Các tập đoàn công nghệ Trung Quốc thâm nhập thị trường Mỹ, thách thức sự thống trị của Amazon

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Pinduoduo và ByteDance, chủ sở hữu kênh TikTok đã tung ra các trang web thương mại điện tử ở nước ngoài trong vài tháng qua, hướng đến cung cấp các sản phẩm Trung Quốc cho khách hàng Mỹ và quốc tế.
Thời trang Tiktok. Ảnh minh họa CNBC
Thời trang Tiktok. Ảnh minh họa CNBC

Động thái này đặt 2 công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc vào khả năng va chạm với Amazon khi các doanh nghiệp mở rộng thị trường thương mại điện tử vào thị trường Mỹ và ra quốc tế.

Pinduoduo, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đã ra mắt trang web mua sắm ở Mỹ có tên Temu vào tháng 10/2022, chuyên bán những sản phẩm thuộc các ngành hàng từ thời trang đến thể thao và điện tử.

Vài tuần sau, ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng video ngắn TikTok, có trụ sở tại Bắc Kinh, tung ra một trang web thương mại điện tử thời trang có tên If Yooou. Trang web hiện đang được phục vụ cho thị trường Anh, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Pháp.

Cả hai công ty đang tìm cách tái tạo thành công của Shein, thương hiệu thời trang nhanh của Trung Quốc, hiện có trị giá 100 tỷ USD với một lượng khách hàng lớn ở Mỹ và các quốc gia khác.

ByteDance và Pinduoduo cũng đang sử dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, bán các sản phẩm Trung Quốc cho người tiêu dùng nước ngoài mà thị trường Mỹ và châu Âu được coi là cơ hội tăng trưởng.

Động thái thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ra nước ngoài được thực hiện trong thời điểm các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ ở Trung Quốc tìm kiếm con đường tăng trưởng mới, khi nền kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với những khó khăn do chính sách kiểm soát Covid chặt chẽ của Bắc Kinh và môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu xấu đi.

Jacob Cooke, Giám đốc điều hành WPIC, một công ty tiếp thị và công nghệ thương mại điện tử, giúp các thương hiệu nước ngoài bán hàng tại Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn với CNBC nhận xét: “Tôi nghĩ rằng ByteDance và Pinduoduo đang nắm bắt cơ hội để áp dụng những giải pháp đổi mới thương mại xã hội độc đáo của công nghệ”.

Pinduoduo từ chối bình luận về vấn đề này, ByteDance không trả lời yêu cầu bình luận.

Chiến lược thương mại điện tử của Pinduoduo và ByteDance

Các chiến lược thương mại điện tử xuyên biên giới của Pinduoduo, còn được gọi là PDD và ByteDance sẽ khác nhau do phát huy những điểm mạnh khác nhau của doanh nghiệp.

Tại Trung Quốc, PDD đã phát triển nhanh chóng bằng phương pháp xây dựng liên kết trực tiếp với các nhà sản xuất và cung cấp những khoản chiết khấu lớn. Ưu thế này rất hữu ích khi tìm nguồn cung ứng sản phẩm để bán ở Mỹ và đưa đến tay người tiêu dùng với giá thấp.

ByteDance điều hành ứng dụng video ngắn TikTok, một trong những ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới. Những thuật toán của ByteDance cho phép nắm bắt tâm lý người tiêu dùng trên Tiktok, kết hợp với tiềm năng tận dụng hệ sinh thái TikTok cho thương mại điện tử là những lợi thế to lớn. Ông Cooke lưu ý.

Công ty Trung Quốc không phải là doanh nghiệp mới trong thương mại điện tử ở nước ngoài. Tại Vương quốc Anh, công ty ByteDance có tính năng mua sắm trên TikTok, nơi các thương hiệu và những người có ảnh hưởng đăng tải các video về sản phẩm và người dùng có thể mua những sản phẩm đó thông qua ứng dụng. Nhưng đến nay, Tiktok vẫn chưa cho được kết quả.

Dmonstudio, một trang web thời trang dành cho phụ nữ mà ByteDance ra mắt trước đó, đóng cửa chỉ sau vài tháng hoạt động. Fanno, một trang thương mại điện tử khác của ByteDance, hiện đang hoạt động nhưng không có quá nhiều sức hút đối với người tiêu dùng.

Phương pháp mua sắm video trực tiếp (livetream) rất phổ biến ở Trung Quốc và một số quốc gia châu Á, nhưng chưa thực sự thành công ở châu Âu hay Mỹ. Tờ Financial Times hồi tháng 7 đưa tin, TikTok đã từ bỏ kế hoạch mở rộng chiến lược thương mại điện tử livetream ở châu Âu và Mỹ. Đây có thể là lý do khiến ByteDance kiên trì phát triển một trang web mua sắm thương mại điện tử để đồng hành với chiến lược mua sắm TikTok của mình.

ByteDance và Pinduodudo là những công ty Trung Quốc mới tìm cách xâm nhập thị trường quốc tế. Alibaba và JD.com, 2 công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, đã và đang mở rộng kinh doanh ra nước ngoài trong nhiều năm gần đây.

Thách thức sự thống trị của Amazon?

Những nỗ lực của ByteDance và Pinduoduo nhằm tấn công vào thị trường thương mại điện tử khiến các doanh nghiệp phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử khổng lồ Amazon của Mỹ. PDD’s Temu, kinh doanh các sản phẩm thuộc nhiều danh mục khác nhau, sẽ là đối tượng thách thức với Amazon về giá cả và dịch vụ.

Trang If Yooou của ByteDance sẽ cạnh tranh với Amazon trong lĩnh vực thời trang, một lĩnh vực mà công ty sở hữu Tiktok, có trụ sở chính tại Seattle đang tìm cách thúc đẩy sự phát triển. Nhưng cả 2 doanh nghiệp đều phải đối mặt với thách thức đẩy lùi sự thống trị của Amazon và chiếm một phần thị phần.

Theo Cooke, một khó khăn lớn đối với 2 doanh nghiệp thương mại điện tử là hành vi người tiêu dùng bên ngoài Trung Quốc có xu hướng ủng hộ mô hình kinh doanh của Amazon,. Theo thói quen, khách hàng thường lên Amazon tìm kiếm các sản phẩm hoặc thương hiệu cụ thể trước khi quyết định mua.

Ngược lại, các nền tảng của Trung Quốc như Tmall và JD.com của Alibaba “hoạt động giống như các trung tâm mua sắm ảo, nơi người tiêu dùng xem xét các mặt hàng khác nhau và tham gia vào trải nghiệm xã hội kỹ thuật số.”

Pinduoduo và ByteDance “có thể chiếm được thị phần của Amazon trong một số lĩnh vực nhất định như Shein đã làm, nhưng cuối cùng những doanh nghiệp này không gây nguy hiểm cho sự thống trị của Amazon trên thị trường thương mại điện tử Mỹ”, Cooke nói.

“Các doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt với khả năng nhận diện thương hiệu thấp và cần thời gian xây dựng lòng tin của người tiêu dùng.”

Theo CNBC