Các hãng smartphone Trung Quốc áp dụng chiến lược gì để “đá bay” smartphone Ấn Độ? (Phần cuối)

VietTimes -- Trong bài viết về sự thất bại của smartphone Ấn Độ với smartphone Trung Quốc ngay trên sân nhà, chúng ta đã phân tích những sai lầm trong kinh doanh, sản xuất của các nhà sản xuất smartphone Ấn Độ. Vậy các hãng sản xuất smartphone Trung Quốc đã làm gì để chiến thắng tại Ấn Độ?
Các công ty Trung Quốc đã áp dụng chiến lược gì để đánh bại hết những công ty Ấn Độ ngay trên đất Ấn? (Ảnh: NDTV)
Các công ty Trung Quốc đã áp dụng chiến lược gì để đánh bại hết những công ty Ấn Độ ngay trên đất Ấn? (Ảnh: NDTV)

Tham khảo bài viết phần 1: Vì sao smartphone Ấn Độ thua Trung Quốc ngay trên sân nhà

Ấn Độ vẫn là một thị trường lớn với các nhà sản xuất smartphone. Khoảng 350 triệu người trong số 1,2 tỷ dân của Ấn hiện đang sở hữu một smartphone. Chỉ năm ngoái, hơn 100 triệu smartphone được bán ra tại Ấn Độ. Các công ty Trung Quốc đã áp dụng chiến lược gì để đánh bại hết những công ty Ấn Độ ngay trên đất Ấn?

Từ chiến lược thương mại điện tử đến offline và làm thân cả giới Bollywood

Theo báo Ấn Độ NDTV, một chiến lược mà các công ty Trung Quốc sử dụng đó là dùng thương mại điện tử. Mặc dù hầu hết người Ấn thích mua smartphone tại các cửa hàng, nhưng các công ty Trung Quốc trong những năm đầu vẫn đến với Flipkart, Amazon India, Snapdeal. Họ nói điều đó giúp họ tránh các chi phí hậu cần.

Nhưng khi các hãng như Xiaomi, Oppo, Vivo bắt đầu có tiếng ở Ấn Độ, họ lại bắt đầu xây dựng nền tảng, mở rộng tại các cửa hàng vật lý. Xiaomi hiện đã bán smartphone qua hơn 600 cửa hàng bán lẻ ở gần chục thành phố Ấn Độ. Xiaomi đang đảm bảo họ bán smartphone tại các cửa hàng và có mức giá, sự hỗ trợ không khác gì khi bán qua Flipkart, Amazon India hay trang thương mại điện tử của họ Mi.com.

Oppo và Vivo cũng rất hào hứng với chiến lược ở Ấn Độ. Để mở rộng sự có mặt tại các thành phố cấp 2 và cấp 3, Oppo và Vivo cùng thuyết phục các cửa hàng địa phương đổi tên cửa hàng bán lẻ thành cửa hàng Oppo hoặc Vivo, và trả chi phí tới 40.000 Rs (625 USD) mỗi tháng cho các cửa hàng.

Ngoài ra, cửa Oppo và Vivo đều đưa ra chiết khấu cao hơn cho các nhà bán lẻ – có nơi tới 30%. Mức chung là 5%. Vì thế các nhà bán lẻ rất sẵn sàng đổi tên cửa hàng thành Oppo hay Vivo, thay vì nhãn hiệu Ấn Độ.

Oppo và Vivo cũng sẵn sàng chi tiền khủng để tiếp cận các ngôi sao Bollywood và bóng cricket, để làm đại sứ cho smartphone của họ. Kết quả là, các công ty Trung Quốc bắt đầu thống trị thị trường. Theo hãng nghiên cứu IDC, Xiaomi đã có 17% thị phần, Vivo có 13%, Oppo có 8%, Lenovo đứng thứ 4 với 7%. Samsung vẫn là số 1 tại Ấn Độ với 24% thị phần.

Các hãng smartphone Trung Quốc đã khôn ngoan hưởng ứng từ chính sách chính phủ đến thị hiếu thị trường

Tất cả các công ty Trung Quốc đang hoạt động tại Ấn Độ đều đã điều chỉnh chiến lược để phù hợp hơn với các chính sách địa phương. Một ví dụ là họ tham gia vào chương trình Made in India, một sáng kiến của chính phủ Ấn Độ khuyến khích các công ty sản xuất, lắp ráp sản phẩm ở Ấn Độ.

Chương trình này giúp tạo nhiều công ăn việc làm ở Ấn. Để khuyến khích các công ty sản xuất ở Ấn Độ, chính phủ có một số ưu đãi thuế. Hiện đã có gần 70% smartphone bán tại Ấn Độ được sản xuất trong nước.

Không những thế, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc còn thích ứng với thị trường. Nhà mạng Reliance Jio chỉ cung cấp mạng lưới 4G ở Ấn Độ, và vì thế họ không hỗ trợ smartphone nào không hỗ trợ 4G. Nhiều smartphone, đặc biệt là smartphone của các nhà sản xuất Ấn, vẫn chưa có 4G.

Arvind Vohra, giám đốc của Gionee, đã có lời giải thích đơn giản về sự tăng trưởng mạnh mẽ của smartphone Trung Quốc tại Ấn Độ. “Các công ty Ấn không thuyết phục được khách hàng rằng họ có tất cả những gì mà khách hàng muốn trên điện thoại”, ông nói. “Và khi người tiêu dùng lo ngại, họ nhận thấy những sản phẩm hàng đầu với chất lượng tốt của các hãng Trung Quốc mang đến mọi thứ họ muốn”.