Group cam kết sẽ cân đối 4.000 tỷ đồng vốn tự có.

Tuy nhiên, dữ liệu của VietTimes cập nhật tới tháng 10/2016 cho thấy, quy mô vốn điều lệ của Hưng Hải Group chỉ ở mức 200 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Đình Hải tham gia góp 190 tỷ đồng, sở hữu 95% vốn.

Quá trình khảo sát của Hưng Hải Group dường như đã đem lại những kết quả khả quan. Bởi đến ngày 10/1/2019, UBND huyện Kong Chro đã có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai, về việc bổ sung hồ sơ quy hoạch Điện lực Quốc Gia dự án nhà máy điện gió Hưng Hải.

Theo đó, tổng công suất toàn bộ dự án là 600MW, gồm 120 tháp gió, tổng vốn đầu tư 21.000 tỷ đồng. Tổng diện tích đất trong khu vực đầu tư dự án là 3.220 ha và đất sử dụng lâu dài là 123ha. Dự án dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2021.

Tới ngày 18/1/2019, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản số 155/TTr-UBND gửi Bộ Công thương đề nghị bổ sung dự án Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Một dự án năng lượng tái tạo khác có liên quan tới ông Trần Đình Hải là dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Bình 6 (250 MWp) cũng đã được UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất Bộ Công thương xem xét đưa vào quy hoạch phát triển điện quốc gia.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Bình 6 do CTCP Sữa Thông Thuận và CTCP Năng lượng Hưng Bình (Hưng Bình) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến là 5.612,7 tỷ đồng phát triển trên khu đất rộng 295 ha.

Công ty Hưng Bình được thành lập vào tháng 1/2018, với quy mô vốn điều lệ ở mức 50 tỷ đồng. Trong đó, nhóm cổ đông có liên quan tới ông Trần Đình Hải sở hữu 45% vốn điều lệ. Số cổ phần chi phối (55% VĐL) của Hưng Bình do ông Trương Hữu Thông - Chủ sở hữu CTCP Sữa Thông Thuận - nắm giữ.

Ngoài các doanh nghiệp nêu trên, dữ liệu của VietTimes cho thấy, nhóm Hưng Hải Group còn cùng Tổng Công ty Thăng Long góp vốn tại CTCP Đầu tư và Xây dựng Hưng Hải Thăng Long. Tới tháng 1/2018, nhóm Hưng Hải Group bất ngờ triệt thoái vốn tại doanh nghiệp này.

Ở một thương vụ khác đáng chú ý, tháng 4/2014, ông Trần Đình Hải đã góp 90 tỷ đồng để thành lập CTCP Sân Golf Lào Cai. Tuy nhiên, tới tháng 9/2017, công ty này đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp./.