Ứng dụng AI trong thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi mạnh mẽ nhiều khía cạnh trong đời sống. Tương tự, AI cũng đang tác động lớn đến các công ty thương mại điện tử muốn thu hút và giữ chân khách hàng.
Thương mại điện tử ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ảnh minh họa: Tiki.
Thương mại điện tử ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ảnh minh họa: Tiki.

AI (viết tắt của Artificial Intelligence) - Trí tuệ nhân tạo - là một ngành khoa học, kỹ thuật chế tạo máy móc thông minh, đặc biệt là các chương trình máy tính thông minh. AI được thực hiện bằng cách nghiên cứu cách suy nghĩ của con người, cách con người học hỏi, quyết định và làm việc trong khi giải quyết vấn đề. Những kết quả nghiên cứu này được sử dụng như một nền tảng để phát triển các phần mềm và hệ thống thông minh, từ đó áp dụng vào các mục đích khác nhau trong cuộc sống.

Nói một cách dễ hiểu, AI là việc sử dụng, phân tích các dữ liệu đầu vào nhằm đưa ra sự dự đoán rồi đi đến quyết định cuối cùng. Mục đích của AI nhằm tạo ra các hệ thống chuyên gia - là các ứng dụng máy tính được phát triển để giải quyết các vấn đề phức tạp trong một lĩnh vực cụ thể, ở mức độ thông minh và chuyên môn của con người. AI thực hiện trí thông minh của con người trong máy móc để tạo ra các hệ thống có thể hiểu, suy nghĩ, học hỏi và hành xử như con người.

Một số ứng dụng AI trong cuộc sống

Trong ngành vận tải, trí tuệ nhân tạo AI được ứng dụng trên những phương tiện vận tải tự lái, điển hình như là ô tô. Ứng dụng này góp phần mang lại lợi ích kinh tế cao hơn nhiều nhờ khả năng cắt giảm chi phí đặc biệt hạn chế những tai nạn nguy hiểm đến tính mạng con người.

Trong sản xuất, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng để xây dựng những quy trình sản xuất tối ưu hơn. Công nghệ AI còn có khả năng phân tích cao, làm cơ sở định hướng cho khả năng ra quyết định trong sản xuất.

Đối với lĩnh vực y tế, ứng dụng tiêu biểu của trí tuệ nhân tạo chính là máy bay không người lái, được sử dụng trong những trường hợp cứu hộ khẩn cấp. Thiết bị này có thể đạt được tốc độ nhanh hơn xe chuyên dụng đến 40%, thích hợp để sử dụng ở những nơi có địa hình hiểm trở.

Thương mại điện tử ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ảnh minh họa.

Thương mại điện tử ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ảnh minh họa.

Trong lĩnh vực giáo dục, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo đã tạo ra những thay đổi lớn. Các hoạt động thường ngày như chấm điểm hay dạy kèm cho học sinh có thể được tự động hóa hoàn toàn nhờ công nghệ AI. Nhiều trò chơi, phần mềm giáo dục ra đời đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng học sinh, giúp cải thiện chất lượng dạy và học.

Trí tuệ nhân tạo còn có thể chỉ ra được những vấn đề mà các khóa học cần phải cải thiện. Chẳng hạn, khi nhiều học sinh phát hiện đáp án sai, hệ thống sẽ thực hiện thông báo cho giáo viên, đồng thời gửi thông điệp đến cho học sinh để chỉnh sửa đáp án phù hợp.

Công nghệ AI còn có khả năng theo dõi sự tiến bộ của các học sinh và thông báo đến giáo viên khi phát hiện vấn đề về kết quả học tập. Hơn thế nữa, sinh viên có thể học hỏi và khám phá nhiều hơn trên phần mềm có hỗ trợ AI. Công nghệ AI còn cung cấp dữ liệu, giúp sinh viên lựa chọn được những khóa học tốt nhất, phù hợp nhất cho mình.

Đối với lĩnh vực truyền thông, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã góp phần làm thay đổi cách thức tiếp cận với khách hàng mục tiêu. Nhờ ưu điểm của công nghệ AI, các công ty có thể cung cấp quảng cáo vào đúng thời điểm, đúng đối tượng khách hàng tiềm năng, dựa trên việc phân tích những đặc điểm về nhân khẩu học, thói quen hoạt động trực tuyến những của khách hàng.

Công nghệ AI còn giúp ngành dịch vụ hoạt động một cách tối ưu hơn, từ đó góp phần mang đến những trải nghiệm mới mẻ và tốt hơn cho khách hàng. Thông qua thu thập và phân tích dữ liệu, công nghệ AI còn nắm bắt thông tin về hành vi sử dụng những dịch vụ, mang lại những giải pháp phù hợp nhất với nhu cầu của từng khách hàng.

Ứng dụng AI trong thương mại điện tử (TMĐT)

AI sử dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên để cải thiện kết quả tìm kiếm bằng hình ảnh cho người mua hàng trực tuyến. Công cụ này có khả năng tìm kiếm trực quan, cho phép người mua sắm khám phá các sản phẩm bổ sung và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Người tiêu dùng có thể chụp ảnh đôi giày mới của bạn bè hoặc quần áo tập thể dục mới, tải lên và sau đó AI cho phép người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy các mặt hàng tương tự thông qua các cửa hàng TMĐT.

Ngoài việc sử dụng hình ảnh để tìm kiếm, người dùng còn có thể tìm kiếm bằng giọng nói. Khi tích hợp AI, công cụ có thể hiểu những gì khách hàng nói. Hiện tính năng này ngày càng được cải thiện hơn trong việc ghi nhận giọng nói và các cụm từ.

Việc tìm kiếm bằng giọng nói trước đó đã được phổ cập hóa nhờ các thiết bị thông minh được tích hợp trợ lý ảo như Alexa của Amazon, Siri của Apple hay Google Assistant của Google . Dĩ nhiên, các nhà bán lẻ trực tuyến cần phải tiếp tục việc tối ưu hóa các nền tảng web của họ để có thể xử lý các lệnh tìm kiếm bằng giọng nói.

Thương mại điện tử ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ảnh minh họa.

Thương mại điện tử ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ảnh minh họa.

Theo Conversica, ít nhất 33% khách hàng tiềm năng không được theo dõi bởi đội ngũ bán hàng. Điều này có nghĩa là những người mua tiềm năng đủ điều kiện đang bị bỏ lại phía sau, không được tiếp cận sản phẩm. Lúc này, AI trở thành công cụ trợ giúp đắc lực. Qua nhập liệu bằng giọng nói, hệ thống sẽ ghi nhận yêu cầu, trả lời các truy vấn cũng như giải quyết vấn đề của khách hàng, thậm chí xác định các cơ hội mới cho nhóm bán hàng.

TMĐT hiện đang tập trung vào trải nghiệm người dùng. Việc sử dụng AI thông qua chatbot trực tuyến là một cách để thúc đẩy cuộc trò chuyện trong kỷ nguyên số. Thực tế, chatbot có thể tự động hóa các quy trình đặt hàng. Đây cũng là một cách hiệu quả để cung cấp dịch vụ khách hàng 24/7 với chi phí thấp. Với chatbot, các trang web thương mại điện tử có thể tăng tỷ lệ chuyển đổi bằng cách điều chỉnh trải nghiệm trực tuyến cho người tiêu dùng. Với các thương hiệu, AI có thể dự đoán thông minh và hiệu quả hơn hành vi và nhu cầu của khách hàng, đồng thời đưa ra các khuyến nghị hữu ích.

Đánh giá (review) là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua hàng. Tuy nhiên, tình trạng đánh giá tiêu cực từ đối thủ cạnh tranh đã đe dọa đến các doanh nghiệp TMĐT. Vậy làm thế nào AI có thể quản lý vấn đề này? Bằng tính năng xác minh, AI có thể nhận dạng những đánh giá "spam", từ đó kiểm soát đáng kể tình trạng này.

Hiện nay, các công ty TMĐT đang tiếp tục cải tiến các công cụ AI cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Trí tuệ nhân tạo trong TMĐT sẽ tác động đến các giao dịch, giữ chân khách hàng, tạo sự hài lòng. Nắm bắt cơ hội ứng dụng AI, các doanh nghiệp đã triển khai và hợp tác với các công ty đối tác, nhằm hợp nhất năng lực về AI, từ đó tạo ra các giải pháp tối ưu hơn.