Các công ty Trung Quốc hợp tác phát triển công nghệ hoán đổi pin xe điện của Nio

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Công ty xe điện Nio sẽ hợp tác với tập đoàn Chiết Giang Geely, doanh nghiệp ô tô tư nhân lớn thứ hai Trung Quốc phát triển mở rộng công nghệ hoán đổi pin, giải quyết thách thức cơ sở hạ tầng sạc thiếu hụt ở quốc gia này.

Xe điện đổi pin tại trạm hoán đổi pin Nio ở Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Xe điện đổi pin tại trạm hoán đổi pin Nio ở Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Trang Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, công ty Geely, chiếm gần 6% thị phần xe điện tại Trung Quốc trở thành tập đoàn ô tô thứ hai của Trung Quốc áp dụng công nghệ hoán đổi pin, được phát triển nhằm giảm bớt quan ngại về quãng đường di chuyển tầm xa của lái xe.

Tuần trước, công ty Changan Automobile thuộc sở hữu nhà nước, một trong 4 tập đoàn sản xuất ô tô thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất Trung Quốc đã hợp tác với Nio để sản xuất xe điện, được trang bị công nghệ hoán đổi pin tự động này.

William Li, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Nio, công ty sản xuất xe điện có trụ sở tại Thượng Hải trong một tuyên bố cho biết: “Quan hệ đối tác chiến lược này sẽ mở rộng hơn nữa dịch vụ trao đổi pin thương mại chất lượng cao và thuận tiện cho nhiều người dùng hơn, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển ổn định của ngành công nghiệp xe điện thông minh.”

Các trạm trao đổi pin linh hoạt của Nio cho phép chủ phương tiện của nhà sản xuất xe điện nhanh chóng đổi bộ pin đã sử dụng gần hết để lấy bộ pin khác đã sạc đầy.

Hoandoipinxedien02.jpg
Một xe điện Nio tại trạm hoán đổi pin Nio ngày 13/11/2023 ở Taicang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Thỏa thuận hợp tác giữa hai công ty được ký kết tại Hàng Châu, phía đông tỉnh Chiết Giang, nơi Geely đặt trụ sở chính. Theo thỏa thuận này, hai doanh nghiệp sẽ phối hợp thiết kế các gói pin có thể thay thế, mở rộng mạng lưới các trạm thay thế và phát triển khả năng vận hành thuận lợi. Những điều khoản tương tự như thỏa thuận hợp tác được Nio và Changan ký ngày 21/11.

Hiện tại Nio vận hành hơn 2.100 trạm hoán đổi pin trên khắp Trung Quốc với mục đích giảm bớt sự lo ngại của lái xe điện về khả năng kiệt pin giữa các trạm sạc.

Hầu hết các trạm hoán đổi pin của Nio có kết nối tự động để hướng dẫn xe điện đến vị trí. Quá trình thay pin mất khoảng 3 phút. Công ty đã ra mắt trạm hoán đổi pin đầu tiên tại Thâm Quyến tháng 5/2018.

Geely, chủ sở hữu của các thương hiệu ô tô Volvo, Lotus , Zeekr và Lynk đã giao được 346.464 xe điện cho khách hàng Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2023, chiếm 5,8% tổng số xe điện bán ra toàn quốc. Tổng doanh số bán xe của hãng, bao gồm xe điện và xe chạy xăng đã tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,11 triệu chiếc trong giai đoạn này. Công ty thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Li Shufu, nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư tại Trung Quốc, đứng sau BYD, Faw-Volkswagen và Changan.

Công ty Changan, có trụ sở tại thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc thông báo đã giao được 1,13 triệu xe từ tháng 1 đến tháng 10, tăng 12,4% so với năm 2022.

Nio, công ty lắp ráp xe điện cao cấp với công nghệ lái tự động và buồng lái kỹ thuật số sẽ được hưởng lợi từ nguồn doanh thu mới nếu công nghệ hoán đổi pin được các công ty sản xuất xe điện Trung Quốc chấp nhận rộng rãi. Nio thông báo đã giao được 16.074 xe trong tháng 10, thấp hơn nhiều so với kỷ lục 20.462 xe trong tháng 7.

Gao Shen, nhà phân tích độc lập thị trường ô tô ở Thượng Hải cho biết: “Changan và Geely đều là những công ty có thế và lực trong lĩnh vực ô tô Trung Quốc. Nio sẽ đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình phát triển và triển khai hệ thống hoán đổi pin sau khi thiết lập mối quan hệ với hai tập đoàn khổng lồ này.”

Nio được thành lập vào năm 2014, hiện vẫn chưa báo cáo lợi nhuận và đang tiến hành chiến dịch cắt giảm chi phí. Ngày 24/11, Ji Huaqiang, phó chủ tịch phụ trách sản xuất, hậu cần và vận hành, trong một cuộc họp báo trên phương tiện truyền thông đại chúng tuyên bố, Nio đặt mục tiêu giảm 1/3 lực lượng lao động vào năm 2027 khi công ty bắt đầu robot hóa dây chuyền sản xuất.

Theo SCMP